Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Có hiện tượng "trên bảo dưới không nghe" trong phòng chống dịch Covid-19
Nguyễn Lê - 19/10/2021 16:54
 
Nhiều địa phương dán niêm phong không cho mở cửa xe khi ngang qua địa bàn tỉnh mình, rồi xe đi ngang không cho người trên xe xuống làm những việc bình thường khác.
.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong trả lời báo chí tại cuộc họp báo chiều 19/10. (Ảnh: Duy Linh).

Khẳng định có hiện tượng trên bảo dưới không nghe trong thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH 15 (Nghị quyết 30) của Quốc hội, song Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết Chính phủ đã nhận rõ nguyên nhân và xác định giải pháp khắc phục thời gian tới.

Chiều 19/10, tại cuộc họp báo trước thềm kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV (khai mạc sáng 20/10), phóng viên Báo Đầu tư đặt câu hỏi: Tại kỳ họp thứ nhất, với Nghị quyết 30, Quốc hội đã đặc cách trao quyền đặc biệt cho Chính phủ trong phòng chống Covid-19, được biết, sáng nay, Ủy ban Xã hội đã thẩm tra về nội dung này, vậy theo đánh giá của Ủy ban, các quyền đặc biệt đó đã được thực thi thế nào?

Thời gian qua trong  phòng chống dịch Covid-19, có tình trạng  áp dụng pháp luật không nhất quán, cát cứ, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, có nơi người thi hành công áp dụng sai, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong chống dịch, vậy nguyên nhân chính là do đâu, có nguyên nhân từ việc trao quyền chưa đi liền với giám sát hay không, thưa Phó chủ nhiệm?

Xác nhận sáng cùng ngày, Ủy ban Xã hội đã thẩm tra việc thực hiện Nghị quyết 30, ông Phong nhấn rõ tinh thần của Nghị quyết 30 là Quốc hội cho phép Chính phủ thực hiện một số nội dung hoặc chưa được quy định, hoặc vượt thẩm quyền. Và Chính phủ đã ban hành một số lượng văn bản lớn, đã có sự chủ động nhất định, linh hoạt áp dụng biện pháp phòng, chống Covid-19, mang lại hiệu quả tốt.

Nhưng, Phó chủ nhiệm cũng nhắc đến nhiều hệ lụy từ việc áp dụng những quy định khác luật hoặc không đúng quy định của pháp luật. “Trong đó có cái kịp thời, có cái chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nên cũng tạo sự phản ứng nhất định trong xã hội”, ông Phong khái quát.

Theo Phó chủ nhiệm, tới đây, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ có đợt rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật hoặc liên quan tới pháp luật để thực thi nhiệm vụ phòng, chống dịch. Qua đó sẽ xem xét các văn bản được ban hành có vượt thẩm quyền, trái quy định và tạo ra bức xúc xã hội lớn hơn hay không.

Với trách nhiệm của cơ quan thẩm tra, ông Phong nói, Ủy ban Xã hội nhận thấy sau khi rà soát cho thấy đa phần văn bản phục vụ, đáp ứng cho nhu cầu quản lý Nhà nước để phòng chống dịch là chính.

Và đến nay, Chính phủ và các bộ, ngành chưa có đánh giá tổng thể các vấn đề liên quan đến công tác thể chế về phòng chống dịch, chưa xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan. Ví dụ, Luật Dược, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp… đều là những văn bản có liên quan đến phòng chống dịch, nhưng chưa có đề xuất sửa đổi và xử lý để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Vẫn theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương để giải quyết vướng mắc ở địa phương vẫn chậm, chưa kịp thời, khiến nhiều nơi có cách hiểu, cách chưa thống nhất, gây bức xúc xã hội. Đặc biệt, còn tình trạng văn bản hướng dẫn ở một số địa phương chưa được rà soát thận trọng nên còn phải đính chính, thu hồi, sửa đổi bổ sung nhiều lần, thậm chí gây phản cảm.

“Ví dụ gần đây nhất là nhiều địa phương dán niêm phong không cho mở cửa xe khi ngang qua địa bàn tỉnh mình, rồi xe đi ngang không cho người trên xe xuống làm những việc bình thường khác”, ông Phong nhìn nhận.

Ngoài ra, Phó chủ nhiệm còn nêu bất cập khi việc phân cấp cho địa phương chưa chặt chẽ, thiếu cơ chế kiểm soát nên mỗi địa phương quy định một kiểu, áp dụng pháp luật không nhất quán, dẫn đến có dấu hiệu cát cứ, thực thi chỉ đạo Trung ương chưa trọn vẹn, gây nên tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.

Cho rằng, cần rà soát, đánh giá lại việc ban hành các văn bản trong quá trình chống dịch, Phó chủ nhiệm cũng thông tin là Chính phủ đã nhận diện rõ nguyên nhân hạn chế và xác định các giải pháp khắc phục những bất cập thời gian qua.

Chính phủ chắc chắn sẽ có chiến lược tổng thể phòng chống dịch, đặc biệt thích ứng an toàn với mọi diễn biến mới của tình hình mới. Bên cạnh đó, vấn đề gì chưa cụ thể hóa thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 30 chắc chắn Chính phủ thì sẽ cụ thể hóa, thực thi mang lại hiệu quả tốt nhất để Nghị quyết có giá trị thực tiễn cao nhất, ông Phong trả lời.

Liên quan đến thực hiện Nghị quyết 30, như Báo Đầu tư đã thông tin, báo cáo của Chính phủ nêu một trong các hạn chế là các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát của dịch bệnh; nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành; một số văn bản chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi. Khi ban hành văn bản có phạm vi ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng, một số nơi chưa làm tốt việc đánh giá tác động, công tác truyền thông nên khó thực hiện; một số quy định mâu thuẫn, thay đổi nhanh, gây bức xúc trong xã hội (như quy định về giấy đi đường, lưu thông hàng hóa, hàng hóa thiết yếu...).

[Infographic] Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP: 23 tỉnh, thành phố công bố cấp độ dịch COVID-19
Đến 16/10/2021, đã có 13 tỉnh xác định cấp độ dịch là cấp 1 10 tỉnh, thành phố xác định cấp độ 2 các tỉnh, thành phố còn lại chưa công bố...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư