Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 28 tháng 01 năm 2025,
M&A khối công ty chứng khoán: Sự trỗi dậy của nhà đầu tư nội
Thanh Thủy - 09/12/2021 08:12
 
Sự sôi động của thị trường đang khiến chứng khoán trở thành miếng bánh đầy hấp dẫn với nhà đầu tư. Trong đó, nổi lên vai trò của các tổ chức trong nước.

Nối lại những đứt gãy

Gần một năm rưỡi kể từ lần đầu tiên công bố kế hoạch chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược và cũng sau nhiều chờ đợi của cổ đông trước làn sóng tăng vốn ồ ạt của các công ty chứng khoán khác, kế hoạch phát hành của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cuối cùng đã có những bước tiến mới.

Theo tờ trình gửi cổ đông của BSC, đối tác chiến lược được xem xét và đang trong quá trình đàm phán là Hana Financial Investment. Nếu được cổ đông thông qua, BSC sẽ chào bán riêng lẻ tối đa 65,73 triệu cổ phiếu, tương đương 54,07% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành với thời gian hạn chế chuyển nhượng 3 năm. Hana Financial Investment có thể nâng sở hữu tại BSC lên 35%.

Một bước tiến lớn từ giai đoạn “trao đổi, thu thập thông tin, tìm kiếm cổ đông chiến lược” sang hoàn tất xác định nhà đầu tư và lượng cổ phần chào bán. Hana Financial Investment cũng không phải đối tác xa lạ, bởi đây là đơn vị thành viên của Hana Financial Group - định chế tài chính Hàn Quốc sở hữu KEB Hana Bank, cổ đông chiến lược đang nắm 15% vốn BIDV (công ty mẹ của BSC).

Ngoài BSC, thông tin chia sẻ từ người đứng đầu Ngân hàng TMCP Á Châu - công ty mẹ đang sở hữu 100% vốn Công ty Chứng khoán ACBS - hồi đầu năm cũng bỏ ngỏ khả năng công ty chứng khoán này tìm kiếm đối tác chiến lược để tối ưu vốn cổ đông. Đến nay, kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ đã hoàn tất, song vẫn chưa có thêm thông tin mới liên quan cổ đông chiến lược.

Tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược không chỉ nhắm đến nguồn lực tài chính, mà còn hướng đến kinh nghiệm, mạng lưới khách hàng của đối tác. Từ phía nhà đầu tư, quyết định các khoản đầu tư lớn, nhưng chưa đủ tỷ lệ sở hữu chi phối càng đòi hỏi quá trình thẩm định chuyên sâu (due diligence) cẩn trọng. Ảnh hưởng của Covid -19 cũng phần nào gây ra sự “đứt gãy” trong kết nối thông tin, nhất là khi đối tác quan tâm lại là nhà đầu tư nước ngoài.

Sự trỗi dậy của nhà đầu tư trong nước

Ngoài hình thức đối tác chiến lược, nhiều năm gần đây, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chứng khoán còn thông qua các thương vụ thâu tóm 100% vốn. Sự hạn chế trong việc cấp phép thành lập khiến các công ty chứng khoán trở thành mục tiêu được nhắm đến, nhất là nhóm công ty “bé hạt tiêu”.

Từ cuối năm 2017, Công ty cổ phần Chứng khoán Maritime (MSI) đã trở thành thành viên của Tập đoàn tài chính KB Hàn Quốc và đổi tên thành KBSV. Yuanta cũng đã tiến hành mua lại và sở hữu 100% Chứng khoán Đệ Nhất. Năm 2019, Hanwha Investment & Securities hoàn tất thâu tóm Công ty chứng khoán HFT và đổi tên thành Chứng khoán Pinetree. Tập đoàn tài chính JB từ Nhật Bản mua lại Chứng khoán Morgan Stanley Hướng Việt vào tháng 4/2020 và đổi tên thành Công ty Chứng khoán JB Việt Nam.

Làn sóng này lắng lại khi dịch Covid-19 ập đến. Tuy nhiên, thay chân khối ngoại lại là sự trỗi dậy của các nhà đầu tư nội với hàng loạt thương vụ “thay tên, đổi chủ”.

Điều này không khó hiểu bởi thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận bước nhảy về chất với giá trị giao dịch mỗi phiên vọt lên hàng chục ngàn tỷ đồng. Chứng khoán trở thành “miếng bánh” hấp dẫn mà nhiều nhà đầu tư muốn tham gia để trở thành một thành viên thị trường.

Gần nhất, vào cuối tháng 11/2021, Tập đoàn KS Finance (công ty do ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Sunshine Group nắm giữ trên 54% vốn đang niêm yết trên sàn HNX với mã KSF) đã nhận chuyển nhượng 50,99% vốn điều lệ của Chứng khoán KS. Sự chuẩn bị đã diễn ra từ trước đó với loạt cổ đông mới xuất hiện và động thái đổi tên công ty từ cuối năm 2020.

Tương tự, Chứng khoán Đà Nẵng (DNSC) cũng tiến hành đổi chủ từ cuối năm 2020 khi xuất hiện 3 cổ đông cá nhân lớn nắm giữ 75% vốn. Sau các đợt tăng vốn và chuyển nhượng giữa các cổ đông, Công ty Đầu tư NTP đã trở thành công ty mẹ sở hữu 70% vốn điều lệ. Cả hai doanh nghiệp này đều đặt trụ sở tại tòa nhà Thành Công. Đây cũng là trụ sở chính của Tập đoàn Thành Công.

Một công ty chứng khoán khác cũng có loạt động thái tái cấu trúc là Chứng khoán ASC. Bên cạnh việc tăng vốn điều lệ, ASC còn bổ sung thêm hai nhân sự mới đang công tác tại VPBank vào Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát, đồng thời, chuyển trụ sở về Tòa nhà VPBank tại 89-Láng Hạ.

Trong một chia sẻ mới đây, lãnh đạo VPBank cho biết, Ngân hàng đang cân nhắc việc mở thêm một công ty chứng khoán để mở rộng mạng lưới kinh doanh, gia tăng các sản phẩm bán chéo.

Một ngân hàng khác là TPBank cũng đã sớm góp vốn vào mảng chứng khoán. Từ tháng 3/2019, Chứng khoán Phương Đông (ORS), đã đổi tên thành Chứng khoán Tiên Phong. TPBank dù chỉ sở hữu hơn 9% vốn, nhưng về phía nhân sự, ông Đỗ Anh Tú, Phó chủ tịch HĐQT của TPBank đã liên tục đảm nhiệm vị trí Chủ tịch công ty chứng khoán này.

Cuộc “lột xác” tại Chứng khoán Tiên Phong cũng là một điển hình khá tích cực. Từ khoản lỗ lũy kế “ăn mòn” tới 97% vốn điều lệ (240 tỷ đồng), công ty này đã tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt hơn 140 tỷ đồng.  

Rõ ràng, các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) với sự xuất hiện của các “ông chủ” mới, cả nội và ngoại, đã thay đổi diện mạo của không ít công ty chứng khoán nhỏ và vừa trước đây.

Hành trình 10 năm tái cấu trúc thị trường vừa qua đã thanh lọc số lượng công ty chứng khoán từ 106 xuống hơn 70 công ty. Nhưng quan trọng hơn, chất lượng của các thành viên thị trường đã được nâng lên. Quy mô vốn điều lệ tại các công ty chứng khoán đã tăng lên 88.818 tỷ đồng, cao gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2017.
M&A tài chính - ngân hàng: Kỷ lục 1,4 tỷ USD đang chờ được phá vỡ
Thị trường mua bán-sáp nhập (M&A) lĩnh vực tài chính-ngân hàng năm 2021 diễn ra sôi động, với kỷ lục là thương vụ VPBank bán 49% vốn FE Credit cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư