Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Có đến 55% số ca F1 tại Công ty Hosiden chuyển sang F0
D.Ngân - 25/05/2021 18:59
 
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ đã tính toán tới phương án 3.000 ca mắc tại Bắc Giang, nhưng tới đây, số ca lây nhiễm có thể cao hơn.

Tại cuộc họp khẩn giữa Bộ Y tế và tỉnh Bắc Giang chiều ngày 25/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh rất nóng, tốc độ lây lan nhanh.

 Tình hình dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh rất nóng, tốc độ lây lan nhanh.

Cụ thể, tại Công ty Hosiden, số ca chuyển từ F1 tới F0 lên đến 55% gồm các ca lây nhiễm từ trước và cả trong khu lưu trú. Vừa qua, Bắc Giang đã tổng lực, xét nghiệm lượng mẫu rất lớn và phát hiện thêm gần 400 ca nhiễm trong hôm nay.

"Theo GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trong phòng thí nghiệm, bình thường các chủng khác phải sau 3-4 ngày nuôi cấy mới mọc chân. Tuy nhiên, biến chủng mới của Ấn Độ có hiện tượng này sau 2 ngày. Vì vậy, về vấn đề lâm sàng, virus sẽ phát tán rất nhanh, khác với các chủng trước đây", Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.

Theo ông Long, Bộ Y tế đã tính toán tới phương án 3.000 ca mắc bệnh tại Bắc Giang, nhưng tới đây số ca lây nhiễm có thể cao hơn. Do đó, ưu tiên lớn nhất là dập cho bằng được ổ dịch tại đây, nếu không làm được thì sẽ thất bại vì dịch sẽ lây ra các địa phương khác.

Đề xuất một số biện pháp cụ thể đối với toàn tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng đề nghị Bộ phận thường trực của Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh đánh giá lại nguy cơ toàn tỉnh không riêng gì với ba huyện đang áp dụng Chỉ thị 16, mạnh dạn áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc cách ly y tế theo thẩm quyền UBND tỉnh, không ngần ngại.

Bên cạnh đó, với những trường hợp khi có ổ dịch tại cộng đồng, thực hiện đúng nguyên tắc truy vết, cách ly, dập dịch nhưng phải truy vết triệt để, không sót F1, tránh gây ra hậu quả khôn lường.

Ngoài ra, đối với khu có nhiều công nhân phải “đóng băng” và áp dụng thiết chế cách ly tập trung, tiến hành mở rộng cho khu vực lân cận nếu có đông công nhân và có yếu tố nguy cơ.

Tất cả vi phạm trong khu đóng băng này phải xử lý nghiêm, nếu không sẽ thất bại. Phải coi cả vùng đó là cách ly tập trung thì mới khống chế, kiểm soát được.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh tiếp tục giám sát sàng lọc thường xuyên, xét nghiệm 3 ngày/lần. Đối với địa phương, tăng cường hoạt động tổ Covid địa phương đi từng nhà.

Với các khu công nghiệp phải giám sát sàng lọc, nếu thấy có yếu tố nguy cơ phải mạnh dạn xét nghiệm ba ngày/lần. Về thay đổi phương thức xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế họp với UBND tỉnh sử dụng xét nghiệm nhanh đối với toàn bộ khoảng 50.000 người có yếu tố nguy cơ rất cao với tần suất ba ngày/lần.

Sau khi làm hết xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính, 7 ngày sau làm PCR một lần, để đánh giá với mẫu âm tính, từ đó điều chỉnh lại.

“Cần tổ chức lấy mẫu tại chỗ và trả kết quả ngay tại chỗ cho người dân, chấp nhận nhầm còn hơn bỏ sót. Trong tuần này phải thực hiện xét nghiệm ít nhất 50.000 mẫu”, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu.

Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang, cao hơn hỗ trợ cho Đà Nẵng. Bộ Y tế có thể huy động mọi nguồn lực, thay quân cho lực lượng đã cắm chốt ở địa phương. Bộ Y tế sẽ điều Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hỗ trợ về công tác hồi sức, điều trị.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Bắc Giang thành lập ngay bệnh viện dã chiến, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ vật tư, máy móc trang thiết bị cho Bắc giang.

Bộ trưởng Y tế đề nghị Cục Y tế dự phòng sớm trình trình lãnh đạo Bộ ban hành hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà ở Bắc Ninh và Bắc Giang.

Tại cuộc họp, về vấn đề cách ly tập trung, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong phạm vi khu vực các công nhân đang tự cách ly, mật độ những đối tượng F1 đông và F2 có nguy cơ trở thành F1 nhiều. Do đó, Bắc Giang cần phải tính toán cách ly ở khu vực, cách ly cụ thể từng gia đình cụ thể.

Theo yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Y tế, cần rà soát kỹ đối tượng F1, xem đối tượng nào đưa đi cách ly tập trung, đối tượng nào ở nhà.

Với đối tượng F1 ở nhà, chúng ta phải bảo đảm đầy đủ điều kiện, có phòng tương đối độc lập, hạn chế tiếp xúc với mọi người trong gia đình và mọi người xung quanh.

Về điều trị, tỉnh Bắc Giang cần tập trung xây dựng một đơn nguyên điều trị bệnh nhân nặng. Bệnh nhân không nặng phải có phương án hết sức cụ thể cho từng khu vực.

Tình hình dịch tại Bắc Giang đã lan rộng hơn 10 huyện, thị xã, thành phố nên phải có cơ sở điều trị cụ thể. Còn đơn nguyên điều tị bệnh nhân nặng phải để bệnh viện đa khoa tỉnh, có sự hỗ trợ tuyến Trung ương.

Trước diễn biến dịch ở Bắc Giang phải tính đến thu dung 3.000 bệnh nhân, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tỉnh phải tính tiếp tục các biện pháp khác nữa như bệnh viện dã chiến hoặc mạnh dạn tư duy về việc điều trị ngoại trú, nhưng phải hết sức chặt chẽ việc này.

Về kỹ thuật, các hướng dẫn cách ly tại gia đình, hướng dẫn doanh nghiệp từng bước trở lại hoạt động thì Bộ Y tế đang khẩn trương tiến hành, sớm ban hành theo kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam để làm thí điểm, sau đó sẽ rút kinh nghiệm.

Về phía tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, số F1 trong khu cách ly tập trung có khoảng 12.600 người.

Khu phong tỏa ở Việt Yên tập trung trên 60.000 công nhân, ở 3 xã. Ba ngày qua, cơ quan chức năng vừa lấy mẫu diện rộng, vừa vào các nơi có nguy cơ cao nên số F0 tăng lên rất nhanh.

Theo ông Lê Ánh Dương, địa phương có hơn 10 bệnh nhân nhân nặng phải thở máy. Còn về tầm soát, đến nay, Bắc Giang và các đơn vị hỗ trợ đã xét nghiệm hơn 600.000 mẫu, còn 51.000 mẫu đơn, tương đương 10.000 mẫu gộp đang chạy, đến đêm nay sẽ có kết quả.

"Hai huyện Việt Yên và Yên Dũng đã xét nghiệm toàn huyện, các khu vực trọng điểm. Khu vực nguy cơ cao đã hoàn thành 2 lần lấy mẫu và đang tập trung rà soát lần thứ 3", Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho hay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư