Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Bệnh nhân hưởng lợi từ sự "thay máu" tại Bệnh viện Bạch Mai?
D.Ngân - 22/04/2021 13:50
 
Những thay đổi thời gian qua tại Bệnh viện Bạch Mai phần nào đó đã có tác động tích cực tới công tác khám, chữa bệnh.

Xu thế tất yếu?

Không chỉ có việc 221 cán bộ nhân viên nghỉ việc, chuyển việc, theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, năm 2020 là mốc thời gian đặc biệt khó khăn trong lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển của bệnh viện.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai đang chăm sóc cho bệnh nhân.

Theo đó, năm 2020 dịch Covid-19 hoành hành, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú sụt giảm nhiều. Nếu trước Covid, Bệnh viện có 5.000 - 5.500 bệnh nhân nội trú và 6.000 đến 7.000 bệnh nhân ngoại trú/ngày, thì khi dịch xảy ra, có thời điểm số lượng bệnh nhân nội trú và khám ngoại trú chỉ trên dưới 1.000 bệnh nhân. 

Để đảm bảo giãn cách trong công tác phòng chống dịch, giải quyết tình trạng quá tải, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, lãnh đạo Bệnh viện đã thực hiện giảm số lượng giường bệnh tự nguyện tại các đơn vị (giảm từ 30 - 70% xuống còn 5 - 10% tùy đơn vị). 

Bên cạnh đó, do có những sai sót trong triển khai các đề án xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong giai đoạn trước, Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành tổng rà soát toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị liên doanh, liên kết.

Kết quả dịch vụ của nhiều máy xã hội hóa được đưa về giá bảo hiểm y tế (thu 4/7 yếu tố cấu thành giá, không tính giá khấu hao tài sản cố định, phí quản lý, phí đào tạo, nghiên cứu khoa học...). Ví dụ, giá siêu âm đang thu 110.000 đồng, Bệnh viện giảm xuống còn 43.900 đồng; giá dịch vụ Gamma Knife giảm từ 40.000.000 đồng xuống 28.790.000 đồng; CT 256 giảm từ 4.723.000 đồng xuống 2.985.000 đồng. 

Giá dịch vụ giảm, trong khi Bệnh viện phải chi nhiều hơn cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19, triển khai chăm sóc toàn diện khiến tổng doanh thu của Bệnh viện trong năm 2020 giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2019 (tức giảm khoảng 30%).

Thực tế này dẫn đến thu nhập của cán bộ, viên chức giảm nhiều, tính chung giảm 30%, có bộ phận giảm đến 50%. 

Năm 2020 cũng là năm Bệnh viện Bạch Mai đi tiên phong triển khai thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 19/5/2012 của Chính phủ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà bệnh viện đối mặt liên quan đến cơ chế tài chính.

Theo quy định, Bệnh viện được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá. Song hiện nay do một số yếu tố khách quan, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu để Bệnh viện tham khảo, trong khi chỉ còn 10 tháng nữa là kết thúc giai đoạn thí điểm. 

Ngoài những khó khăn kể trên, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho hay, hiện còn rất nhiều trở ngại trong việc thay đổi từng nếp nghĩ, cách làm đã tồn tại nhiều năm qua tại Bệnh viện về ứng xử, cư xử của bác sĩ với bệnh nhân hay công khai, minh bạch các khoản thu nhập.

Lý giải thêm về việc 221 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện chuyển việc, theo bác sĩ Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Bạch Mai, một trong những nguyên nhân là do nhiều người được đơn vị ngoài mời chào với mức thu nhập cao. Theo đó, có những cán bộ đang có mức thu nhập khoảng  20 triệu đồng/tháng, song có đơn vị sẵn sàng trả lương 100 triệu đồng/tháng.

Bác sĩ Thành cho hay, sự dịch chuyển lao động từ môi trường này sang môi trường lao động khác phù hợp hơn là một xu thế hoàn toàn bình thường, hiện tượng này không chỉ xảy ra trong thời gian gần đây tại Bệnh viện Bạch Mai, mà theo thống kê, năm 2018 có 41 cán bộ thôi việc, chuyển công tác, năm 2019 có 43 cán bộ thôi việc, chuyển công tác.

“Việc dịch chuyển cán bộ y tế là tất yếu, hoạt động luân chuyển nhân sự không nên được xem là bất thường, là chảy máu chất xám”, bác sĩ Thành nêu.

Người bệnh hưởng lợi?

Đứng trước những khó khăn nêu trên, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị trong toàn Bệnh viện; thành lập các trung tâm y tế chuyên sâu phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh như Trung tâm Cấp cứu A9; Đột quỵ; Tiêu hoá - Gan mật; Thận - Tiết niệu và Lọc máu; Thành lập các đơn vị khoa phòng mới như Khoa: Phẫu thuật Tiêu hoá - Gan mật tuỵ; Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ; Khám chữa bệnh Quốc tế; Phòng Đấu thầu, Viện Khoa học sức khoẻ.

Bệnh viện cũng tập trung rà soát vị trí việc làm, tinh giản những lao động dôi dư không cần thiết (62 nhân viên hợp đồng lao động làm công việc giản đơn tại Đơn vị dịch vụ và 51 nhân viên hợp đồng lao động tại Hệ thống nhà thuốc), bố trí lại lao động phù hợp với trình độ, vị trí việc làm để giảm chi ngân sách, tổ chức lại một số đơn vị trực thuộc Bệnh viện; giải thể các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ không còn phù hợp trong tình hình phát triển chung của Bệnh viện như: Đơn vị dịch vụ, dịch vụ tang lễ; thực hiện sáp nhập các đơn vị lại để đảm bảo cơ cấu tổ chức tinh gọn và hiệu quả. Đặc biệt, theo PGS.Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đã triển khai thí điểm chăm sóc toàn diện tại các khoa, phòng trong khi người bệnh không phải chi trả thêm bất kỳ chi phí nào.

Điều này không chỉ hỗ trợ gia đình những người bệnh đặc biệt tới từ ngoại tỉnh, mà còn giúp giảm nguy cơ lây nhiễm dịch từ cộng đồng vào Bệnh viện qua những người chăm sóc. Giải pháp này nhận được sự ủng hộ của người dân, của người bệnh và người nhà người bệnh tại Bệnh viện.

Bệnh viện cũng đảm bảo không có tình trạng người bệnh nội trú phải nằm ghép giường, giảm số bệnh nhân nội trú từ 5.000 - 5.500 xuống còn 3.000 - 3.200; 

Với bất cập mà nhiều người bệnh phản ánh liên quan tới bãi đỗ xe, theo Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đã tiến hành  phân luồng kiểm soát giao thông, đồng thời quản lý phương tiện ô tô, xe máy ra vào bằng hệ thống thẻ tự động nhằm giảm thời gian lấy, gửi xe, đồng thời tránh thất thoát, tăng nguồn thu cho Bệnh viện; 

Với lo ngại liên quan tới giá các dịch vụ xã hội hóa, theo PGS. Đào Xuân Cơ, Bệnh viện đã rà soát, xây dựng danh mục thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị phù hợp về mặt chất lượng và giá cả.

"Giá dịch vụ các thiết bị xã hội hóa đã hết khấu hao được đưa về giá chi trả của BHYT để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Bệnh viện cũng xây dựng hệ thống giám sát các hoạt động của hệ thống nhà thuốc, các máy xã hội hóa đang triển khai tại Bệnh viện tránh sai phạm và thất thoát", Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm.

Năm 2020, Bệnh viện đã thực hiện các đợt khảo sát xã hội học về sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh đối với dịch vụ y tế và điều hành hoạt động của Bệnh viện.

Kết quả: Tỷ lệ hài lòng chung người bệnh nội trú Bệnh viện Bạch Mai, tại thời điểm khảo sát tháng 6/2020 đạt 96,35%, tăng 5,97% so với kết quả năm 2019, đặc biệt tỷ lệ người bệnh rất hài lòng tăng 28%; Tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh ngoại trú Khoa Khám, chữa bệnh theo yêu cầu, tại thời điểm khảo sát tháng 5/2020 đạt 72,7% và tháng 9/2020 đạt 87,2%...
Gian nan tự chủ tài chính bệnh viện
Số lượng bệnh nhân giảm trầm trọng, thu nhập của cán bộ, nhân viên bị ảnh hưởng là thực tế tại nhiều cơ sở y tế thực hiện tự chủ tài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư