Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Gian nan tự chủ tài chính bệnh viện
Dương Ngân - 14/04/2021 13:18
 
Số lượng bệnh nhân giảm trầm trọng, thu nhập của cán bộ, nhân viên bị ảnh hưởng là thực tế tại nhiều cơ sở y tế thực hiện tự chủ tài chính trong hơn một năm qua.
Bên cạnh mặt tích cực, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các bệnh viện đang tồn tại một số khó khăn đòi hỏi  có giải pháp khắc phục
Bên cạnh mặt tích cực, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các bệnh viện đang tồn tại một số khó khăn đòi hỏi có giải pháp khắc phục

Lý do khách quan hay nội tại?

Đại dịch Covid-19 không chỉ khiến các cơ sở kinh doanh dịch vụ sụt giảm doanh thu trầm trọng, mà ngay cả các cơ sở y tế tự chủ tài chính cũng đang trong tình trạng khó khăn. Tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương…, lượng bệnh nhân giảm 50-70% so với trước khi dịch bùng phát, doanh thu giảm trầm trọng.

Thống kê của ngành y tế cho thấy, đã có 253 đơn vị tự chủ toàn bộ chi thường xuyên, trong đó 37 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; nhiều đơn vị đã tự chủ được 80-90% chi thường xuyên; 4 bệnh viện được Chính phủ cho phép thí điểm tự chủ toàn bộ cả chi thường xuyên và chi đầu tư là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Ông Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cho hay, do đặc trưng là bệnh viện chuyên khoa liên quan tới hô hấp, nên trong bối cảnh Covid-19 hoành hành, người dân rất ngại tới Bệnh viện thăm khám và điều trị. Dù Bệnh viện đã quyết liệt triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh, phân luồng khám chữa bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế, song lượng bệnh nhân tới khám vẫn giảm 2/3 so với trước khi có dịch.

“Khi bệnh nhân giảm, nguồn thu giảm, Bệnh viện lại tự chủ tài chính, nên thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế cũng giảm theo”, ông Cảnh cho biết.

Lâm vào tình trạng tương tự, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng rất vất vả để vừa đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, vừa chăm lo đời sống cho cán bộ, nhân viên. Ông Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, Bệnh viện đã vay ngân hàng một khoản kinh phí lớn để xây dựng khu khám chữa bệnh kỹ thuật cao. Năm 2020, cơ bản số nợ đã được thanh toán, nhưng Covid-19 lại ập tới khiến số lượng bệnh nhân giảm, Bệnh viện không có kinh phí để đầu tư xây dựng, mua sắm máy móc, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Chưa kể, theo ông Lương, giá viện phí mới chỉ được tính 4/7 yếu tố; 3 yếu tố khấu hao tài sản cơ sở hạ tầng, khấu hao trang thiết bị, chi phí đào tạo và nghiên cứu khoa học chưa được cấu thành vào giá viện phí. Vậy nên, việc thu chi của Bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài khó khăn khách quan trong bối cảnh dịch Covid-19, theo lãnh đạo một số bệnh viện, trong quá trình triển khai cơ chế tự chủ tài chính, các bệnh viện gặp phải những thách thức không nhỏ. Chẳng hạn, trong hoạt động liên doanh, liên kết, thuê tài sản, còn nhiều thủ tục rườm rà, cản trở và hạn chế tốc độ đầu tư phát triển so với khu vực ngoài công lập.

Việc phân cấp, ủy quyền còn dè dặt, chưa đủ mạnh, chưa trao quyền chủ động thực sự cho đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ, quyết định các hoạt động xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn vốn hợp pháp cho đầu tư phát triển bệnh viện; thủ tục hành chính qua nhiều cấp, rườm rà dẫn đến hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người bệnh và thanh toán chi phí với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Một khó khăn cố hữu mà các cơ sở y tế tự chủ đang gặp phải là vướng mắc về quy trình và thời gian phê duyệt các hoạt động mua sắm chậm trễ, kéo dài; giá viện phí chưa hợp lý; mâu thuẫn thanh toán bảo hiểm y tế giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và bệnh viện. Bên cạnh đó, do không được thực hiện tự chủ nhân sự, nên lãnh đạo của các bệnh viện tự chủ tài chính vẫn phải xin sở y tế phê duyệt đề án nhân sự.

Cốt lõi vẫn là chất lượng

Theo ông Phạm Tuấn Cảnh, khó khăn của các bệnh viện tự chủ tài chính trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành chỉ là tạm thời, song về lâu dài, để phát huy hiệu quả công tác này, cần phải rành mạch giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người dân, giá dịch vụ phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng.

Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn về thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp y tế công lập cần sớm được sửa đổi theo hướng phát huy quyền tự chủ toàn diện. Đồng thời, kiện toàn quy trình, thủ tục giám định, thanh quyết toán bảo hiểm y tế để giảm thời gian, công sức, đổi mới cơ chế sử dụng bảo hiểm y tế theo hướng chi thêm cho quản lý sức khỏe, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật để giảm chi phí khám chữa bệnh.

Cũng theo ông Cảnh, để đảm bảo cho các bệnh viện thực hiện tự chủ hiệu quả, cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt đối với các bệnh viện tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư. Cần trao quyền cho bệnh viện về công tác nhân sự, tăng mức phân cấp đối với các dự án đầu tư, mua sắm để đáp ứng nhu cầu, đảm bảo thời gian, cũng như quyết định đầu tư có hiệu quả hơn. Đồng thời, phải xây dựng các quy trình, quy chế để kiểm soát, giám sát việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, việc các bệnh viện hướng đến tăng thu từ tiền túi của bệnh nhân là chưa hợp lý, không phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Các bệnh viện trên thế giới hiện “sống” nhờ vào các nguồn thu khác như nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực; tiền tài trợ, đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; nguồn thu từ bệnh nhân chỉ là một phần.

Nhiều lãnh đạo các cơ sở y tế công lập cũng cho rằng, khi thực hiện tự chủ tài chính, bản thân các bệnh viện cần đa dạng hình thái, loại hình dịch vụ để thu hút người bệnh, trong đó tập trung xây dựng những khu khám theo yêu cầu, dịch vụ cao, những khoa phòng chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của những người bệnh có điều kiện. Và để làm được điều này, theo ông Trần Ngọc Lương, các bệnh viện cần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng.

Buông lỏng quản lý tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1
Để diễn ra “động lắc” ngay trong khuôn viên Bệnh viện, không thể biện minh rằng bản thân không biết để chối bỏ trách nhiệm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư