Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Cổ phiếu thép, dầu khí dậy sóng, thanh khoản thị trường tiếp tục phá kỷ lục
Thanh Thủy - 04/06/2021 18:23
 
Hơn 1,33 tỷ đơn vị cổ phiếu được chuyển nhượng trong phiên 4/6 với giá trị xấp xỉ 38.586 tỷ đồng. Thanh khoản trên ba sàn liên tục xô đổ các kỷ lục vừa thiết lập.

VN-Index tăng phiên thứ 6 liên tiếp lên 1,374,05 điểm

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/6, VN-Index là chỉ số duy nhất vẫn duy trì sắc xanh. Chỉ số sàn HNX và UPCoM quay đầu giảm điểm.

Đây đã là phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp của VN-Index nhưng trạng thái giằng co xuất hiện khá rõ ở thời điểm cuối phiên sáng. Số lượng mã chứng khoán giảm điểm vượt lên áp đảo. Sự phục hồi mạnh mẽ sau đó đã giúp chỉ số này tăng 9,77 điểm (+0,72%) lên xác lập kỷ lục mới 1,374,05 điểm. VN30-Index cũng tăng 3,98 điểm lên 1.508,35 điểm với lượng mã tăng/giảm ngang ngửa nhau.

Trong khi đó HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt giảm 0,06% và 0,08% - mức điều chỉnh khá nhẹ sau chuỗi phiên tăng điểm rất mạnh gần đây.

Cổ phiếu của Vingroup - doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất trên sàn tăng 2,11% và là đầu tàu kéo VN-Index. Ở chiều ngược lại, VCB lại là cổ phiếu “dìm” chỉ số. Trên sàn HNX, hai cổ phiếu ngân hàng gồm BAB và NVB tiếp tục điều chỉnh cũng là các yếu tố dẫn dắt đà giảm của chỉ số.

Dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn rất mạnh nhưng đã có sự phân hóa với phân nửa cổ phiếu quay đầu giảm giá. Một số cổ phiếu chứng khoán cũng điều chỉnh sau phiên tăng hôm qua, gồm nhiều ông lớn như SSI, HCM, VND, MBS… Tuy nhiên, vẫn có nhiều cổ phiếu dòng này giữ được đà tăng như PSI tăng 9,43%, CTS tăng 6,43%...

Trái lại, hôm nay lại là phiên giao dịch thăng hoa của cổ phiếu dầu khí. Giá dầu thế giới tăng mạnh, trong đó dầu Brent lần đầu tiến sát mốc 72 USD/thùng sau 3 năm. PVC, PVD và PVS tăng kịch biên độ và không còn dư bên bán. Cổ phiếu của ông lớn ngành dầu khí PV Gas cũng tăng 3,5%, qua đó nâng vốn hóa thị trường lên 174.935 tỷ đồng. Tổng công ty này đang thu hẹp khoảng cách với VPBank, tổ chức cũng vừa mới vượt qua PV Gas để giữ vị trí thứ 9 về vốn hóa.

Giá nguyên liệu thép đang nhích tăng trở lại sau khi rơi sâu hôm 27/5. Điều này cũng giúp các cổ phiếu thép ghi nhận phiên giao dịch tích cực, như SMC tăng 5%, HSG tăng 3,6%... HPG tăng nhẹ 0,4%.

Thanh khoản lập kỷ lục mới, khối ngoại bán ròng 1.511 tỷ đồng

Ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần đầu tháng 6, sàn HoSE tiếp tục phá kỷ lục về giá trị giao dịch. Biện pháp hạn chế tính năng hủy/sửa lệnh do các công ty chứng khoán áp dụng lên khách hàng đang cho thấy hiệu quả. Số lượng lệnh đặt giảm đã giúp khả năng hấp thụ dòng tiền của sàn HoSE tăng vọt, đạt 31.308 tỷ đồng hôm nay.

Giá trị giao dịch trên cả ba sàn lần đầu đạt 38.586 tỷ đồng, tương đương 1,67 tỷ USD. Số lượng các mã chứng khoán giao dịch trên nghìn tỷ đồng không lớn như hôm qua nhưng lại vọt tăng mạnh ở cổ phiếu VPB. Có tới 76,6 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 5.376 tỷ đồng đã được sang tay hôm nay.

Tuy nhiên, cùng với việc các kỷ lục thanh khoản liên tục bị xô đổ, xu thế bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài cũng đã diễn ra trong thời gian dài. Tính riêng sàn HoSE, các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân mới 1.658 tỷ đồng nhưng lại bán thu về tới 3.146 tỷ đồng trong phiên. Giá trị bán ròng trên ba sàn đạt 1.511 tỷ đồng.

Khác với vài phiên trước, HPG không phải là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất hôm nay với giá trị bán đã giảm xuống còn 428 tỷ đồng. MBB tạm thay HPG ở vị trí quán quân này với giá trị bán ròng gần 510 tỷ đồng. Toàn sàn có tới 7 mã chứng khoán bị khối ngoại bán ròng trên 50 tỷ đồng, trong khi chỉ có 4 cổ phiếu được giải ngân mạnh trên 50 tỷ đồng.

Bảng điện tử HoSE giật cục, "lag" từ đầu phiên sáng

Sau khi dừng giao dịch phiên chiều 1/6, bảng điện tử sàn HoSE liên tục hiển thị bất thường trong suốt ba ngày gần đây. Từ 10h đến hết phiên sáng hôm qua, chỉ số và thanh khoản bất ngờ không được ghi lại trên bảng điện. Đến sáng nay, hiện tượng giật cục bất thường vẫn tiếp diễn. Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về tình trạng lệnh đặt vào chậm ngay từ đầu phiên.

Ngoài thông báo dừng giao dịch phiên chiều 1/6 để đảm bảo an toàn hệ thống sau khi thanh khoản thị trường tăng lên đột biến sáng cùng ngày và thông báo giao dịch trở lại bình thường từ 2/6 phát đi buổi chiều, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM chưa có thông báo chính thức thêm tới các nhà đầu tư.

Bảng điện sàn HoSe vẫn khúc khuỷu bất thường
Bảng điện sàn HoSe bất thường từ sau phiên 1/6

Giới đầu tư hiện kỳ vọng vào dự án do FPT và sàn HoSE phối hợp để giải quyết tình trạng quá tải hệ thống đã diễn ra dai dẳng nửa năm qua. Theo cập nhật của FPT hôm 1/6, giai đoạn Kkểm thử diện hẹp của dự án đã hoàn tất từ 16/4 đến 22/5. Tính đến thời điểm kết thúc giai đoạn kiểm thử diện hẹp, hệ thống đã đáp ứng các yêu cầu đặt ra với kết quả khả quan. Việc thử nghiệm với 20 công ty chứng khoán đã phủ đến 80% các tình huống kỹ thuật, nghiệp vụ có thể xảy ra.

Dự án đã chuyển sang giai đoạn kiểm thử toàn thị trường với tất cả các công ty chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, Sở GDCK Hà Nội, và đơn vị nhận dữ liệu thị trường từ 24/05/2021 và dự kiến hoàn thành vào 25/06/2021. FPT cho biết kết quả giai đoạn kiểm thử toàn thị trường sẽ là cơ sở đánh giá hệ thống sẵn sàng đưa vào sử dụng chính thức.

Hiệu ứng dây chuyền từ nghẽn lệnh: Đừng để xói mòn niềm tin nhà đầu tư
Sự cố nghẽn lệnh trên sàn HoSE đã kéo dài nửa năm. Nhà đầu tư "cắn răng" chịu đựng, còn thị trường chứng khoán bỏ lỡ cơ hội thăng hạng....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư