Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
Chứng khoán Việt Nam 2025: Nhiều yếu tố hỗ trợ khối ngoại trở lại thị trường
Thanh Thủy - 03/01/2025 09:25
 
Dù khối ngoại tiếp tục có thêm một năm bán ròng mạnh mẽ, thậm chí xác lập kỷ lục mới, nhưng điểm sáng từ dòng vốn đầu tư nước ngoài và sự tham gia của nhóm này trên thị trường sơ cấp vẫn chứng minh sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Kỷ lục không mong muốn của chứng khoán Việt

Những tháng gần đây, diễn biến giá cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) có độ tương đồng khá sát với nhịp mua - bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Ở hầu hết các phiên khối ngoại bán ròng, cổ phiếu VNM hiếm khi giữ được sắc xanh ở cuối phiên và ngược lại.

Tính chung cả năm 2024, khối ngoại đã bán ròng cổ phiếu VNM và thu về xấp xỉ 3.150 tỷ đồng. Dù VNM đứng cuối trong top 10 cổ phiếu bị khối ngoại bán mạnh nhất trong năm 2024, song động thái bán ra của khối ngoại lại là một phần nguyên nhân kéo giá cổ phiếu của “ông lớn” ngành sữa đi lùi, bên cạnh một số yếu tố khác như tăng trưởng, báo cáo kết quả kinh doanh quý...

“Dòng tiền nội đang không quá ưu ái cổ phiếu này. Vì vậy, khi thiếu đi dòng tiền đối ứng từ trong nước, động thái của khối ngoại trở thành yếu tố quyết định diễn biến giá cổ phiếu VNM”, ông Nguyễn Đức Khang, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Pinetree chia sẻ với các nhà đầu tư khi nhận định về giao dịch cổ phiếu VNM những tháng gần đây.

Tuy vậy, không phải cổ phiếu nào cũng chịu ảnh hưởng tương tự. Khối ngoại “chốt lời” tới 6.400 tỷ đồng, nhưng cổ phiếu FPT vẫn mang về hiệu suất tốt cho nhà đầu tư năm qua (+82%). Chưa kể, sở hữu FPT còn là nguyên nhân giúp không ít quỹ đầu tư “chiến thắng” thị trường.

Với đa số các cổ phiếu trên sàn, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài không lớn. Con số này có thể trội lên ở các phiên thanh khoản xuống thấp. Tuy nhiên, thống kê trên HoSE, bình quân từ đầu năm, khối ngoại chiếm tỷ trọng 9,14% trong giá trị giao dịch mua và 10,9% giá trị giao dịch bán.

Trong khi đó, giai đoạn trước năm 2016, khối ngoại có thể đóng góp khoảng 20% thanh khoản.  Dù vậy, việc khối ngoại rút ròng với giá trị lớn ở nhiều thời điểm vẫn được chỉ ra là nguyên nhân gây ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư toàn thị trường.

Cập nhật đến ngày 27/12, giá trị bán ròng của khối ngoại đạt hơn 95.000 tỷ đồng, tương đương 3,7 tỷ USD. Đây là mức kỷ lục trong 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, chỉ riêng top 10 bị bán ròng mạnh nhất mang về 94.680 tỷ đồng cho các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đầu là cổ phiếu của Vinhomes (19.100 tỷ đồng), VIB (8.264 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ FUEVFVND (7.215 tỷ đồng), FPT (6.390 tỷ đồng), Masan (gần 6.030 tỷ đồng).

Trong khi đó, cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên sàn là cổ phiếu BHI của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội với giá trị chỉ hơn 1.600 tỷ đồng thông qua giao dịch của DB Insurance mua trọn 75% vốn điều lệ.

Bất chấp kỷ lục “buồn”, Chỉ số VN-Index phần lớn đi ngang trong biên độ hẹp 1.200-1.300 điểm, với nhiều lần thất bại trong việc chinh phục cột mốc 1.300 điểm, dù đã 5-6 lần tiến sát, nhưng cũng xây dựng được ngưỡng hỗ trợ khá vững ở mốc 1.200 điểm.

Khó ngược dòng khi tiền đổ về Mỹ

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), khối ngoại rút ròng tại Việt Nam cùng hàng loạt thị trường mới nổi và cận biên có nguyên nhân đến từ xu hướng dòng vốn toàn cầu. Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thay đổi từ thắt chặt sang nới lỏng. Trong mỗi chu kỳ hạ lãi suất của Fed, nếu không xảy ra suy thoái kinh tế, chỉ số S&P 500 thường tăng đáng kể.

Chúng tôi kỳ vọng, con sóng tiếp theo là sóng nâng hạng thị trường ở nửa cuối năm 2025 sau giai đoạn tích lũy cả năm qua. Vùng trũng có thể rơi vào tháng 4-6. Ở nửa cuối năm, VN-Index có thể lên cao nhất 1.400 điểm.

- Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS Research

Nhiều kênh tài sản khác như vàng và tiền kỹ thuật số cũng đã thu hút lượng lớn dòng vốn. Ông Sơn cho biết, dòng tiền từ các quỹ ETF đổ vào thị trường chứng khoán Mỹ năm 2024 đạt kỷ lục trong 10 năm, với giá trị hơn 1.000 tỷ USD.

Mặc dù dòng vốn gián tiếp bị rút mạnh, vẫn có những tín hiệu tích cực của vốn ngoại tại Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn FDI đăng ký đạt 31,4 tỷ USD.

Đáng chú ý, các dự án lớn như trung tâm nghiên cứu và phát triển AI của NVIDIA tại Hà Nội và khoản đầu tư 200 triệu USD vào nhà máy AI hợp tác với FPT càng củng cố triển vọng FDI trong dài hạn, đặt nền móng cho sự phát triển của các ngành công nghệ cao, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Cùng với đó, dù rút ròng trên sàn, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có sự hiện diện tích cực trên thị trường sơ cấp khi chi hơn chục ngàn tỷ đồng tham gia các đợt phát hành. Trong đó, hai quỹ đầu tư tư nhân quốc tế Bain Capital đã chi 6.339 tỷ đồng để mua 74,6 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi thành cổ phần phổ thông của Tập đoàn Masan (MSN). Bốn cổ đông ngoại của Công ty Chứng khoán Phú Hưng tham gia phát hành riêng lẻ chào 50 triệu cổ phiếu, qua đó sở hữu tổng cộng 76,36% vốn công ty chứng khoán này.

PYN Elite Fund, quỹ đầu tư đến từ Phần Lan cũng rất tích cực mua cổ phần trên thị trường sơ cấp khi tham gia đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và trở thành cổ đông lớn thứ hai của Công ty Chứng khoán DNSE ngay đầu năm. Đây cũng là thương vụ IPO đáng chú ý nhất tại Việt Nam năm 2024.

Tiếp đó, PYN Elite Fund là nhà đầu tư giải ngân số tiền lớn nhất trong đợt chào bán riêng lẻ của Công ty Chứng khoán Vietcap (hơn 600 tỷ đồng). Theo báo cáo gửi đến các nhà đầu tư của quỹ, ngoài gia tăng đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngay trong năm, PYN Elite cũng đã chốt lời cổ phiếu của Tập đoàn CMC (CMG) và HDBank (HDB) với hiệu suất lợi nhuận đáng nể khi giá cổ phiếu tăng lần lượt 223% và 60%.

Động thái cơ cấu danh mục cũng phần nào cho thấy sự chuyển dịch dòng vốn của khối ngoại khi phân bổ vào các khoản đầu tư để tối ưu hóa lợi nhuận. Sự sôi động của các kênh khác như FDI hay phát hành cổ phần cho thấy, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhờ tiềm năng dài hạn và những cải cách chính sách hỗ trợ thị trường.

Tương lai dòng vốn ngoại khi có nhiều chính sách hỗ trợ

Đánh giá về triển vọng năm 2025, TS. Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán DNSE chỉ ra 3 yếu tố có thể hỗ trợ khối ngoại trở lại thị trường sau 2 năm liên tục ròng rã bán. Các yếu tố này bao gồm mức định giá hấp dẫn, dự báo tăng trưởng của doanh nghiệp và ngành, cùng tiến trình nâng hạng thị trường.

Theo chuyên gia từ Công ty Chứng khoán DNSE, P/E của Việt Nam đang ở mức 12 lần, tương đối hấp dẫn. Trong khi đó, thị trường Mỹ, dù nhà đầu tư nước ngoài hướng về thị trường phát triển, nhưng nhìn vào định giá S&P500 đang ở mức 23 lần, thì không còn quá hấp dẫn.

Thậm chí, theo ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank, việc chứng khoán Mỹ rơi vào đợt điều chỉnh sau khi đã tăng quá nóng là kịch bản cần tính đến, có thể chưa xảy ra trong nửa đầu năm 2025, nhưng đến nửa sau của năm. Trường hợp chứng khoán Mỹ điều chỉnh 7 - 10%, đây sẽ là cơ hội để các thị trường cận biên và mới nổi đón dòng vốn trở lại. Tuy nhiên, khi điều chỉnh sâu quá, từ 10 đến 20%, có thể bởi các lý do nội tại khác, thì phải cẩn trọng.

Thực tế, năm 2024, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ước tính phục hồi rất tốt với tăng trưởng 18%, qua đó đưa định giá thị trường về mức hấp dẫn hơn. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao được đặt ra cho năm 2025 với mức kế hoạch 6,5-7,0% và phấn  đấu 7,0-7,5% sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng từng doanh nghiệp, nhất là thông qua đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo quan điểm của  ông Petri Deryng, người đứng đầu Pyn Elite Fund, sự tập trung của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới sẽ là câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các doanh nghiệp niêm yết. Với xu hướng duy trì mức tăng trưởng và dự báo lợi nhuận cho năm 2025, ông Petri Deryng dự báo, hệ số P/E cho thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ giảm xuống còn 10,1 lần.

Cùng với yếu tố nội tại, câu chuyện của thị trường năm 2025 còn được hỗ trợ bởi sự chuyển động tích cực trong thay đổi chính sách để đón vốn ngoại, đáp ứng yêu cầu nâng hạng thị trường của FTSE và còn nhằm củng cố niềm tin thị trường.

Thông tư số 68/2024/TT-BTC gỡ vướng nút thắt liên quan đến việc nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền (Non Pre-funding solution - NPS) và chính thức đưa ra lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh được ban hành vào đầu tháng 11/2024.

Tiếp đó, Quốc hội bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật, bao gồm Luật Chứng khoán. Và chỉ chưa đầy 10 ngày sau, Dự thảo sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán với nhiều nội dung quan trọng được Bộ Tài chính công bố và đang lấy ý kiến.

Với việc xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại doanh nghiệp, Dự thảo dự kiến không cho phép doanh nghiệp tùy ý khóa room ngoại, mà chỉ cho phép mức room ngoại khác khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Thay đổi này nhằm đảm bảo quyền lợi của cổ đông nước ngoài và giảm rủi ro khi không lường được các thay đổi từ doanh nghiệp.

Từ phía cơ quan quản lý, ông Tô Trần Hòa, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cũng nhấn mạnh một vấn đề hiện nay là chưa làm rõ danh mục ngành nghề tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài. Đây là câu chuyện cần nhiều bộ, ngành cùng quyết tâm phối hợp và làm rõ để cải thiện đáng kể trải nghiệm của nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam.

Tháng 9/2025 đang được giới chuyên gia kỳ vọng là cột mốc FTSE nâng hạng thị trường Việt Nam. Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS Research cho rằng, đây sẽ là điểm nhấn đầu tư trong nửa cuối năm 2025.

VNM - cổ phiếu đang chịu ảnh hưởng chưa mấy tích cực bởi động thái của khối ngoại được điểm mặt trong các cổ phiếu có thể thu hút dòng tiền trong câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi. Theo SSI Research, cổ phiếu doanh nghiệp có quy mô vốn hóa hàng tỷ USD và sớm chú trọng chất lượng quản trị, sớm đáp ứng công bố thông tin bằng tiếng Anh như Vinamilk, Vinhomes, Vingroup, Hoà Phát... sẽ hưởng lợi từ dòng vốn ngoại khi cú hích này xuất hiện.

Cảnh báo mạo danh Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam để lừa đảo
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng và tìm hiểu kỹ trước các lời mời tham gia đầu tư chứng khoán, tránh bị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư