Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 07 tháng 10 năm 2024,
Chương trình xây dựng nông thôn mới: Nhiều thiếu sót trong phân bổ vốn, thẩm định dự án
Hồng Nhung - 08/09/2023 17:13
 
Kết quả kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cho thấy, tại 13 địa phương xảy ra tình trạng phân bổ vốn không đúng tiêu chí, thẩm định, phê duyệt dự toán còn sai sót về khối lượng…

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tại 13 địa phương trên cả nước, gồm: Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Phước, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Nhiều chỉ tiêu chưa hoàn thành

Cụ thể, theo kết quả kiểm toán, một số tỉnh chưa thành lập Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia hoặc chưa hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp theo quy định; tổ chức mô hình và cơ chế làm việc của Văn phòng điều phối các cấp tại địa phương chưa thống nhất; chưa ban hành một số văn bản hướng dẫn tổ chức, thực hiện Chương trình theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

Đối với nguồn ngân sách nhà nước, các địa phương chưa xác định được chính xác số liệu huy động vốn thực hiện Chương trình năm 2021, 2022 đối với nguồn vốn giao hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, xã. Nguyên nhân một phần do không dự kiến mức vốn bố trí, cơ cấu nguồn vốn theo từng hoạt động, danh mục dự án đầu tư; không có quy định cụ thể về cơ chế lồng ghép, quy trình, thủ tục thanh toán, quyết toán vốn ghép; chưa xác định giải pháp huy động nguồn vốn thực hiện Chương trình.

Đối với nguồn vốn tín dụng, không xác định được chính xác các khoản tín dụng vay để đầu tư thực hiện cho các nội dung thành phần của Chương trình do nguồn vốn tín dụng được Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố tổng hợp trên tất cả các khoản vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại trên địa bàn nông thôn, không nêu cụ thể các chương trình vay, các khoản vay liên quan đến các nội dung của Chương trình.

Cùng với đó, một số địa phương chưa ban hành cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu và các chương trình, dự án khác trên địa bàn theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; chưa lập danh mục chi tiết các dự án thuộc Chương trình, danh mục các dự án lồng ghép mục tiêu, đối tượng của Chương trình.

Theo đó, kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chưa đạt, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022. Cụ thể, có 6/13 địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu số huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 01/01 địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5/13 địa phương chưa hoàn thành tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới; 7/13 địa phương chưa hoàn thành tỷ lệ xã nông thôn mới nâng cao; 3/6 địa phương chưa hoàn thành tỷ lệ xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Phân bổ vốn không đồng đều, số liệu chênh lệch lớn

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, trong thực hiện kế hoạch đầu tư công, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương chung cả cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, không giao cụ thể kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chi tiết cho dự án (TP. Hà Nội); danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (TP.HCM); chưa trình HĐND trước khi UBND ban hành Quyết định về kế hoạch đầu tư công (tỉnh Phú Thọ); không ban hành Quyết định phân bổ kế hoạch trung hạn sau khi HĐND ban hành Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn (tỉnh Tây Ninh).

Tại một số địa phương có tình trạng phân bổ vốn ngân sách thực hiện xây dựng nông thôn mới chưa đúng theo tiêu chí, định mức, nội dung. 

Về giao dự toán, phân bổ vốn thực hiện Chương trình, công tác tổng hợp số liệu nguồn vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho Chương trình trong năm 2021, 2022 của các địa phương báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp chung toàn quốc (không bao gồm vốn lồng ghép) và Kho bạc Nhà nước Trung ương theo dõi, tổng hợp còn có sự chênh lệch lớn. 

Bên cạnh đó, một số địa phương không phân bổ cụ thể, chi tiết nguồn vốn cho Chương trình nông thôn mới; chưa phân bổ vốn sự nghiệp; chưa phân bổ dự toán cho Chương trình theo hướng dẫn tại Thông tư số 71/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, một số địa phương phân bổ vốn ngân sách chưa đúng theo tiêu chí, định mức, nội dung, đối tượng quy định tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022, Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản quy định liên quan đến Chương trình giai đoạn 2021-2025 như: trả nợ cho các công trình giai đoạn 2016 - 2020, chi xây dựng trụ sở xã, chi thưởng cho các công trình phúc lợi...; chậm điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách nhà nước hàng năm; chậm phân bổ vốn sự nghiệp.

Khẩn trương xử lý, hoàn thiện nguồn vốn

Kết quả kiểm toán các dự án đầu tư tại 13 địa phương cho thấy, còn một số tồn tại trong việc xác định tổng mức đầu tư dự án. Công tác khảo sát, thiết kế tại một số dự án thuộc Chương trình chưa tuân thủ đầy đủ quy định về thiết kế. Do đó, cần khẩn trương thành lập công tác thẩm định, phê duyệt dự toán còn sai sót về khối lượng, chưa phù hợp với các quy định làm tăng giá trị dự toán đã được phê duyệt.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị rà soát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình để kịp thời tham mưu cho các cơ quan chức năng sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung nhằm đảm bảo thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương (vùng, miền), phát huy hiệu quả của Chính sách, đảm bảo thuận lợi cho các địa phương thực hiện Chương trình.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thành Hệ thống giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP để đảm bảo cho việc cập nhật, lưu trữ thông tin giám sát, đánh giá các Chương trình mục tiêu quốc gia trên phạm vi toàn quốc. Chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những hạn chế trong việc chậm ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình.

Đối với Bộ Tài chính, cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan rà soát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình thuộc trách nhiệm ban hành của Bộ để kịp thời xem xét sửa đổi.

 

Qua kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 13 địa phương, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 145,728 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách các khoản chi sai quy định 46,3 triệu đồng; thu hồi kinh phí thừa 36,724 tỷ đồng; giảm thanh toán 6,597 tỷ đồng; bố trí vốn ngân sách địa phương hoàn trả cho chương trình 102,36 tỷ đồng.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý khác 307,259 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là điều chỉnh không tổng hợp vào quyết toán kinh phí của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 298,932 tỷ đồng.

 

Đầu tư 851.380 tỷ đồng cho chương trình Nông thôn mới trong 5 năm qua
Theo Báo cáo kết quả thực hiện Giám sát Chương trình Nông thôn mới (NTM) vừa được Ủy ban Quốc hội thảo luận ngày 25/5/2016 thì ngân sách nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư