Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chuyển giao doanh nghiệp nhà nước về SCIC không thể là một thương vụ
Khánh An - 24/02/2017 07:46
 
Những chậm trễ trong việc chuyển giao doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) coi là cố tình. “Cần phải có chế tài với người đứng đầu để đảm bảo các nhiệm vụ được thực hiện nghiêm túc”, ông Cung khuyến nghị.

Thưa ông, nếu coi chuyển giao DNNN về SCIC là một thương vụ, với các bên đối tác là Nhà nước, cơ quan chủ quản, doanh nghiệp và SCIC...

Không thể coi đây là thương vụ được, mà là nhiệm vụ phải làm, bắt buộc phải thực thi, chứ không phải việc đưa ra đàm phán hay tính toán lợi ích của các bên. Chúng ta cần phải xác định rõ, việc chuyển giao DNNN về SCIC phải được nhìn nhận trên một lợi ích duy nhất, đó là lợi ích chung của nền kinh tế.  

Đây là một bước tách chức năng quyền chủ sở hữu DNNN ra khỏi chức năng của các bộ, địa phương; thực hiện chuyên trách trong việc đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp. Đây chính là nội dung căn bản của cải cách kinh tế, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và là việc phải hoàn thành sớm.

TS Nguyễn Đình Cung
TS Nguyễn Đình Cung

Thực ra, yêu cầu chuyển DNNN về SCIC đã được đặt ra 10 năm trước, ngay từ khi thành lập cơ quan này. Mọi việc đều đang được thực hiện... Trước năm 2009, việc chuyển giao diễn ra bình thường. Năm 2006, có 222 doanh nghiệp được chuyển giao về SCIC, năm 2007 là 622 doanh nghiệp.

Nhưng từ năm 2009 đến nay, mỗi năm chỉ khoảng hơn chục doanh nghiệp được chuyển về. Trong 2 năm 2015-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phải có 3 văn bản chỉ đạo về việc này, nhưng tình hình vẫn chậm. Thậm chí, chúng tôi nhận thấy có sự chần chừ, do dự, thậm chí là đình hoãn trong thực hiện nhiệm vụ này từ một số bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Theo ông, nguyên nhân của tình trạng trên là gì?

Thứ nhất, các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có liên quan không nhận thức được yêu cầu của cải cách kinh tế, trong đó việc chuyển giao DNNN về SCIC là bước quan trọng.

Thứ hai, ý thức chấp hành luật pháp, kỷ luật hành chính kém.

Cuối cùng, nhưng có thể là quan trọng nhất, đó là sự trì trệ trong tư duy, phần nào có nguyên nhân từ lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu với DNNN.

Trong các cuộc làm việc gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, SCIC chưa đủ điều kiện để tiếp nhận các DNNN từ các ngành, lĩnh vực, nên việc chuyển giao chậm trễ...

SCIC cũng phải cải thiện, nâng cấp để đáp ứng các yêu cầu mới, nhưng đó là vấn đề kỹ thuật. Bản chất của nhiệm vụ này là việc tách bạch quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước ra khỏi bộ, ngành, địa phương. Không thể trì hoãn nhiệm vụ chính bằng những vấn đề kỹ thuật được.

Để thúc đẩy công việc này, CIEM sẽ có những kiến nghị gì? 

Thứ nhất, chúng tôi đề nghị xác định đây là nhiệm vụ phải làm, chứ không phải là việc của riêng SCIC, nên cần thay đổi cách thức chuyển giao. Lâu nay, SCIC phải đi thỏa thuận với doanh nghiệp về chuyển giao. Chúng tôi đề nghị xác định rõ doanh nghiệp cần chuyển giao và yêu cầu chuyển giao.

Thứ hai, xác định rõ thời hạn hoàn tất. Nguyên tắc cần thống nhất là doanh nghiệp nào không vướng mắc gì trong thủ tục thì phải chuyển ngay. Với doanh nghiệp còn vướng do yêu cầu quyết toán vốn nhà nước lần hai theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, thì sửa quy định liên quan để thực hiện chuyển giao nguyên trạng, việc xử lý sẽ được thực hiện tiếp sau khi chuyển giao về SCIC.

Thứ ba, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần phê bình người đứng đầu, nếu doanh nghiệp chậm trễ thực hiện nhiệm vụ này.

SCIC đang đề xuất danh sách khoảng 193 DNNN sẽ phải chuyển giao về SCIC. Theo quan điểm của ông, việc chuyển giao này mất khoảng bao lâu?

Năm nay 2017 phải xong. Chúng ta phải quyết liệt dọn dẹp các DNNN, tách bạch quyền đại diện chủ sở hữu ra khỏi các cơ quan quản lý nhà nước, để từ đó thực hiện bước tiếp theo là thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng này.

Chủ tịch SCIC: Bán vốn nhà nước là cả một nghệ thuật
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện nắm giữ vốn tại 146 doanh nghiệp. Để đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, theo ông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư