Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 01 năm 2025,
Cơ hội khắc phục bất cập tạo môi trường thuận lợi cho hộ kinh doanh
Lê Quân - 12/10/2023 16:38
 
Việc xây dựng Nghị định Hộ kinh doanh là cơ hội khắc phục những bất cập về khung pháp lý hiện nay, tạo môi trường thuận lợi hơn cho sự phát triển của hộ kinh doanh.

Ngày 12/10, tại TP.HCM, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo xin ý kiến đối với Dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh. Hiện nay, Dự thảo Nghị định đã hoàn thành và đang xin ý kiến các Bộ, ngành địa phương các chuyên gia trong nước, quốc tế và các đối tượng tác động của Nghị định.

Theo kế hoạch dự kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh trong tháng 12/2023.

Hộ kinh doanh gấp 2,5 lần số doanh nghiệp đang hoạt động

Phát biểu tại hội thảo, ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hộ kinh doanh là một nét đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là hình thức kinh doanh linh hoạt, đơn giản được đông đảo cá nhân, hộ gia đình ưa chuộng để khởi nghiệp.

Ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Quân

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trung bình một tháng, có 37.385 hộ kinh doanh thành lập mới, quy mô vốn đăng ký bình quân 330 triệu đồng/hộ. Hiện có khoảng 2,2 triệu hộ đăng ký kinh doanh đang hoạt động (gấp 2,5 lần số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế).

Ông Phùng Quốc Chí đánh giá, khu vực hộ kinh doanh hiện vẫn là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, có đóng góp đáng kể cho GDP. Thế nhưng, trong những năm qua hộ kinh doanh còn chưa được quan tâm đúng mức, còn một số điểm tồn tại hạn chế về pháp lý, chính sách hỗ trợ, sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng Nghị định Hộ kinh doanh nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để cá nhân, hộ gia đình thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Đồng thời, tiếp tục cải cách, hoàn thiện thêm một bước khung pháp lý về hộ kinh doanh để nâng cao chất lượng dịch vụ công, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký hộ kinh doanh, tạo sự thuận lợi cho người dân hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Hơn nữa, khi có Nghị định hộ kinh doanh sẽ quy định cụ thể, rõ ràng hơn về đăng ký hộ kinh doanh góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Khắc phục nhiều bất cập đối với hộ kinh doanh.

Trong Dự thảo Nghị định hộ kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 2 phương án quy định về đối tượng thành lập hộ kinh doanh.

Phương án 1: Đối tương thành lập hộ kinh doanh là cá nhân và thành viên hộ gia đình. Phương án 2: Đối tượng thành lập hộ kinh doanh chỉ là cá nhân.

Hai phương án này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đa phần đại biểu tham gia hội thảo ngày 12/10 đều nghiêng về phương án 1 vì phù hợp với tình hình hiện nay của Việt Nam.

Đại diện của Phòng Tài chính kế hoạch quận Phú Nhuận, TP.HCM đánh giá Dự thảo Nghị định hộ kinh doanh đã đưa ra các quy định khắc phục được những bất cập hiện nay đối với hộ kinh doanh. 

Nói về 2 phương án thành lập hộ kinh doanh, vị này cho biết phương án 1 sẽ phù hợp hơn với đặc thù kinh doanh hiện nay của Việt Nam. Góp ý cho dự thảo, vị này đề xuất đối với những hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu có thể cho hộ kinh doanh có sự lựa chọn có thể đăng ký hoặc có thể không.

Bởi vì nếu đăng ký thì hộ kinh doanh có thể được vay vốn ngân hàng, còn không đăng ký thì không được vay nên vấn đề này để cho người dân lựa chọn.

Đại biểu góp ý Dự thảo Nghị định hộ kinh doanh - Ảnh: Lê Quân

Đánh giá về mô hình hộ kinh doanh, ông Kevin Sergeant, chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết, các hộ kinh doanh chủ yếu dựa trên những hình thức văn hóa kinh doanh truyền thống ban đầu của Việt Nam và góp phần rất lớn vào việc duy trì ổn định kinh tế - xã hội trong vài thập kỷ qua.

Tuy nhiên, khung pháp lý hiện hành chưa chính thức công nhận họ là tổ chức kinh tế nên hộ kinh doanh còn thiếu sự quan tâm, hỗ trợ so với các loại hình doanh nghiệp khác. 

Nói về điểm mới trong dự thảo Nghị định hộ kinh doanh so với khung pháp lý hiện nay, ông Kevin Sergeant cho biết, trong Dự thảo một số lĩnh vực hộ kinh doanh được tiếp cận gồm tiếp cận tín dụng; tham gia đấu thầu công; các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ; ưu đãi giảm thuế giá trị gia tăng... "Nghị định sắp tới liên quan đến hộ kinh doanh là cơ hội khắc phục những bất cập về khung pháp lý hiện tại và tạo môi trường thuận lợi hơn cho sự phát triển của hộ kinh doanh" ông Kevin Sergeant đánh giá.

So sánh mô hình hộ kinh doanh ở Việt Nam và quốc tế ông Kevin Sergeant thấy rằng, Việt Nam gần như là quốc gia duy nhất trên thế giới đăng ký khu vực kinh tế hộ gia đình.  Hầu hết các quốc gia khác chỉ có mô hình doanh nghiệp cá thể. Ở các nước có thể có một số trường hợp các cửa hàng tạp hóa không hoạt động với tư cách là thương nhân đơn lẻ nhưng vẫn có giấy phép và họ hoạt động ở cấp địa phương.

Ông góp ý khi thực hiện Nghị định hộ gia đình cần đổi mới quy trình đăng ký kinh doanh, chế độ thuế đơn giản hơn, cần tiếp cận đào tạo khởi nghiệp, phát triển kỹ năng và các dịch vụ phát triển kinh doanh phù hợp cho hệ kinh doanh.

"Việc triển khai thành công mô hình hộ kinh doanh là cơ hội đầy hứa hẹn để giải quyết những tồn tại pháp lý và tạo môi trường thuận lợi hơn cho sự phát triển của khu vực này" ông Kevin Sergeant nhấn mạnh.

Thành lập hộ kinh doanh chỉ cần 1 bộ hồ sơ, nộp và nhận kết quả ở 1 nơi
Theo thủ tục liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế vừa có hiệu lực, các hộ kinh doanh sẽ nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư