Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Cổ phiếu công nghệ ồ ạt lao dốc, chỉ số Hang Seng trôi sạch thành quả từ đầu năm 2021
Lê Quân - 26/07/2021 18:10
 
Chứng khoán Hong Kong khép lại ngày giao dịch đầu tuần 26/7 với cú trượt dốc hơn 4%, đồng nghĩa với việc mất sạch thành quả từ đầu năm đến nay.
Chỉ số Hang Seng đế mất hơn 4% trong ngày giao dịch 26/7. Ảnh: AFP
Chỉ số Hang Seng đế mất hơn 4% trong ngày giao dịch 26/7. Ảnh: AFP

Một lần nữa chỉ số Hang Seng của Hong Kong trôi sạch thành quả từ đầu năm đến nay khi kết thúc ngày giao dịch 26/7 với mức giảm sâu nhất khu vực là 4,13%, xuống còn 26.192,32 điểm.

Cổ phiếu của các công ty giáo dục và công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong ồ ạt lao dốc trước áp lực pháp lý. Trong khi đó, hội nghị cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ hôm 26/7 đã có một khởi đầu không mấy thuận lợi, tác động đến tâm lý của nhà đầu tư.

Đáng kể, cổ phiếu của "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc Tencent "bốc hơi" 7,72%, còn cổ phiếu Alibaba giảm 6,38% và cổ phiếu Meituan trượt đến 13,76%. Chỉ số Hang Seng Tech - nhóm cổ phiếu của 30 công ty công nghệ lớn nhất niêm yết tại Hong Kong - lao dốc 6,57% xuống còn 6.790,96 điểm.

Các cổ phiếu công nghệ trượt dài trên sàn Hong Kong sau khi Cơ quan quản lý chống độc quyền của Trung Quốc yêu cầu Tencent từ bỏ quyền cấp phép âm nhạc độc quyền của mình, đồng thời phạt tiền đối với hành vi chống cạnh tranh. Động thái này đánh dấu một bước phát triển khác trong cuộc chỉnh đốn của Bắc Kinh đối với những công ty công nghệ internet lớn trong nước.

Cổ phiếu của các công ty giáo dục tư nhân niêm yết tại Hong Kong cũng trượt dốc do chính quyền Trung Quốc tăng cường các hạn chế đối với lĩnh vực này. Cổ phiếu của New Oriental Education & Technology Group, Koolearn Technology, và China Beststudy Education Group đều "bay hơi" hơn 30%.

Nhiều thị trường chứng khoán lớn khác tại châu Á - Thái Bình Dương hôm nay đều đóng cửa ngập sắc đỏ.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục đóng cửa giảm mạnh khi căng thẳng với Mỹ gia tăng. Chỉ số Shanghai Composite rớt 2,34% xuống 3.467,44 điểm, còn chỉ số Shenzhen Component giảm tới 2,646% xuống 14.630,85 điểm.

Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh có thể đã đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư, khi cuộc gặp cấp cao giữa hai siêu cường kinh tế đã có một khởi đầu không mấy thuận lợi.

Đài CNBC dẫn thông cáo báo chí bằng tiếng Anh từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nêu trong cuộc hội đàm hôm 26/7 với người đồng cấp Mỹ rằng mối quan hệ giữa hai nước "đang đi vào bế tắc và đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng".

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi đóng cửa giảm 0,91% còn 3.224,95 điểm, trong khi chỉ số S&P/ASX 200 của Australia kết thúc ngày giao dịch đi ngang với 7.394,30 điểm.

Trở lại giao dịch sau 2 ngày nghỉ lễ trong tuần trước, chứng khoán Nhật Bản hôm nay ngược sóng với khu vực. Chỉ số Nikkei 225 tăng 1,04% trong ngày lên 27.833,29 điểm, còn chỉ số Topix đóng cửa tăng 1,11% lên 1.925,62 điểm. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm tới 2,15%.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại châu Á đang ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của nhà đầu tư. Hãng thông tin Yonhap đưa tin, Hàn Quốc sẽ áp dụng các biện pháp chống dịch ở cấp độ nghiêm ngặt thứ hai đối với các khu vực ngoài thủ đô Seoul từ ngày mai 27/7. Trong khi đó, tại Nhật Bản, số ca mắc Covid-19 hàng ngày của Tokyo đều đã vượt mốc 1.000 người trong 6 ngày liên tiếp, theo Kyodo News.

Indonesia hôm 25/7 cũng đã kéo dài áp dụng các biện pháp chống dịch thêm một tuần. Cùng với nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, Indonesia cũng đang phải vật lộn với sự bùng phát trở lại của Covid-19.

Thị trường chứng khoán Mỹ cuối tuần trước chứng kiến cả 3 chỉ số chính đều đóng cửa với mức điểm kỷ lục. Theo đó, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones lần đầu tiên vượt mốc 35.000 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 1,01% lên 4.411,79 và chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,04% lên 14.836,99 điểm.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác nhích nhẹ lên 92,864, từ mức 92,8 thiết lập gần đây. Đồng yên Nhật trượt giá và giao dịch ở mức 110,18 JPY đổi 1 USD, so với mức 110 JPY/USD ghi nhận tuần trước. Trái lại, đồng đô la Australia mạnh lên và trao tay 1 AUD "ăn" 0,7335 USD, từ mức 1 AUD đổi 0,732 USD trong tuần trước.

Giá dầu giao dịch theo giờ châu Á chiều nay sụt giảm. Dầu thô Brent giao kỳ hạn trượt giá 1,67% còn 72,86 USD/thùng, trong khi dầu thô giao sau của Mỹ rớt giá gần 1,9% xuống 70,71 USD/thùng.

Chứng khoán châu Á ngụp lặn khi lạm phát Mỹ tăng nóng
Sắc đỏ chi phối các thị trường chứng khoán lớn ở châu Á - Thái Bình Dương trong ngày giao dịch 14/7 sau thông tin lạm phát Mỹ tăng vọt.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư