Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Cổ phiếu ngành nước - hàng tốt “ở ẩn”
Kỳ Thành - 29/08/2019 13:22
 
Là ngành thiết yếu và có những yếu tố mang tính độc quyền, nhưng phải đến gần đây, cổ phiếu ngành nước mới nhận được sự quan tâm đúng mức của thị trường, trong khi các nhà đầu tư tổ chức đã “cất giữ” từ lâu.
.
CanThoWassco hiện có 3 nhà máy nước trực thuộc và 7 nhà máy nước thuộc các công ty con, với tổng tài sản tại thời điểm ngày 30/6/2019 là 856,44 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 399,8 tỷ đồng. 

Hàng tốt, nhưng thanh khoản thấp

Phiên đấu giá 3,64 triệu cổ phần CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ (CTW - UPCoM) - CanThoWassco diễn ra khá lặng lẽ, khi không có nhiều tin tức phản ánh sự kiện này, nhưng kết quả đấu giá lại phản ánh nhiều điều thú vị.

Với việc giá đấu thành công ở mức bình quân 14.100 đồng/cổ phần, tức là cao hơn giá khởi điểm 100 đồng, chỉ 2 trong tổng số 3 nhà đầu tư tham gia đấu giá trở thành chủ sở hữu của sổ cổ phần nói trên. Trong khi đó, từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8/2019, cổ phiếu CTW không có thanh khoản, giá duy trì ở mức 9.000 đồng/cổ phiếu và đạt mốc cao nhất 12.900 đồng/cổ phiếu vào ngày diễn ra phiên đấu giá (19/8).

Số cổ phần đem đấu giá nói trên tương đương 13% vốn điều lệ của CanThoWassco, trước đó thuộc sở hữu của UBND TP. Cần Thơ. Sau đợt bán vốn này, UBND TP. Cần Thơ vẫn sở hữu 51% vốn tại CanThoWassco.

Theo Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch đạt 90 - 95%, giảm thiểu lượng nước thải sinh hoạt đô thị chưa qua xử lý trước khi xả ra môi trường xuống còn 80 - 85%. Đến năm 2025, tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95 - 100%; giảm thiểu lượng nước thải sinh hoạt đô thị chưa qua xử lý trước khi xả ra môi trường xuống còn 70%.

Câu hỏi đặt ra là, điều gì khiến 2 nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra 51,3 tỷ đồng để thâu tóm số cổ phần nói trên với giá cao hơn thị giá?

Ngoài việc không thể mua số cổ phần trên ở sàn giao dịch bởi CTW gần như không có thanh khoản, thì nguyên nhân đáng nhắc tới là sự quan tâm nhiều hơn của nhà đầu tư đối với các cổ phiếu ngành nước thời gian gần đây.

CanThoWassco hiện có 3 nhà máy nước trực thuộc và 7 nhà máy nước thuộc các công ty con, với tổng tài sản tại thời điểm ngày 30/6/2019 là 856,44 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 399,8 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, CanThoWassco đạt doanh thu 150 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 27,2 tỷ đồng, tăng lần lượt 37% và 31% so với cùng kỳ năm 2018.

Không chỉ riêng CanThoWassco, mà đa số doanh nghiệp ngành nước ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế khả quan trong nửa đầu năm 2019. Chẳng hạn, doanh thu của CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM - HoSE) tăng 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế tăng 22,8%, đạt 70,8 tỷ đồng. Hay CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (BWE - HoSE) đạt doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 lên tới 1.133 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 207,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 102% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia phân tích chứng khoán, ngành nước là ngành thiết yếu, kinh doanh ổn định, khả năng sinh lời tốt, cơ cấu vốn an toàn, chỉ số định giá tương đối hấp dẫn, dòng tiền hoạt động kinh doanh và tỷ lệ tài sản tiền mặt dồi dào giúp duy trì chính sách cổ tức tiền mặt đều đặn… Do đó, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này thường có xu hướng sở hữu dài hạn, dẫn tới thanh khoản thấp.

Nhà đầu tư nhỏ lẻ còn cơ hội?

Các nhà đầu tư tổ chức đã sớm nhìn ra tiềm năng của cổ phiếu ngành nước. Một vài cái tên có thể kể đến là Nhựa Đồng Nai, CTCP Cơ Điện Lạnh (REE Corp) hay “đại gia” ngành điện Gelex.

Thông qua công ty con là DNP Water, Nhựa Đồng Nai hiện sở hữu hơn chục công ty nước dưới dạng công ty con, liên kết, đầu tư tài chính…, như CTCP Bình Hiệp, Nhà máy Nước Đồng Tâm, CTCP Cấp thoát nước các tỉnh Long An, Cần Thơ, Tây Ninh, Cà Mau, Bắc Giang…

Với REE, ngành nước cũng đang là một trụ cột đầu tư với 1 công ty con, 7 công ty liên kết và nhiều khoản đầu tư dài hạn khác tại các công ty Cấp nước Thủ Đức, Cấp nước Gia Định, Cấp nước Nhà Bè…

Trong khi đó, Gelex, với chiến lược đầu tư đa ngành, đã lấn sân sang ngành nước với khoản đầu tư trên 50% vốn tại Nước sạch Sông Đà (Viwasupco).

TS. Fank Pogade, Trưởng Văn phòng đại diện Việt Nam của Tilia GmbH cho rằng, Nghị định 80/2014/NĐ-CP về xử lý nước thải của Chính phủ Việt Nam là động lực để mở cửa và tạo cơ hội cho ngành nước đột phá. Nghị định này là cơ sở, tiêu chí cho các địa phương đầu tư, phát triển ngành nước.

Dự án Nhà máy nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè: Khó hẹn ngày về đích
Dự án xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè tiếp tục bị chậm trễ khi lại vấp phải kiến nghị về việc chấm thầu gói thầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư