Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 12 năm 2024,
Có nên nhân rộng cách ly F1 tại nhà trên toàn quốc?
D.Ngân - 30/06/2021 17:30
 
Trong bối cảnh số lượng F1 quá lớn gây quá tải cho khu cách ly và mệt mỏi cho nhân viên y tế thì một giải pháp đang được tính tới là nhân rộng cách ly F1 tại nhà.

Mùa hè nóng bức, cách ly tập trung tại các cơ sở quá tải không những tạo áp lực cho nhân viên y tế mà bản thân những người cách ly cũng rất cực khổ.

Trong bối cảnh số lượng F1 quá lớn gây quá tải cho khu cách ly và mệt mỏi cho nhân viên y tế thì một giải pháp đang được tính tới là nhân rộng cách ly F1 tại nhà.

Với những địa phương dịch đang phức tạp thì việc cách ly tập trung F1 là nỗi lo lớn. Hiện TP.HCM, Bình Dương đang triển khai thí điểm cách ly tại nhà với F1. Trước đó, Bắc Giang, Bắc Ninh cũng thí điểm cách làm này.

Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho hay, thời gian tới, trên cơ sở đánh giá thí điểm cách ly F1 tại nhà ở TP.HCM, Bộ Y tế sẽ tổng kết những điểm vướng mắc, thiếu sót, chưa phù hợp thực tế để sửa đổi, bổ sung hướng dẫn và áp dụng chính thức.

Đồng thời, theo bà Hương, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để quyết định việc áp dụng hướng dẫn này trên phạm vi toàn quốc.

Ủng hộ việc cách ly F1 tại nhà khi đủ điều kiện, song bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia truyền nhiễm, cũng có thêm đề xuất, nếu trong nhà có người thân mang bệnh nền, nguy cơ mắc bệnh nặng thì F1 nên được chuyển đến nơi khác nếu có thể để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Về vấn đề chăm sóc sức khoẻ, bác sĩ Khanh cho rằng, F1 có thể tự theo dõi và liên hệ với cơ quan y tế để được hướng dẫn và tư vấn cụ thể.

"Đối tượng này sẽ đo nhiệt độ ở nhà 2 lần, khi có triệu chứng thì báo cáo cơ quan y tế, không cần thiết có nhân viên y tế tới khám mỗi ngày. Việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu có thể thì giao F1 tự test nhanh, nhân viên y tế sẽ làm xét nghiệm PCR để làm sao cho cơ sở y tế địa phương không quá nhiều việc”, bác sĩ Khanh đề xuất.  

Ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho hay, cần phải chia F1 ra thành 2 loại. Loại F1 có nguy cơ lây cao (tiếp xúc quá gần với F0, hoặc cùng lao động, sinh hoạt trong không gian khép kín với F0) và loại F1 có nguy cơ lây thấp hơn. 

Loại F1 có nguy cơ cao vẫn cần được đưa đi cách ly tập trung, còn loại F1 nguy cơ lây thấp có thể được cách ly tại nhà. F1 thuộc nguy cơ lây cao hay thấp sẽ do y tế địa phương đánh giá. "Dù cách ly tại nhà hay cách ly tập trung cũng phải đảm bảo những điều kiện mà Bộ Y tế đưa ra", ông Phu nhấn mạnh.

Khi cách ly F1 tại nhà, theo ông Phu, lực lượng giám sát những người cách ly tại nhà cũng cần có ý thức rất cao và lực lượng này do chính quyền địa phương điều phối. Lực lượng giám sát tại nhà có thể là người trong chính quyền địa phương, ở tổ Covid-19 cộng đồng, y tế địa phương, bộ đội, công an.

Theo ông Trần Đắc Phu, để nâng cao hiệu quả khi cách ly tại nhà, cần xử phạt thật nghiêm sai phạm. Theo đó, khi người được cách ly tại nhà không tuân thủ những quy định cách ly, có thể sẽ bị xử phạt theo pháp luật về vi phạm cách ly y tế về phòng chống dịch đã có từ trước.

Cho rằng yêu cầu mà Bộ Y tế đưa ra về điều kiện cơ sở vật chất khi cách ly tại nhà F1 là khó thực hiện tại các thành phố lớn, ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đề xuất nới lỏng quy định, chỉ cần F1 có phòng riêng khép kín, cam kết không vi phạm, lắp camera giám sát thì được ở nhà.

Đồng thời, theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, ngành Y tế cần mở rộng cho phép cách ly F1 tại nhà với các khu chung cư. Rủi ro lớn nhất ở chung cư là dễ lây nhiễm qua thang máy, điều hòa trung tâm. Vì vậy, với các chung cư có điều hòa trung tâm, sẽ không áp dụng biện pháp này. Còn lại, các hộ gia đình ở chung cư, có phòng riêng biệt, khép kín đều nên được cách ly tại nhà.

Là địa phương đã áp dụng thí điểm cách ly F1 tại nhà trọ, khu công nghiệp, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, để cách ly F1 tại nhà có hiệu quả, cần áp dụng công nghệ, như vòng đeo tay có định vị để giám sát. 

Ông Dương cũng cho hay, nếu F1 cách ly tại nhà ít, thì địa phương mới đủ lực lượng giám sát; khi số lượng quá nhiều, rất khó đủ người đáp ứng công việc này.

Được biết, từ đầu năm 2021, Bộ Y tế cho phép trẻ dưới 5 tuổi cách ly tại nhà riêng; trẻ dưới 15 tuổi cách ly tập trung 7 ngày, xét nghiệm 3 lần âm tính thì được về nhà.

Các yêu cầu với F1 cách ly tại nhà:

Là nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập).

Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19”.

Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế.

Cạnh phòng cách ly y tế phải có một phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe (bố trí bàn, ghế, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn, thùng đựng chất thải lây nhiễm, thùng đựng chất thải sinh hoạt).

Phòng cách ly phải đáp ứng các yêu cầu: Phải đảm bảo khép kín, có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn (sau đây gọi tắt là dung dịch sát khuẩn tay). Có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng;…

Bộ Y tế yêu cầu người cách ly tai nhà phải chấp hành nghiêm các quy định và thời gian cách ly y tế tại nhà; có cam kết với chính quyền địa phương: Không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác. Không tiếp xúc với động vật nuôi, Được bố trí suất ăn riêng;..
Luôn thực hiện Thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định;

Cài đặt, bật và khai báo y tế hàng ngày trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone trong suốt thời gian cách ly;

Tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và cập nhật hàng ngày trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone. Trường hợp không có điện thoại thông minh thì phải thông báo cho cán bộ y tế hàng ngày qua số điện thoại được cung cấp.

Đặc biệt khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải cập nhật ngay trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone và báo ngay cho cán bộ y tế. Trường hợp không thể tự đo thân nhiệt thì cán bộ y tế hoặc người chăm sóc, hỗ trợ (nếu có) sẽ đo cho người cách ly;

Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt với người khác;

Tự thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn nơi ở hàng ngày theo hướng dẫn: Hàng ngày bỏ khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng vào túi đựng chất thải, sau đó xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm ở trong phòng của người cách ly;

Các rác thải thông thường được bỏ vào thùng đựng rác thải sinh hoạt, buộc chặt miệng túi và đặt ra trước cửa phòng để thu gom hàng ngày;

Sau khi hết thời gian cách ly, phải thực hiện tiếp việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế người thuộc đối tượng F1 cách ly tại nhà phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 5 lần vào thời điểm ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly.

Thí điểm cách ly tập trung 7 ngày với người nhập cảnh tiêm đủ 2 mũi vắc-xin
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa đề xuất thí điểm cách ly tập trung 7 ngày với người nhập cảnh tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư