Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chuỗi dự án FDI sản xuất chỉ, khóa kéo ‘xuất chiêu’
Thế Hoàng - 12/10/2019 18:32
 
Chuỗi dự án phụ liệu 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngành dệt may được đưa vào hoạt động, đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu về phụ liệu may mặc.
Khối ngoại tăng đầu tư Dự án nguyên phụ liệu ngành may. Trong ảnh: Công ty Velcro khánh thành nhà máy sản xuất khóa kéo.
Khối ngoại tăng đầu tư dự án nguyên phụ liệu ngành may. Trong ảnh: Công ty Velcro khánh thành nhà máy sản xuất khóa kéo.

Khối ngoại xuất chiêu

Nhà máy sản xuất chỉ may tại Lô 32 - 33, Khu công Nghiệp Nhơn Trạch 6 (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), 100% vốn FDI của Mỹ đã chính thức đi vào vận hành sau hơn 1 năm đầu tư xây dựng.

Đây là dự án do Công ty TNHH Chỉ may American & Efird (A&E) Việt Nam, thuộc Tập đoàn A&E (Mỹ) đầu tư từ giữa năm 2018.

American & Efird (A&E) là doanh nghiệp sản xuất và phân phối chỉ may công nghiệp, chỉ thêu và vải dệt kỹ thuật hàng đầu thế giới đã đến Việt Nam để đầu tư nhà máy từ năm 2017. Nhà máy tại Đồng Nai đưa vào hoạt động sẽ chuyên sản xuất chỉ may, chỉ thêu, chỉ công nghiệp phục vụ nội địa và xuất khẩu.

“Nhà máy có công suất bước đầu khoảng 3.250 tấn/năm. Sản phẩm được tiêu thụ tại Việt Nam, Lào và Campuchia”, đại diện Công ty A&E cho biết.

Hiện tại, hệ thống cung ứng toàn cầu của A&E có 31 trung tâm sản xuất và 76 điểm phân phối đặt tại 41 quốc gia.

Có mặt tại lễ khánh thành nhà máy, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, ngành dệt may cần các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp sở hữu công nghệ sản xuất tốt như A&E để đa dạng hóa sản phẩm phụ trợ, tăng cường kết nối trong chuỗi cung ứng. Nhờ đó, các doanh nghiệp may trong nước sẽ tăng được nguồn cung chỉ tại chỗ.

“Các dự án phụ liệu 100% vốn FDI giúp nâng cao khả năng cung ứng các sản phẩm phụ trợ của ngành dệt may, tăng kim ngạch xuất khẩu”, ông Giang nói.

Trước khi xuống vốn đầu tư nhà máy tại Đồng Nai, lãnh đạo Tập đoàn A&E đã đến tìm hiểu và đặt vấn đề đầu tư tại một số địa phương, trong đó có Tiền Giang. Tập đoàn này sẽ thuê 3,5 ha tại Khu công nghiệp Tân Hương (Châu Thành, Tiền Giang) để xây dựng nhà máy dệt nhuộm.

Trước đó, tập đoàn khóa tiện dụng toàn cầu Velcro được đánh giá là tập đoàn lớn chuyên về sản phẩm khóa tiện dụng, đặc biệt là ngành dệt khóa dán nhám cũng đã đến Việt Nam và nhanh chóng tỏa chân rết với nhà máy khóa kéo vừa được đưa vào hoạt động.

“Nhà máy tại Việt Nam là địa chỉ hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh đang tăng trưởng rất nhanh của tập đoàn với các khách hàng toàn cầu và trong toàn khu vực Đông Nam Á”, ông Bryan Whitfield, Giám đốc Chiến lược toàn cầu Công ty Velcro khẳng định.

Thị trường còn rộng

Ngành may mặc xuất khẩu đã có bước tiến dài trong gần 2 thập kỷ qua nhờ các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn xây dựng nhà máy, nâng quy mô xuất khẩu lên 40 tỷ USD vào cuối năm nay. Riêng lĩnh vực phụ trợ lại phát triển chậm hơn, đặc biệt với mảng cung ứng chỉ, khóa kéo tiện dụng, vẫn trông ngóng vào các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư.

Hiện, ngành dệt may mỗi năm phải nhập khẩu hàng trăm triệu USD nguyên phụ liệu gồm chỉ, cúc, khóa kéo… phục vụ sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, dẫu các dự án FDI vào mảng này đã gia tăng trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Tính đến thời điểm này, các dự án xơ sợi, vải, đại đa số các dự án phụ trợ như khóa kéo, mex, chỉ khâu… đều do các doanh nghiệp FDI thống lĩnh. Điểm chung của các nhà máy là được đầu tư hiện đại, bài bản, với hệ thống khách hàng sẵn có trên toàn cầu, thuận lợi để đóng góp kim ngạch xuất khẩu ngay sau khi đi vào hoạt động.

Bên cạnh những dự án vừa đưa vào hoạt động, còn một số dự án phụ trợ điển hình 100% vốn FDI sẽ hòa lưới sản xuất trong thời gian tới, tạo thêm động lực tự cung ứng nguyên phụ liệu trong ngành dệt may.

Đó là Dự án nhà máy sản xuất chỉ may thêu (giai đoạn I) phục vụ ngành dệt may và da giày của Tập đoàn Amann (Đức) đầu tư tại Khu công nghiệp Tam Thăng (Quảng Nam), theo kế hoạch sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2019, tăng nguồn cung chỉ cho ngành may mặc, giày dép.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Amann, việc sớm đưa giai đoạn I vào sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xuống vốn để làm tiếp giai đoạn II, nâng tổng công suất toàn nhà máy lên 2.300 tấn/năm.

Còn tại miền Bắc, Dự án khóa kéo của Công ty TNHH YKK (thuộc Tập đoàn YKK, Nhật Bản), đầu tư tại Khu công nghiệp Đồng Văn III (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), cũng sắp hoàn thành và đi vào hoạt động.

Dự án của YKK có quy mô tới 420 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư ban đầu là 80 triệu USD, đã điều chỉnh tăng vốn thành 85 triệu USD vào tháng 6/2019.

Bên cạnh đầu tư của doanh nghiệp FDI, một số ít dự án của doanh nghiệp trong nước đã tham gia vào làm chỉ khâu, khóa kéo, nhưng sản lượng còn thấp. Điển hình là Phong Phú bắt tay với Tập đoàn Coats chuyên sản xuất chỉ may, năng lực sản xuất đạt 6.000 tấn/năm.

Một tên tuổi khác là Công ty TNHH khóa kéo Hoàn Mỹ, 100% vốn trong nước. Sau 30 năm hình thành và phát triển, thương hiệu dây kéo Hoàn Mỹ - HKK được khách hàng Việt Nam ưa chuộng, sử dụng rộng rãi.

Nhu cầu nguyên phụ liệu cho dệt may là rất lớn, đây là thị trường rộng mở cho các doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội đầu tư.

Xuất khẩu dệt may sang Nga được cải thiện nhờ Việt Nam - EAEU FTA
Xuất khẩu hàng dệt may sang Liên bang Nga đạt 130 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ, tập trung vào các mặt hàng áo Jacket, quần áo trẻ em, quần tây, áo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư