Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Con anh A, cháu chị B và tinh giản biên chế
Quang Hưng - 01/11/2014 13:49
 
() Góp ý với Đề án Tái cơ cấu kinh tế, đại biểu Nguyễn Thị Khá (tỉnh Trà Vinh) cho rằng, doanh nghiệp nhà nước phải quyết tâm hơn nữa, không dựa dẫm vào bộ chủ quản. Đã đến lúc cần mạnh dạn cắt đi cái đuôi của nhóm lợi ích, không ngại đụng chạm "con anh A, cháu chị B".
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tái cơ cấu kinh tế cần thước đo và lộ trình cụ thể
Nguồn lực vẫn hướng vào những cơn khát đầu cơ ghê gớm
Tái cơ cấu: Đừng bỏ quên khu vực dân doanh
Tái cơ cấu: Chấp nhận nghiệt ngã với bản thân

Báo cáo kết quả giảm sát Đề án tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và nhiều đại biểu đánh giá cao những kết quả mà Đề án đã đạt được.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Đề án tái cơ cấu và hệ thống văn bản liên quan đến lĩnh vực này ban hành trong thời gian qua đã tạo khuôn khổ pháp lý, tạo chuyển biến nhận thức, tập trung chỉ đạo và ý thức trách nhiệm, quyết tâm của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

  Con anh A, cháu chị B và tinh giản biên chế  
  Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh)  

Lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư công đã quy định rõ các nguyên tắc đổi mới quản lý và phân cấp đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, từ trái phiếu Chính phủ. Các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, quy trình đã phê duyệt.

Đối với lĩnh vực tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước được quy định rõ hơn, phát huy vai trò chủ sở hữu nhà nước đối với các doanh nghiệp. Cơ chế chuyển đổi, cổ phần hóa doanh nghiệp được hoàn thiện, hướng đến nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các văn bản trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng được sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý cho tái cơ cấu. Nhiều cơ cấu quản trị, kiểm soát rủi ro trong hoạt động ngân hàng, đã thành lập công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng để góp phần quản lý nợ xấu.

Kết quả cụ thể của việc tái cơ cấu nền kinh tế, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, quá trình chuyển dịch cơ cấu có sự thay đổi theo hướng tích cực. Đến năm 2013, tỷ trọng của nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm so với giai đoạn trước từ 20,08% xuống còn 18,38%, tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ tăng từ 79,92% lên 81,62% GDP (so với trước năm 2011).

Cán cân thương mại trong 3 năm 2012, 2013 và 2014 cải thiện đáng kể, xuất khẩu giữ nhịp độ tăng trưởng cao, quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vượt kế hoạch đề ra (xuất siêu năm 2012 là 780 triệu USD, năm 2013 là 9,4 triệu USD, 9 tháng đầu năm 2014 ước đạt 2,47 tỷ USD).

Chất lượng đầu tư phát triển có xu hướng cải thiện, theo hướng giảm dần việc mở rộng về quy mô vốn và tăng chất lượng hiệu quả. Hệ số ICOR toàn nền kinh tế giảm từ mức 6,7 giai đoạn 2008-2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011-2013 cho thấy việc triển khai nguồn vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn đã bước đầu phân bổ vốn nhà nước một cách tập trung, hiệu quả hơn.

Đồng tình với những đánh giá của Ủy ban Kinh tế về những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho chiến dịch tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Khá (tỉnh Trà Vinh) cho rằng, mặc dù những năm qua, số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh từ 12.000 doanh nghiệp xuống chỉ còn 1.000 doanh nghiệp, nhưng với việc hình thành các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước với các công ty con, công ty cháu và thậm chí có công ty chắt sau nó đã làm các khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, thua lỗ, không bảo toàn được giá trị đầu tư ban đầu, kết quả thoái vốn không đạt mục tiêu.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá, Chính phủ cần chỉ đạo điều hành quyết liệt hơn để những người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước hiểu đúng ý nghĩa của cổ phần hóa.

“Thực tế thời gian qua, doanh nghiệp nhà nước muốn tinh giảm biên chế cũng không thực hiện được vì động đến con anh A, cháu chị B. Doanh nghiệp nhà nước phải quyết tâm hơn nữa, không dựa dẫm vào bộ chủ quản. Đã đến lúc cần mạnh dạn cắt đi cái đuôi của nhóm lợi ích. Cần làm rõ những gì nhà nước không cần chi phối, nắm giữ, doanh nghiệp nhà nước phải là cốt lõi, chỉ huy, nắm đầu ra để đảm bảo cung cấp sản phẩm đáp ứng thị trường, không nên đầu tư từ đầu đến chân. Cái gì xã hội làm được trong dây chuyền sản xuất, công việc gì các thành phần kinh tế khác làm được thì nhà nước không làm”, đại biểu Nguyễn Thị Khá nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư