Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
CMC tạo thế “kiềng 3 chân”
Hải Bằng - 07/07/2016 16:16
 
Hết lỗ lũy kế, Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (CMC) đã có nền tảng tài chính ổn định hơn. Hiện mục tiêu được đại gia công nghệ này nhằm vào là tích hợp hệ thống, phần mềm và viễn thông.

Tuy nhiên mảng thương mại cũng không bị “bỏ rơi” với mục tiêu duy trì, tìm kiếm cơ hội mới cho lĩnh vực phân phối lắp ráp. Cụ thể, năm tài chính 2016 (kết thúc vào 31/3/2017), CMC đặt chỉ tiêu doanh thu thuần đạt 4.167 tỷ đồng, doanh thu thuần hợp nhất đạt 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên báo cáo hợp nhất đạt 179,77 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 115,25 tỷ đồng và dự kiến mức cổ tức năm 2016 là 10%.

Các con số trên đều có xu hướng tăng trưởng mạnh so với năm tài chính 2015 (kết thúc 31/3/2016). Cụ thể, tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm tài chính 2015 đạt 4.018 tỷ đồng, doanh thu thuần hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 3.693 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 160 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 108 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong năm tài chính 2015, CMC chính thức hết lỗ lũy kế và đã chia cổ tức 8%.

.
CMC sẽ hướng trọng tâm vào 3 mảng tích hợp hệ thống, phần mềm và viễn thông

Thực tế, thế “kiềng 3 chân” của CMC đã được công ty này chuẩn bị khá bài bản trong giai đoạn vừa qua, với những động thái lớn trong việc tích lũy, tạo dựng sức mạnh.

Trong lĩnh vực tích hợp hệ thống, cuối tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH Tích hợp Hệ thống CMC (CMC SI) Hà Nội vừa phối hợp với Ruckus Wireless đã có riêng hội thảo cho Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom), giới thiệu các giải pháp dịch vụ của Ruckus Wireless và CMC SI, phù hợp với đặc thù của nhà mạng viễn thông.

Ruckus Wireless là sản xuất thiết bị mạng không dây hàng đầu thế giới, được thành lập năm 2004 tại Mỹ. Ruckus cung cấp quy mô toàn cầu các hạ tầng internet di động và hệ thống mạng LAN không dây cho các nhà cung cấp dịch vụ và các doanh nghiệp.

Các công ty con khác của CMC cũng đang có những động thái khuấy động mảng viễn thông. Cụ thể, trong quý II/2016, Công ty cổ phần Hạ tầng Viễn thông CMC (CMC Telecom) và IBM đã ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ thuê ngoài về an ninh bảo mật, giúp CMC Telecom trở thành tổ chức đầu tiên tại Việt Nam sử dụng các dịch vụ thuê ngoài về an ninh bảo mật của IBM. Thỏa thuận này cũng đồng thời có mục tiêu cung cấp ra thị trường các giải pháp về an ninh bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế của IBM như quản lý danh tính và quyền truy cập, quản lý thông tin về an ninh bảo mật và quản lý sự cố, an ninh cơ sở dữ liệu, quản lý rủi ro, quản lý thiết bị đầu cuối, chống xâm nhập.

Ông Ngô Trọng Hiếu, Tổng giám đốc CMC Telecom cho biết, các đối tượng tội phạm đang ngày càng mở rộng mục tiêu và tinh vi hơn trong việc thu thập, tận dụng các dữ liệu có giá trị cao. Các nhóm tội phạm cũng không ngừng câu kết, chia sẻ hạ tầng để triển khai các chiến dịch tấn công,  nên các tổ chức và doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt cho các thử thách này.

Ở trụ cột phần mềm, Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm CMC (CMCSoft) nằm trong top 2 doanh nghiệp phần mềm lớn nhất  Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Trong giai đoạn vừa qua, CMCSoft đã nghiên cứu và phát triển giải pháp kết nối, liên thông văn bản giữa hệ thống Văn phòng điện tử eDocman Plus với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông. Hiện CMCSoft cũng đã cung cấp giải pháp kết nối này cho các khách hàng của mình với các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp viễn thông lớn như Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế, Kho bạc Nhà nước, Tổng công ty Viễn thông Mobifone.

Lợi nhuận trước thuế của CMC tăng trưởng 40% so với cùng kỳ
Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (mã CMG, sàn HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm tài chính (kết thúc ngày...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư