Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Chướng ngại vật mang tên ‘đơn giá’
Hữu Tuấn - 01/10/2013 18:12
 
Khó khăn lớn nhất trong hợp tác sử dụng chung hạ tầng là chưa có quy định cụ thể về đơn giá thuê công trình công cộng và đơn giá thuê lại trạm BTS…

Dùng chung hạ tầng để tiết kiệm chi phí

Lâu nay, việc mạnh ai nấy đầu tư hạ tầng viễn thông đã diễn ra rất phổ biến. Hệ quả là, các doanh nghiệp viễn thông thi nhau xây dựng trạm BTS, cáp quang, nhưng không sử dụng hết công suất gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Thiếu cụ thể về đơn giá thuê lại trạm BTS đang làm khó doanh nghiệp trong hợp tác sử dụng chung hạ tầng viễn thông

Chỉ riêng ở Hà Nội, đã có hơn 5.000 trạm BTS đang hoạt động (gồm cả 2G, 3G) của các nhà mạng như Viettel, MobiFone, VinaPhone, Gmobile, Vietnammobile...

Nhưng tính đến nay, chỉ có hơn 1.000 trạm dùng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông, hoặc thuê của các công ty xây dựng hạ tầng dùng chung.

Ông Dư Văn Chỉnh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho rằng, càng nhiều doanh nghiệp viễn thông chấp nhận dùng chung cơ sở hạ tầng, thì mỹ quan đô thị càng được cải thiện, tiết kiệm được chi phí, tránh lãng phí trong đầu tư.

Theo tính toán của các nhà mạng, hiện suất đầu tư trạm BTS trung bình 300 - 500 triệu đồng/trạm (chưa tính chi phí thuê mặt bằng, điện, chi phí thuê hạ tầng công cộng).

Như vậy, nếu các nhà mạng hợp tác với nhau, thì thay vì 5 nhà mạng đầu tư 5 trạm BTS tiêu tốn hàng tỷ đồng, sẽ chỉ cần đầu tư một trạm ban đầu và các nhà mạng tự lắp đặt ăng-ten, phòng máy là có thể hoạt động. Sự hợp tác này sẽ giúp tiết kiệm chi phí hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp.

Chưa có quy định cụ thể về đơn giá

Thỏa thuận đã ký, nhưng có nhiều vướng mắc đang cản bước doanh nghiệp. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là chưa có quy định cụ thể về đơn giá thuê cống, bể cáp ngầm.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, giá thuê công trình công cộng là bức xúc của nhiều doanh nghiệp. Thực tế, việc thuê công trình viễn thông dựa trên nguyên tắc đàm phán do mỗi khu vực sẽ có kinh phí xây dựng khác nhau. Nếu dựa trên đàm phán, sẽ khá khó khăn, nên Sở Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Sở Tài chính thương thảo, đàm phán để tìm ra phương án hiệu quả nhất trong sử dụng công trình viễn thông công cộng…

“Quan điểm của Bộ là cho thuê dựa trên giá thành xây dựng là chủ yếu, để các doanh nghiệp cùng chia sẻ hạ tầng tốt nhất”, ông Nhã cho biết.

Một vấn đề khác cũng là đơn giá mà nhiều khả năng sẽ gây hạn chế, tranh chấp nếu dùng chung hạ tầng là đơn giá thuê lại trạm BTS. Năm 2012, Vietnammobile đã tố Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) tăng giá thuê trạm BTS lên 2 - 10 lần. Sở dĩ VNPT tự do tăng giá thuê là bởi các quy định hiện hành chưa quy định cụ thể về mức giá thuê, mà chủ yếu là để các nhà mạng tự thỏa thuận.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có quy định cụ thể hạn chế xây dựng trạm BTS trong địa bàn thành phố? Lúc đó, các nhà mạng nhỏ buộc phải thuê trạm của các ông lớn với mức giá mà các đại gia tự định ra.

Điều này sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và bóp chết các nhà mạng nhỏ. Xem ra, câu chuyện sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông sẽ không thành hiện thực, hoặc nói cách khác, sẽ không thành công nếu các vấn đề liên quan như quy định về đơn giá không được cụ thể hóa.

Thu hồi giấy phép lập mạng viễn thông của VTC
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Quyết định thu hồi giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông của Tổng Công ty Truyền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư