Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo biến chứng nguy hiểm của sỏi mật
D.Ngân - 21/07/2021 13:09
 
Sỏi mật có thể gây ra biến chứng nguy hiểm khiến người bệnh tử vong (đặc biệt ở người cao tuổi và người có bệnh lý nền).

Gần đây, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các ca sỏi mật biến chứng do không điều trị đúng cách.

Gần đây, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các ca sỏi mật biến chứng do không điều trị đúng cách.

Bệnh sỏi mật thường không có triệu chứng và bệnh chỉ được phát hiện khi khám sức khoẻ định kỳ hay khi đi khám bệnh khác.

Điều đáng nói là các bệnh nhân thường không tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và khi đến viện thường quá muộn, gây nhiều khó khăn và lãng phí cho quá trình điều trị, để lại hậu quả nặng nề cho sức khỏe người bệnh.

Ths.BSNT. Lê Văn Duy, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sỏi mật gồm có sỏi đường mật và sỏi túi mật. Các yếu tố nguy cơ dễ gây hình thành sỏi mật gồm nhiễm trùng đường mật, giun chui ống mật, người bị béo phì, phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai, người lớn tuổi, người bị bệnh đái tháo đường hoặc bệnh nhân bị bệnh tan máu.

Điều đáng lo lắng là bệnh nhân bị sỏi mật ban đầu thường không có triệu chứng. Bệnh thường được phát hiện tình cờ khi đi khám sức khoẻ. Có một số bệnh nhân có triệu chứng đau tức ở vùng hạ sườn phải. Ngoài ra bệnh nhân có thể có cảm giác đầy bụng, ăn không tiêu.

Khi bệnh nhân có biến chứng như áp xe đường mật, nhiễm trùng đường mật, viêm tuỵ cấp, viêm túi mật cấp thì bệnh nhân có sốt, vàng da kèm theo và đau bụng tăng. Một số biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong (đặc biệt ở người cao tuổi và người có bệnh lý nền) như sốc nhiễm trùng, viêm túi mật hoại tử, viêm phúc mạc mật...

Sỏi mật khi có biến chứng sẽ điều trị phức tạp hơn, nhiều nguy cơ tai biến hơn, thời gian nằm viện lâu hơn, chi phí điều trị sẽ lớn hơn nhiều so với bệnh nhân không có biến chứng. 

Những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh lý kèm theo, bị sỏi mật biến chứng sẽ làm tăng nguy cơ tử vong, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến khả năng lao động của người bệnh do suy giảm sức khỏe, thời gian hồi phục kéo dài.

Với kinh nghiệm trực tiếp điều trị lâm sàng của mình, bác sĩ Duy cho biết, bệnh nhân có sỏi túi mật rơi xuống ống mật chủ thường gây tắc mật.

Lẽ ra, nếu điều trị sớm theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh chỉ phải mổ nội soi cắt túi mật, thời gian nằm viện sau mổ khoảng 1-2 ngày. 

Nhưng nếu không tuân theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân đối diện với nguy cơ phải qua 2 - 3 lần can thiệp. Đó là, nội soi mật tuỵ ngược dòng (ERCP) để lấy sỏi, đặt stent ống mật chủ, sau đó mới cắt túi mật qua nội soi, nếu ổn định sau vài tuần sẽ nội soi rút stent ống mật chủ.

Điều này không chỉ làm thời gian nằm viện tăng lên (kéo dài 7-10 ngày), chi phí điều trị tăng gấp nhiều lần mà bệnh nhân còn có nguy cơ lấy sỏi ngược dòng thất bại, viêm tuỵ cấp, chảy máu, nhiễm trùng đường mật.

Hay trường hợp bệnh nhân bị áp xe túi mật do sỏi túi mật, rò túi mật - tá tràng, sỏi gan trái. Thay vì phẫu thuật cắt túi mật, lấy sỏi đường mật thời gian nằm viện khoảng 5-7 ngày, chi phí thấp, thì bệnh nhân sẽ phải trải qua phẫu thuật cắt túi mật, cắt thùy gan trái, đóng lỗ rò tá tràng, mở ống mật chủ dẫn lưu Kehr với nguy cơ biến chứng, thời gian nằm viện lâu hơn và chắc chắn chi phí điều trị sẽ lớn hơn rất nhiều.

Sỏi mật, nhất là sỏi túi mật là bệnh lý điều trị khá đơn giản khi chưa có biến chứng. Hiện nay sỏi đường mật trong và ngoài gan có rất nhiều phương pháp điều trị như nội soi ngược dòng lấy sỏi ống mật chủ, tán sỏi qua da, phẫu thuật nội soi lấy sỏi ống mật chủ, cắt túi mật. Các thuốc làm tan sỏi ít có tác dụng với sỏi mật.

Chuyên gia cũng cho biết thêm, phẫu thuật cắt túi mật nội soi vẫn là phương pháp tối ưu nhất được thừa nhận trong điều trị sỏi túi mật. 

Khi sỏi túi mật có triệu chứng hay sỏi túi mật nhỏ dưới 5mm là đã có chỉ định phẫu thuật vì sỏi túi mật càng nhỏ càng dễ di chuyển, gây biến chứng như kẹt cổ túi mật, rơi xuống ống mật chủ gây tắc mật, viêm tuỵ cấp,… 

Vì vậy, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ. Khi bệnh nhân thấy đau bụng thượng vị, đau hạ sườn phải cần đi khám ngay. 

Không nên để có vàng da, sốt mới đi khám. Khi phát hiện ra bệnh nên tham vấn ý kiến các bác sĩ chuyên khoa ở những cơ sở y tế có uy tín, tuân thủ chỉ định chuyên môn, không nên tự ý điều trị, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Làn sóng bác sĩ bệnh viện công “dứt áo ra đi” nhìn từ Bệnh viện Bạch Mai
Theo lý giải của lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai việc 221 người lao động của Bệnh viện xin nghỉ việc, chuyển việc trong một thời gian ngắn là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư