Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cổ phiếu vua nổi sóng, chứng khoán Việt khởi sắc trước thềm Giáng sinh
Thanh Thủy - 24/12/2021 17:23
 
Cổ phiếu dòng ngân hàng bứt phá trở thành động lực chính đưa VN-Index tăng mạnh phiên 24/12.

Khi “nhà vua” lên tiếng

Với tỷ trọng trong tổng vốn hóa toàn thị trường đạt hơn 30%, dòng cổ phiếu ngân hàng là nhóm có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường. Sau nhiều phiên điều chỉnh và chỉ lình xình đi ngang, dòng ngân hàng trở lại bứt phá trong phiên giao dịch ngày 24/12 khép lại tuần giao dịch gần cuối cùng của năm 2021.

Có tới 4 cổ phiếu nhà băng tăng kịch biên độ gồm EIB (+6,85%), HDB (+6,89%), SHB (+6,97%) và TPB (+6,95%). Đa phần các cổ phiếu khác trong dòng này đều tăng trên 2%. Vietcombank - “anh cả” về vốn hóa trong ngành đã tăng 2,61% lên 78.500 đồng/cổ phiếu.

Nếu tính trên số lượng cổ phiếu là phần cổ tức mà nhà đầu tư đã chốt quyền được nhận hồi giữa tuần, quy mô vốn hóa thị trường của Vietcombank đã xấp xỉ 371.503 tỷ đồng, vượt qua Vingroup và Vinhomes để trở thành tổ chức có vốn hóa lớn nhất thị trường. Tuy nhiên, thường sẽ mất khoảng hai tháng để cổ phiếu mới thực sự về tài khoản của cổ đông. Tuy vậy, như nhiều cổ phiếu ngân hàng khác, vốn hóa của Vietcombank vẫn còn cách xa mức đỉnh cũ.

Sự trở lại của cổ phiếu "nhà vua" là động lực lớn trong phiên tăng mạnh này. 8/10 cổ phiếu tác động tích cực đến VN-Index đều là cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, VPB với mức tăng 5,71% là đầu tàu kéo chỉ số tăng. Ngoài ra, còn có VCB, TCB, SSB, SHB, HDB, CTG, MBB. Cổ phiếu BAB của BacABank cũng là nhân tố tác động tích cực nhấn đến chỉ số sàn HNX.

Dù có giai đoạn giằng co ở cuối phiên sáng và đầu phiên chiều, cả ba chỉ số đều đóng cửa tăng mạnh. Riêng UPCoM-Index đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 20,07 điểm (1,38%) lên 1.477,03 điểm. HNX-Index tăng 3 điểm (0,68%) lên 445,61 điểm. UPCoM-Index tăng 0,67 điểm (0,61%) lên 110,2 điểm.

VN-Index lấy lại gần hết những gì đã mất trong phiên rơi sâu 23/12
VN-Index lấy lại gần hết những gì đã mất trong phiên rơi sâu 23/12

Trái với phiên giao dịch tiêu cực ngược chiều xu hướng tăng áp đảo của nhiều thị trường hôm qua, chỉ số đại diện chứng khoán Việt Nam nằm trong số các thị trường tăng điểm tích cực nhất châu Á hôm nay. VN-Index lấy lại gần như toàn bộ những gì đã mất.

Đi lên trong nghi ngờ, dòng ngân hàng chưa hút dòng tiền lớn

Tuy nhiên, sự trở lại này vẫn mang nhiều hoài nghi. Thanh khoản không sôi động như phiên rơi sâu hôm qua. Giá trị giao dịch trên ba sàn chỉ đạt 30.791 tỷ đồng, trong đó giao dịch riêng sàn HoSE đạt 25.384 tỷ đồng – mức thấp nhất kể từ phiên giao dịch 11/12/2021. Ngay ở nhóm cổ phiếu ghi nhận sự tăng điểm tích cực là cổ phiếu ngân hàng, giao dịch khá trầm, trừ cổ phiếu EIB. Hai phiên gần đây, cổ phiếu này đều tăng kịch trần và lần lượt giao dịch 4 triệu cổ phiếu hôm 23/12 và 3,5 triệu cổ phiếu hôm 24/12, gấp 4-5 lần khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên liên trước.

Toàn sàn chỉ có hai cổ phiếu đạt mức giao dịch trên nghìn tỷ đồng, gồm MSN và POW. Thanh khoản POW tăng vọt bất thường lên gần 1.200 tỷ đồng khi cổ phiếu này rơi sàn. Trước đó, POW là một hiện tượng trong nhóm VN30 khi tăng giá tới trên 40% trong 3 tháng. Động thái chốt lời diễn ra khi thông tin từ buổi gặp mặt nhà đầu tư gần đây của PV Power cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Công ty ước đạt gần 2.200 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng, quý 4 năm nay POW sẽ lỗ trước thuế 124 tỷ đồng do các chi phí bảo dưỡng sửa chữa và sự cố kỹ thuật của Vũng Áng. Đây cũng là lần đầu tiên POW có quý thua lỗ từ khi lên sàn chứng khoán.

Cùng đó, một cổ phiếu đã tăng trần liên tiếp 4 phiên cũng đã “đổ gục” sau lệnh đăng ký bán của người nội bộ. Sau thông tin ông Đào Phúc Trí - CEO Tập đoàn Yeah1 đăng ký bán 1,15 triệu cổ phiếu, YEG đã giảm sàn về còn 22.150 đồng/cổ phiếu.

Khối ngoại tiếp tục bán mạnh cổ phiếu CEO, thu về 175 tỷ đồng. Giá trị bán ròng đã giảm so với các phiên trước đó. Áp lực cung từ khối ngoại giảm bớt, cổ phiếu CEO cũng không còn giảm sàn. Nếu không tính giao dịch tại CEO, khối ngoại đã có một phiên trở lại mua ròng. Giá trị bán ròng của nhóm này trên toàn thị trường xấp xỉ 151,5 tỷ đồng.

Ngoài CEO, khối ngoại cũng giao dịch mạnh ở cổ phiếu HPG (bán ròng 143 tỷ đồng), MSN (bán ròng 74 tỷ đồng), VHM (mua ròng 108 tỷ đồng) hay VRE, VIC đều được mua ròng trên 50 tỷ đồng.

M&A khối công ty chứng khoán: Sự trỗi dậy của nhà đầu tư nội
Sự sôi động của thị trường đang khiến chứng khoán trở thành miếng bánh đầy hấp dẫn với nhà đầu tư. Trong đó, nổi lên vai trò của các tổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư