Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Chuyển đổi số phải có doanh nghiệp dẫn dắt
Lê Quân - 13/11/2020 14:25
 
Vấn đề lớn của chuyển đổi số ở doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là phải có những doanh nghiệp dám làm, dám đi trước để dẫn dắt nhóm đi sau.
.
Chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là động lực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Nghĩ và làm vẫn cách xa nhau

Số hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh, hay tóm gọn trong 3 chữ “chuyển đổi số”, trở thành chuyện thời thượng của doanh nghiệp trong kỷ nguyên Covid-19, thời kỳ được xem là “cú huých trăm năm” để đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Thế nhưng, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu thực chất chuyển đổi số là gì, phải làm thế nào, bao giờ bắt đầu, nên làm với ai…

Thực tế trên không mới lạ, nhưng khi ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nêu ra tại Hội nghị về “Kinh tế số, chuyển đổi số tại Việt Nam và Hiệp định EVFTA” được tổ chức mới đây, lại nhận được rất nhiều đồng tình.

Theo ông Trương Gia Bình, chủ doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư mua nhà, xe dù phải chi lớn, nhưng lại đắn đo mua các giải pháp công nghệ thông tin vốn đã rất rẻ ở thị trường Việt Nam. “Nếu không có Covid-19 thì doanh nghiệp trong nước tiến rất chậm, nhưng trước vấn đề sống còn như Covid-19, họ buộc phải tiến lên”, ông Bình nói.

Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), nền tảng năng lực công nghệ quốc gia hiện còn thấp và Việt Nam vẫn là nước đi sau về công nghệ. Về công nghệ, có thể chia doanh nghiệp trong nước thành 4 nhóm chính: doanh nghiệp dẫn đầu; doanh nghiệp phát triển ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin; doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và start-up; doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, cơ hội thuộc về 3 nhóm đầu nhiều hơn.

Ông Hoàng cho rằng, ở nhóm doanh nghiệp dẫn đầu có quy mô và tiềm lực tài chính lớn, đã xuất hiện những tên tuổi như VinFast, Vinamilk… đầu tư cho số hóa với những nhà máy công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, dù áp đảo đến 95-96% số lượng doanh nghiệp cả nước, lại tỏ ra đuối sức trước chuyển đổi số.

Dẫn kết quả khảo sát doanh nghiệp trong khuôn khổ Dự án Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng đến năm 2030 và 2045 mà Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai với đối tác Australia, ông Hoàng cho biết, hầu hết doanh nghiệp được khảo sát nhận thức được rằng, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là động lực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả hoạt động.

“Nhưng họ gặp khó khi áp dụng ngay công nghệ mới để chuyển đổi số, do trình độ công nghệ còn hạn chế và mức độ tự động hóa chưa cao. Nếu muốn áp dụng ngay, thì cần đến khoản đầu tư rất lớn về vốn và nhân lực, trong khi họ chưa chắc chắn về khả năng thu lợi”, ông Hoàng nói.

Cần doanh nghiệp tiên phong

Đề cập Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết, Đề án đặt ra một số vấn đề trọng tâm gồm chuyển đổi số trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.

Ông Alexandre Sompheng, đại diện Ủy ban Kinh tế số của Eurocham cho rằng, không cứ là áp dụng các công nghệ hàng đầu sẽ mang lại thành công trong chuyển đổi số. Việt Nam có thể tiếp cận từ những việc rất cụ thể như áp dụng chữ ký điện tử xuyên biên giới, thay đổi các biểu mẫu, chứng nhận cho phù hợp với tiêu chuẩn châu Âu... Cùng với đó là xây dựng khung khổ pháp lý cho kinh tế số và chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ cao.

Về trọng tâm thứ nhất, hiện mỗi bộ, ngành có đội ngũ tư vấn riêng; mỗi tỉnh, thành phố lại có website riêng công bố thông tin hỗ trợ doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn tìm hiểu thông tin liên quan thì phải vào website của các địa phương và tiếp cận nhiều bộ, ngành. “Tại sao không xây dựng một ứng dụng trên điện thoại di động để chủ doanh nghiệp chỉ cần truy cập ứng dụng đó là cùng lúc tìm hiểu nhiều thông tin về pháp lý, thuế, thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu”, ông Đường nêu.

Về trọng tâm thứ hai, hiện mỗi doanh nghiệp mua và sử dụng một phần mềm kế toán riêng, nên mỗi lần Bộ Tài chính thay đổi chính sách tài chính - kế toán, để triển khai áp dụng tới 700.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì khối lượng công việc rất lớn. Giải pháp được đưa ra là khuyến khích doanh nghiệp phát triển nền tảng số, điển hình như việc Misa đưa phần mềm kế toán lên Cloud để cung cấp cho doanh nghiệp và có thể triển khai đồng bộ cho hàng ngàn doanh nghiệp trong vài giờ.

Trong khi đó, ông Trương Gia Bình cho rằng, vấn đề lớn của chuyển đổi số ở doanh nghiệp hiện nay là phải có những doanh nghiệp tiên phong tiến hành chuyển đổi số cho chính mình để các doanh nghiệp đi sau học tập. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ có lợi thế là ứng dụng công nghệ thông tin chưa nhiều, nên có thể bỏ qua cái cũ để tiến thẳng đến những công nghệ mới.

“Chúng tôi đang xây dựng các giải pháp số giúp doanh nghiệp có thể áp dụng ngay trong vòng 1-2 tháng để tăng 50% hiệu suất lao động, nhưng cắt giảm đến 90% thời gian”, ông Bình cho biết thêm.

Covid-19 và EVFTA được nhận diện là hai cú huých mới thúc doanh nghiệp trong nước nhanh chân chuyển đổi số. Hiệp định EVFTA có một chương nói về thương mại điện tử, nên cơ hội để Việt Nam và EU hợp tác trong phát triển kinh tế số, nền tảng số là rất lớn.

Chuyển đổi số để phát triển du lịch Việt Nam
Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam- VITM Hà Nội 2020 với chủ đề “Chuyển đổi số để phát triển Du lịch Việt Nam”, dự kiến mở cửa tự do...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư