Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cổ đông ngân hàng tái cơ cấu khó được nhận cổ tức
Vân Linh - 27/02/2022 14:25
 
Dù lợi nhuận giữ lại còn nhiều, lên đến hàng ngàn tỷ đồng, song nhiều ngân hàng vẫn chưa thể chia cổ tức.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 lần thứ 2, cổ đông Eximbank không thông qua tờ trình chia cổ tức

Trình đại hội đồng cổ đông chi trả cổ tức cao

Với kết quả kinh doanh đạt được khả quan trong năm 2021, các ngân hàng đều lên kế hoạch trình đại hội đồng cổ đông thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức cho cổ đông ở mức 20-15% và chủ yếu bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trong năm nay.

Cụ thể, VIB đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên mức 21.000 tỷ đồng, tăng 35,7%, trong đó chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ, nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu. MSB cho biết, sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2021. Các ngân hàng MB, OCB, HDBank có kế hoạch trả cổ tức 2021 trên dưới 20% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trong năm 2022, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế...

Theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận và không chia cổ tức bằng tiền mặt để hạ thêm lãi suất cho vay.

Thực tế, các ngân hàng đang xem thời điểm này là cơ hội để phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng chuẩn mực quốc tế. Đáng chú ý là, trước bối cảnh giá cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng trong thời gian qua và kỳ vọng còn sức bật trong thời gian tới khi tín dụng hồi phục, lợi nhuận tăng, nhà đầu tư muốn nhận cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì tiền mặt như trước.

Hiện ACB, SHB, Sacombank đã chốt danh sách để tiến hành Đại hội đồng cổ đông trong tháng 4/2022. Nhà đầu tư vẫn đang “ngóng” tỷ lệ cổ tức từ tiết lộ của các ngân hàng này.

Vietcombank sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông vào ngày 8/4, trình phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng đề nghị Chính phủ, NHNN tiếp tục tạo điều kiện để Vietcombank tăng vốn bằng cách cho phép Ngân hàng giữ lại lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức bằng cổ phiếu...

Cổ đông các ngân hàng tái cơ cấu vẫn ngậm ngùi

Thực tế, không phải ngân hàng nào cũng được chi trả mức cổ tức cao, kể cả với những ngân hàng đã tất toán hết trái phiếu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC (mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC).

Eximbank là một trong những điển hình không thể chia cổ tức trong vòng 9 năm qua do vấn đề nhân sự cấp “thượng tầng” và phải đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Năm nay, sau khi ổn định nhân sự, Eximbank dự kiến chia cổ tức ở mức 2 con số nếu được NHNN cho phép. Tính đến ngày 30/3/2021, Eximbank đã thanh toán hết trái phiếu đặc biệt VAMC.

Ông Yasuhiro Saitoh, nguyên Chủ tịch Eximbank cho rằng, Ngân hàng đã thỏa mãn điều kiện cuối cùng để chia cổ tức cho cổ đông sau 9 năm không được nhận cổ tức. Sau khi được NHNN chấp thuận, Eximbank sẽ trình cổ đông phương án phân phối cụ thể. Với số lợi nhuận được chia sau khi trừ các quỹ năm 2018, 2019, 2020 là gần 2.214 tỷ đồng, sau khi trừ đi số cổ phiếu quỹ, Eximbank dự kiến chi cổ tức 1.800 đồng/cổ phiếu.

Thế nhưng, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 lần thứ 2 diễn ra ngày 15/2, cổ đông Eximbank không thông qua tờ trình chia cổ tức.

Với SCB, tại các kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên các năm gần đây, cổ đông đều bức xúc về vấn đề cổ tức, vì suốt 8 - 9 năm qua, có rất nhiều cam kết chia cổ tức, nhưng đến hội nghị cổ đông lần này, vấn đề này vẫn không được đưa vào nghị quyết.

Lãnh đạo SCB giãi bày rằng, thực tế, không phải Ngân hàng không có tiền, thậm chí còn có hơn 1.234 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại có thể chia cổ tức. Nhưng do SCB đang trong giai đoạn tái cấu trúc, nên chưa được chia cổ tức và phải tập trung mọi nguồn lực trích dự phòng, tái cơ cấu. Số tiền này không mất đi, vì được đầu tư vào các tài sản dưới dạng bất động sản, đang tăng giá trị. Quỹ dự phòng rủi ro SCB hiện đã lên đến con số trên 14.000 tỷ đồng, được xem là “của để dành”.

Kết thúc năm 2021, Sacombank đạt hơn 4.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 32% so với năm trước, vượt 10% kế hoạch cả năm. Sacombank tiếp tục giữ lại lợi nhuận lũy kế 6.496 tỷ đồng và không chia cổ tức. Trước Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, HĐQT Ngân hàng đã có tờ trình xin NHNN được chia cổ tức, nhưng đã được không được chấp thuận.

HĐQT Sacombank cho biết, Ngân hàng tiếp tục thực hiện theo Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được NHNN phê duyệt theo Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 22/5/2017, nên cần tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu, trích dự phòng. Trước mong mỏi của cổ đông về cổ tức, Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Dương Công Minh cho hay, lãnh đạo của Ngân hàng cũng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, vì giá cổ phiếu đang rất tốt, nhưng vẫn phải chờ NHNN chấp thuận và quá trình tái cơ cấu thành công.

Theo Chủ tịch Sacombank, bản chất vấn đề là tái cơ cấu, khi tái cơ cấu thành công, Sacombank mới xử lý các vấn đề khác: cổ tức, bán cổ phần cho cổ đông chiến lược trong và ngoài nước. Dự kiến năm 2022 hoặc đầu năm 2023, sau khi hoàn thành việc tái cơ cấu, Ngân hàng có thể chia cổ tức.

Theo quy định của NHNN, tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC có thời hạn trên 5 năm hoặc được gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt sẽ không được chia cổ tức, nhằm tạo nguồn xử lý nợ xấu cho tới khi trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm, hoặc trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán.
Lợi nhuận năm 2021 tăng gấp đôi, MSB dự định chia cổ tức 30%
Chia sẻ với nhà đầu tư, Tổng giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho biết, ngân hàng có kế hoạch tăng vốn năm nay, nhắm tới nguồn vốn ngoại và đang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư