Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Chuyển mạng giữ số: Bao giờ mới thấy “bàn tay sắt”?
Thu Hà - 07/05/2019 16:42
 
Kể từ 1/5/2019, nếu nhà mạng nào có tỷ lệ chuyển mạng giữ số thành công đối với khách hàng muốn chuyển đi chỉ dưới 70%, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét việc tiến hành thanh tra doanh nghiệp.

Gian nan chuyển mạng giữ số

Tính riêng trong tháng 4/2019, tỷ lệ khách hàng chuyển mạng giữ số chuyển đi thành công từ mạng VinaPhone đang là 63,4%. Trước đó, ở những thời điểm ngắn, thương hiệu này thường có tỷ lệ chuyển đi thành công đạt dưới mức 70%.

Còn với MobiFone, sau nhiều tháng có tỷ lệ chuyển đi thành công thấp, tỷ lệ chuyển đi thành công trong tháng 4 đã xấp xỉ 70%. Riêng Vietnamobile, tỷ lệ chuyển đi thành công vẫn ở mức 48,4% trong tháng 4/2019. Viettel vẫn ở tỷ lệ trên 80% trong cùng thời gian.

Trước đó, tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước quý 1/2019, theo thống kê của Cục Viễn thông, 80% các khiếu nại về chuyển mạng giữ số thuộc về MobiFone và Vietnamobile. Còn theo số liệu cập nhật đến hết tháng 4/2019, kể từ khi thực thi chuyển mạng giữ số, 2 mạng MobiFone và VinaPhone từ chối tới hơn 52.000 thuê bao có nhu cầu chuyển mạng giữ số. Với Vietnamobile con số từ chối là 12.214 nhưng chiếm khoảng 50% số thuê bao mong muốn chuyển đi khỏi nhà mạng này.

Khi bắt đầu thực hiện chính sách chuyển mạng giữ số, mục tiêu của cơ quan quản lý là giúp người dùng được sử dụng dịch vụ tốt hơn, tự do lựa chọn nhà mạng mà không bị bó chặt vào số sim, tăng cạnh tranh trên thị trường… Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, nhiều người dùng lại trở thành nạn nhân khi đi làm thủ tục.

Hòa mạng ở đâu, về đó chuyển mạng

Khi đi làm thủ tục chuyển mạng giữ số, khách hàng là chủ thuê bao 091401xxxx ra cửa hàng ở Hùng Vương, Ngọc Hồi, Kon Tum để làm thanh lý hậu kiểm. Tuy nhiên, giao dịch viên cho biết, thuê bao của khách hàng hòa mạng tại Hà Tĩnh nên phải về Hà Tĩnh mới lấy được biên bản thanh lý hợp đồng.

Liên hệ với phòng giao dịch Can Lộc Hà Tĩnh để được hỗ trợ thì nhân viên trực ở đây cho biết, hình thức thanh toán qua ngân hàng nên sẽ không có biên bản thanh lý vì khách hàng… không thanh toán tại cửa hàng. Lý do này thật trớ trêu khi nó được đưa ra ở thời đại mọi thủ tục đều có thể làm online một cách nhanh chóng.

Còn chị Huỳnh Mỹ Ngân (quận 9, thành phố Hồ Chí Minh) một khách hàng của mạng viễn thông lớn khác phải mất 3 tháng và 5 lần tới cửa hàng của mạng này để bổ sung giấy tờ mới chuyển mạng thành công. Mỗi lần đến điểm giao dịch của nhà mạng gốc, chị lại phát sinh một yêu cầu mới và được giải thích chung chung là “theo quy định”.

Lần cuối cùng, chị được giải thích lý do không được chuyển mạng là chủ thuê bao mới đi nước ngoài và sử dụng dịch vụ roaming, nên phải chờ… 2 tháng sau mới được chuyển mạng. Thực tế, đây là quy định trong 11 tiêu chí mà Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành khi chuyển mạng giữ số (đã hủy roaming sau 60 ngày).

Những con số gây sốc

Theo số liệu từ Viettel, chỉ trong tháng 4, kết quả sau khi đối soát hàng tuần giữa các nhà mạng đối với thuê bao đến Viettel, tỉ lệ số lượng thuê bao đăng ký chuyển đến Viettel bị từ chối sai/Số lượng đối soát cao là một con số gây sốc.

Cụ thể, VinaPhone từ chối sai: 2.719/7.164 thuê bao tương đương 38%; MobiFone từ chối sai: 4.521/10.701 thuê bao tương đương 42,3%; Vietnamobile từ chối sai: 5.648 thuê bao/5.833 thuê bao chiếm tới 96,8%. Đáng chú ý là Vietnamobile chỉ đồng ý cho 1.117 thuê bao của Viettel (tương đương 19,2%) tạo lại yêu cầu sẽ cho chuyển mạng, số còn lại 4.531 thuê bao (77,7%) là số đẹp, khách hàng đã dùng lâu và không vướng cam kết gì nhưng Vietnamobile không đồng ý cho chuyển mạng.

Tuy nhiên đây mới chỉ là con số các mạng thực hiện đối soát của tháng 4, nếu tỷ lệ này tính trên tổng số thuê bao của nhà mạng Viettel bị các mạng khác từ chối kể từ khi dịch vụ chuyển mạng giữ số bắt đầu triển khai sẽ lớn hơn gấp nhiều lần.

Như vậy, nếu không có những hành động quyết liệt của cơ quan quản lý, việc các nhà mạng tiếp tục dùng tiểu xảo, chiêu trò để ngăn cản khách hàng chuyển đi, gây phiền toái cho người dùng sẽ vẫn còn tiếp diễn. Và có lẽ, đã đến lúc cần phải có “một bàn tay sắt” để lập lại trật tự về chuyển mạng giữ số, bởi nếu để như hiện nay, khách hàng sẽ tiếp tục “ăn hành”.

Soi cuộc đua chuyển mạng giữ số giữa các nhà mạng
Cuộc đua “chuyển mạng giữ số” vẫn đang diễn ra rất gay gắt với những diễn biến chưa thể dự báo.
Bình luận bài viết này
  • Nguyễn Thị Huyền Trang 20:58 | 07-05-2019
    Nhiều khách hàng bị từ chối thế này thì dịch vụ chuyển mạng chắc không phát triển hơn được nữa.
  • Trương Quỳnh Như 21:02 | 07-05-2019
    Mất niềm tin vào các dịch vụ này.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư