Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cổ đông ngân hàng nhận cơn “mưa” cổ tức
Thùy Vinh - 11/06/2024 08:12
 
Cổ đông ngân hàng sắp nhận được cơn “mưa” cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu khi các ngân hàng đã chốt quyền chi trả cổ tức để tăng mạnh vốn, nâng cao năng lực tài chính.

Chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu

Cụ thể, SeABank (mã: SSB) đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 24.957 tỷ đồng, thông qua đợt phát hành 42 triệu cổ phiếu ESOP năm 2023 cho hơn 2.000 cán bộ nhân viên. NHNN cũng ban hành quyết định chấp thuận điều chỉnh mức vốn điều lệ trên giấy phép hoạt động của SeABank từ 24.537 tỷ đồng lên 24.957 tỷ đồng.

Theo kế hoạch được đại hội cổ đông thường niên 2024 thông qua, trong năm nay SeABank dự kiến tiếp tục tăng vốn lên 30.000 tỷ đồng theo các phương thức như phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tổng tỷ lệ gần 14%, phát hành cổ phiếu ESOP năm 2024, chào bán cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ hoặc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ.

PGBank (mã: PGB) cũng tăng vốn điều lệ sau khi phát hành thành công 120 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ lên 4.200 tỷ đồng. Lần cuối PGBank tiến hành tăng vốn điều lệ là vào năm 2012 khi thực hiện việc phát hành 64 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu.

Ngân hàng mạnh tay chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu tăng vốn

Tương tự, ACB vừa có báo cáo về kết quả đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Theo đó, ngân hàng đã phát hành 582,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 15% (cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu sẽ nhận được 15 cổ phiếu mới).

Sau đợt phát hành, số cổ phiếu đang lưu hành của ACB tăng từ 3,884 tỷ cổ phiếu lên 4,447 tỷ cổ phiếu. Ngày kết thúc đợt phát hành là 3/6. Dự kiến cổ phiếu sẽ được chuyển giao trước ngày 30/6, sau khi Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam điều chỉnh Giấy chứng nhận Đăng ký Chứng khoán.

Như vậy, gần 583 triệu cổ phiếu ACB sẽ về tài khoản cổ đông trong ít ngày tới. Sau khi hoàn tất việc phát hành, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng lên 44.667 tỷ đồng, chính thức vượt qua Agribank, trở thành ngân hàng có quy mô vốn cao thứ 6 toàn hệ thống, sau VPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và MB. Tuy nhiên, ACB dự kiến sẽ tụt xuống hạng 8 vào cuối năm nay khi Agribank và Techcombank hoàn tất kế hoạch tăng vốn.

Trước đó, ACB (mã: ACB) đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền (với tỷ lệ 10%) vào ngày 3/6, tức 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Số tiền mà ACB ddùng để chia cổ tức là 3.884 tỷ đồng dự kiến được thanh toán vào ngày 13/6. Đồng thời, ACB phát hành hơn 582,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 15% (người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới).

TPBank (mã: TPB) vừa thông qua việc triển khai phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024 với tỷ lệ 5% (1 cổ phiếu được nhận 500 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu là 21/6 và thời gian thanh toán dự kiến vào 11/7.

Trước đó tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ban lãnh đạo TPBank đã bổ sung tờ trình chia cổ tức tiền mặt và chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ năm 2024, sau đó được đông đảo cổ đông thông qua. Lãnh đạo ngân hàng nói việc chia cổ tức bằng tiền mặt là một sự khích lệ cho các cổ đông.

Hiện TPBank có hơn 2,2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, theo đó số tiền mà nhà băng dự kiến chi trong đợt này hơn 1.100 tỷ đồng. Nguồn chi được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm ngoái, trên báo cáo tài chính đã kiểm toán.

Ngoài ra, TPBank còn có kế hoạch phát hành tối đa 440,3 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới). Việc phát hành dựa trên khuyến khích của NHNN, trên cơ sở tình hình kinh doanh thực tế, mở rộng quy mô hoạt động...

Vốn điều lệ của ngân hàng theo đó sẽ tăng thêm hơn 4.400 tỷ lên tối đa 26.419 tỷ đồng. Thời gian thực hiện sẽ phụ thuộc vào quá trình phê duyệt hồ sơ của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Tăng mạnh vốn điều lệ

Không chỉ chia cổ tức bằng tiền mặt và chia thưởng bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao. Trong ngày 6/6 vừa qua, UBCKNN đã công bố quyết định chấp thuận cho Techcombank (mã: TCB) tăng vốn điều lệ từ 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng). Tỷ lệ phát hành dự kiến là 100%, tức mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới.

Trước đó, Techcombank đã được các cơ quan quản lý chấp thuận cho chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% - mức cao nhất hệ thống. Số tiền cổ tức này đã về tài khoản nhà đầu tư từ đầu tháng 6 này. Với mức chia tiền mặt 15% và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 100%, Techcombank là ngân hàng duy nhất chi trả cho cổ đông với tỷ lệ cao như vậy trong năm nay. Đồng thời, kế hoạch phát hành để tăng vốn lên trên 70 nghìn tỷ đồng cũng sẽ đưa Techcombank nâng quy mô vốn điều lệ lên top đầu hệ thống.

MSB (mã: MSB) chuẩn bị phát hành 600 triệu cổ phiếu trả cổ tức, tăng vốn lên 26.000 tỷ đồng. Cụ thể, MSB dự kiến phát hành thêm tối đa 600 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 30% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 30 cổ phiếu mới), giúp vốn điều lệ tăng từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện là trong năm 2024, sau khi có chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước.

Nguồn vốn sử dụng để tăng vốn điều lệ là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, bao gồm lợi nhuận sau thuế năm 2023 sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận những năm trước để lại (gần 8.000 đồng theo báo cáo tài chính hợp nhất 2023).

Mục đích phát hành là nhằm củng cố vị thế cạnh tranh của MSB nhờ tăng quy mô vốn điều lệ, củng cố bộ đệm vốn và nâng cao các chỉ tiêu an toàn tài chính, hỗ trợ nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn, nâng cấp cơ sở vật chất và đầu tư hệ thống cho ngân hàng. Tuy nhiên, do tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức nên tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn tại MSB không thay đổi.

Theo công bố của MSB, đến ngày 31/3, MSB có một cổ đông lớn trong nước là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), nắm 6,05% vốn điều lệ. VNPT dự kiến sẽ nhận thêm hơn 36 triệu cổ phiếu từ đợt phát hành này. MSB hiện có 6 cổ đông nước ngoài sở hữu từ 2% đến dưới 5% vốn điều lệ, nắm tổng cộng 23,89% vốn. Những cổ đông nước ngoài khác nắm 6,07% vốn của ngân hàng. Các cổ đông nước ngoài dự kiến sẽ nhận thêm gần 180 triệu cổ phiếu từ đợt phát hành trên.

Cùng với Techcombank, trong năm nay, 3 Ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là Vietcombank, BIDV, VietinBank đều có kế hoạch tăng vốn và đã được cổ đông thông qua tại kỳ đại hội vừa qua, hiện chờ cơ quan quản lý chấp thuận.

Thực tế, việc chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu đã được nhiều ngân hàng áp dụng vào thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Nhưng từ năm 2020-2022, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng hạn chế chia cổ tức bằng tiền mặt để dành nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giai đoạn 3 năm Covid-19 (từ 2019 - 2021).

Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, tại Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước không còn yêu cầu các nhà băng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Như vậy, "vòng kim cô" đã được gỡ, làn sóng chia cổ tức tiền mặt bắt đầu quay lại trong 2 năm gần đây. Dù được chia cổ tức cả bằng tiền mặt và cổ phiếu, song nhiều cổ đông của ngân hàng cũng băn khoăn về việc chia cổ tức để tăng vốn sẽ khiến cổ phiếu bị loãng, hay nói cách khác là giá cổ phiếu sẽ giảm.

MSB chuẩn bị phát hành 600 triệu cổ phiếu trả cổ tức, tăng vốn lên 26.000 tỷ đồng
Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - Mã: MSB) vừa công bố nghị quyết về việc triển khai tăng vốn điều lệ năm 2024.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư