Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 01 năm 2025,
Đại diện ILO: Cần cơ chế để hộ kinh doanh không mắc kẹt trong mô hình hiện tại
Nhung Bùi - 12/10/2023 09:00
 
Đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, hộ kinh doanh cần được quan tâm, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để tiếp tục phát triển.

Đây là lý do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xin ý kiến về dự thảo nghị định về hộ kinh doanh”. Trước đó, hồi tháng 9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố dự thảo chi tiết Nghị định về hộ kinh doanh, nhằm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, liên thông thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhấn mạnh, khu vực hộ kinh doanh đóng vai trò quan trọng, có đóng góp đáng kể cho tăng trưởng GDP.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh, hàng năm đóng góp khoảng 30% vào GDP và tạo ra hàng triệu việc làm cho xã hội.

“Việc xây dựng Nghị định nhằm mục đích tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để các cá nhân, hộ gia đình thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội”, ông Phùng Quốc Chí khẳng định.

Hội thảo “Xin ý kiến về dự thảo nghị định về hộ kinh doanh”.

Hộ kinh doanh là mô hình kinh tế đặc thù của Việt Nam

Ông Kevin Sergeant, chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết khung pháp lý hiện hành chưa chính thức công nhận hộ kinh doanh là tổ chức kinh tế. Hộ kinh doanh còn thiếu sự quan tâm, hỗ trợ so với các loại hình doanh nghiệp khác.

Ở Dự thảo Nghị định hộ kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, có 2 phương án quy định về đối tượng thành lập hộ kinh doanh được đưa ra để lấy ý kiến. Trong đó, Phương án 1: Đối tương thành lập hộ kinh doanh là cá nhân và thành viên hộ gia đình. Phương án 2: Đối tượng thành lập hộ kinh doanh chỉ là cá nhân. Đại diện ILO thiên về phương án 2 nhiều hơn.

“Nhiều Bộ, ngành ủng hộ phương án 1, nhưng vấn đề mà chúng ta cần giải đáp là làm thế nào để bắt các thành viên hộ gia đình cùng chịu trách nhiệm vô hạn với công việc và toàn bộ tài sản. Kể cả trong mô hình công ty hợp danh, còn phải chia rõ thành viên nào chịu trách nhiệm vô hạn và thành viên nào độc lập. Dù chọn phương án 1 hay 2 thì chúng ta phải định nghĩa rõ ràng ai chịu trách nhiệm vô hạn với đơn vị kinh doanh đó, là cá nhân hay toàn bộ thành viên hộ gia đình”, ông Kevin Sergeant khuyến nghị.

Đặc biệt, theo đại diện ILO, hộ kinh doanh là mô hình kinh tế đặc thủ chỉ riêng Việt Nam mới có. Tại các quốc gia như Mỹ, Brazil hay một quốc gia Đông Nam Á khác là Philippines, họ dùng mô hình doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp cá nhân. Đây là những hình thức kinh doanh đơn giản nhất, và chỉ dùng một chính sách thuế duy nhất gọi là "monotax" để đơn giản hóa quá trình vận hành của doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, tên gọi hay hình thức không quan trọng. Vấn đề là làm gì để có cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi thành phần này sang khu vực chính thức. Vì trong tương lai, hộ gia đình có thể phát triển thành quy mô lớn hơn như công ty hợp danh, công ty cổ phần… Phải làm sao để họ không mắc kẹt trong mô hình kinh doanh hiện tại mà có chính sách phát triển doanh nghiệp quy mô lớn hơn, tạo nhiều việc làm hơn cho nền kinh tế”, chuyên gia ILO Việt Nam chia sẻ.

Cần quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm

Về góc độ thuế, bà Tạ Thị Phương Lan (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, thuộc Tổng cục Thuế) cho biết, cơ quan thuế định danh theo một cá nhân chứ không theo hộ gia đình, tất cả quyền lợi và trách nhiệm cũng đều quy về cá nhân. Tuy nhiên, với các vấn đề về bảo hiểm, quyền lợi của người lao động, tiền lương, tiền công… các hộ nhận mình là hộ kinh doanh, không chia tiền lương, tiền công cụ thể nên từ chối thực hiện các nghĩa vụ bảo hiểm.

Hoặc trong quá trình phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp về quyền lợi, nghĩa vụ với cơ quan thuế, cả hộ gia đình lại chỉ về một cá nhân đại diện chứ không đồng ý cùng chịu trách nhiệm.

“Phương án 1 rất phù hợp với Việt Nam, quy mô hoạt động theo gia đình, nhưng trong Nghị định phải quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của hộ kinh doanh, cần làm rõ vấn đề bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động, tiền lương, tiền công”, bà Lan đề xuất. “Tránh trường hợp quyền lợi đòi như hộ gia đình nhưng trách nhiệm lại quy về cá nhân”.

Với vấn đề ngành nghề đăng ký kinh doanh, đại diện Tổng cục Thuế cho biết cơ quan quản lý áp dụng mức thuế suất riêng với từng ngành nghề. Bà đề xuất Nghị định cho các hộ gia đình đăng kỷ đủ nếu họ kinh doanh các lĩnh vực khác nhau, còn chỉ đăng ký kinh doanh với ngành nghề chính thì sẽ dần đến sai lệch.

Ngoài ra, bà Lan góp ý rằng, Dự thảo Nghị định không nên quy định mức doanh thu hàng năm cụ thể là 100 triệu đồng để xác định hộ gia đình thuộc đối tượng thu nhập thấp. Vấn đề này phía Tổng cục Thuế vẫn đang xem xét để điều chỉnh.

Bà cũng nhấn mạnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên liên thông với một số bộ ngành khác, cụ thể là Bộ Công thương, để quản lý các đối tượng kinh doanh thương mại điện tử hay kinh tế chia sẻ, các đối tượng, tổ chức cung cấp dịch vụ cho nền kinh tế đêm.

Về phía các đơn vị trực tiếp cấp đăng ký kinh doanh cho hộ gia đình, một số ý kiến đề xuất Dự thảo quy định rõ không cho đặt tên hộ kinh doanh khi có các cụm từ đặc thù như: trung tâm thương mại, siêu thị, bệnh viện, nhà thuốc, câu lạc bộ…Dự thảo cũng cần làm rõ nghĩa vụ của các hộ đã kinh doanh nhưng không thực hiện đăng ký kinh doanh, hay đăng ký kinh doanh nhưng lại không có mã số thuế.

Quy định mới về đăng ký hộ kinh doanh qua mạng có hiệu lực từ ngày 1/7/2023
Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, sửa đổi, bổ sung một số nội dung hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư