Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc trượt dài trên sàn Hong Kong
Lê Quân - 05/07/2021 20:49
 
Các chỉ số chứng khoán lớn của châu Á - Thái Bình Dương biến động trái chiều trong ngày giao dịch đầu tuần 5/7 khi thị trường đang dõi theo "nhất cử nhất động" của OPEC và các đồng minh.
Trụ sở Tencent tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Trụ sở Tencent tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Cổ phiếu của các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong hôm nay đóng cửa ngập sắc đỏ sau khi Trung Quốc hạ lệnh ngừng cung cấp ứng dụng gọi xe Didi do Tập đoàn công nghệ Nhật bản SoftBank hậu thuẫn.

Trong đó, cổ phiếu Tencent trượt dốc 3,57% còn cổ phiếu Alibaba và Meituan lần lượt để mất 2,83% và 5,59%. Chỉ số Hang Seng Tech của thị trường Hong Kong rớt 2,28% còn 7.712,19 điểm.

Trong một diễn biến khác, cổ phiếu của Tập đoàn SoftBank hôm nay cũng lao dốc 5,39%.

Theo đài CNBC, cổ phiếu công nghệ trượt sâu sau khi cơ quan chức năng Trung Quốc khẳng định Didi đã thu thập bất hợp pháp dữ liệu cá nhân của người dùng; đồng thời yêu cầu các kho ứng dụng ngừng cung cấp ứng dụng Didi. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi siêu ứng dụng gọi xe này thực hiện thành công niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên Sàn chứng khoán New York.

"Không còn tải được ứng dụng Didi ở Trung Quốc, nhưng những người dùng đã tải xuống và cài đặt ứng dụng trên điện thoại của họ trước khi có lệnh gỡ xuống, thì vẫn có thể tiếp tục sử dụng", Didi nêu trong thông cáo hôm 4/7. Trước đó, Didi phát đi thông báo rằng họ đã tạm ngừng tiếp nhận đăng ký người dùng mới ở thị trường Trung Quốc.

Thị trường Hong Kong hôm nay đóng cửa "đỏ sàn" với chỉ số Hang Seng giảm 0,59% xuống 28.143,50 điểm.

Trái lại, chứng khoán Trung Quốc đại lục đón sắc xanh với cả hai chỉ số chính đều tăng điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 0,44% lên 3.534,32 điểm, còn chỉ Shenzhen Component nhích 0,327% lên mức 14.718,66.

Kết quả cuộc khảo sát tư nhân về hoạt động ngành dịch vụ của Trung Quốc cho thấy đà tăng trưởng của ngành này trong tháng 6 đã giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong 14 tháng qua. Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit ngành dịch vụ của Trung Quốc chỉ đạt 50,3 điểm trong tháng 6, giảm đáng kể so với mức 55,1 trong tháng 5. Tuy nhiên, chỉ số PMI trên 50 điểm cho thấy ngành/lĩnh vực được khảo sát vẫn có sự tăng trưởng trong kỳ khảo sát.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 trượt 0,64% xuống còn 28.598,19 điểm còn chỉ số Topix rớt 0,37% xuống 1.948,99 điểm. Ngược lại, thị trường Hàn Quốc ghi nhận chỉ số Kospi đóng cửa tăng 0,35% lên 3.293,21 điểm.

Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 đóng cửa tăng nhẹ lên 7.315 điểm. Dữ liệu Cục Thống kê Australia công bố hôm nay cho thấy, doanh số bán lẻ trong tháng 5 của nước này tăng 0,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,1% được dự báo sơ bộ trước đó.

Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) vẫn tăng 0,11%.

Dầu mỏ giao dịch theo giờ châu Á chiều nay nhích nhẹ, sau mức tăng từ cuối tuần trước khi các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi tắt là OPEC+) không đạt được thỏa thuận sản lượng trong cuộc họp.

Tiếp đà tăng lên 74,40 USD/thùng cuối tuần trước, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn chiều nay nhích nhẹ lên 76,20 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô giao sau của Mỹ tăng khoảng 0,1% lên 75,23 USD/thùng sau khi đạt mức 72,80 USD/thùng vào tuần trước.

Sau cuộc họp thất bại cuối tuần trước, OPEC+ sẽ có cuộc họp tiếp theo vào ngày 5/7. Tất cả các thành viên OPEC+, ngoại trừ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đã đồng ý nới lỏng việc cắt giảm sản lượng và kéo dài chính sách này đến cuối năm sau, Reuters dẫn một nguồn OPEC+ cho biết.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tiếp tục trượt về mức 92,177, sau khi giảm về 92,4. Đồng yên Nhật lên giá và giao dịch ở mức 110,84 JPY "ăn" 1 USD, so với mức trên 111,2 JPY/USD vào cuối tuần trước. Tương tự, đồng đô la Australia cũng mạnh lên và trao tay 1 AUD đổi 0,7535 USD sau khi phục hồi về mức 1 AUD/0,748 USD trong tuần trước.

Cổ phiếu công nghệ rớt điểm khi Mỹ "chốt" 59 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen
Cổ phiếu của các "ông lớn" công nghệ châu Á đồng loạt trượt giá trong ngày giao dịch 4/6 sau khi Mỹ đưa 59 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư