Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Con đường tái thiết nền kinh tế sau đại dịch - Bài 4: Cây đũa thần trong tay Nhà nước
Khánh An - 27/04/2020 08:58
 
LTS: Đại dịch Covid-19 như cơn “sóng thần” ập đến, tàn phá hầu hết các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Di chứng của đại dịch là nặng nề và lâu dài. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực kiểm soát, khống chế dịch bệnh, thì vấn đề trọng tâm lúc này là Việt Nam - một quốc gia có độ mở kinh tế cao, cần làm gì để khôi phục nền kinh tế sau đại dịch.

Bài 4: Cây đũa thần trong tay Nhà nước

Sự chuyển dịch các chuỗi giá trị, khả năng phân lại quyền lực, địa chính trị giữa các quốc gia trên thế giới sau đại dịch là lý do TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhắc tới vai trò nhà nước trên con đường tái thiết nền kinh tế. Lúc này, Nhà nước là nhạc trưởng với cây đũa thần là những giải pháp không tưởng, thậm chí phải phá bỏ cách làm cũ để bảo vệ nền kinh tế, chuẩn bị cho bước bật dậy sau dịch.

TS. Nguyễn Đình Cung tin rằng, Việt Nam có thể phục hồi theo hình chữ V, nhưng với phần chéo thoải hơn. Ảnh: M.D
TS. Nguyễn Đình Cung tin rằng, Việt Nam có thể phục hồi theo hình chữ V, nhưng với phần chéo thoải hơn. Ảnh: M.D

Chiếc lò xo bị nén

Thưa ông, cả thế giới đang như chiếc lò xo, bị dịch bệnh bó lại. Có thể nói gì về cơ hội bật nhanh trở lại của nền kinh tế Việt Nam vào thời điểm này?

Rất khó để nói nền kinh tế sẽ bật dậy như lò xo. Lấy ví dụ ngành du lịch. Có 2 lý do khiến chúng ta kỳ vọng du lịch, khách sạn sẽ bùng nổ, bật dậy. Một là, mọi người bị đè nén bởi các yêu cầu giãn cách xã hội kéo dài. Hai là, dịch bệnh được khống chế tốt đúng vào mùa cao điểm du lịch. Nhưng, người dân có sẵn sàng hay không khi máy bay, ô tô không được chở kín ghế; việc kiểm soát đi lại giữa các địa phương, khu vực vẫn chưa thể dỡ bỏ hoàn toàn trong một vài tháng tới.

Với các ngành sản xuất, kinh doanh khác cũng tượng tự, nhu cầu khó phục hồi nhanh khi lòng tin về sự an toàn chưa được xác lập.

Hơn thế, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, vào xuất khẩu rất lớn, nên khi bên ngoài dịch bệnh còn phức tạp, rất khó nói đến khả năng phục hồi nhanh và mạnh.

Covid-19 làm đứt gãy cả phần cung và cầu, tạo ra 2 cú sốc, từ đó, kinh tế suy giảm, thậm chí là suy thoái. Hầu hết các nền kinh tế lớn của thế giới dự báo tăng trưởng âm, GDP toàn cầu thu hẹp, giảm sút mạnh. Nguy cơ dịch bệnh quay trở lại rất lớn. Sự sụt giảm của giá dầu còn cho thấy tâm lý bất an, hoảng loạn…

Điều này có nghĩa, việc giao thương, đi lại trên toàn cầu sẽ tiếp tục bị kiểm soát, có những đối tượng thậm chí bị cấm, như người lớn tuổi, người có bệnh nền…, nên tốc độ giảm, tần suất giảm, kéo chi phí đắt đỏ hơn. Sản xuất, lưu thông hàng hóa cũng vậy, khó khăn và đắt đỏ hơn, khiến cầu thế giới khó phục hồi ngay kể cả khi dịch bệnh được khống chế.

Nhưng dường như dịch bệnh đang làm rõ xu hướng chuyển dịch, thậm chí phân bố lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu và cơ hội của những nền kinh tế đi sau như Việt Nam đang được nhắc đến?

Ở trên tôi đã nói đến những khó khăn từ bên cầu, còn bên cung, đúng là đang có những dịch chuyển lớn.

Thứ nhất, sản xuất ở Trung Quốc đang phục hồi, nhưng chi phí sản xuất, vận chuyển đắt đỏ hơn. Xu hướng chuyển dịch khỏi Trung Quốc rõ nét hơn. Trước dịch bệnh, sự chuyển dịch đã có, chủ yếu do nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm rủi ro khi phụ thuộc quá mức vào một vài thị trường; do chi phí lao động của Trung Quốc tăng lên và đặc biệt là do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Covid-19 thúc đẩy việc dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc, thúc đẩy tốc độ cơ cấu lại chuỗi giá trị và xu hướng kéo đầu tư sản xuất về gần thị trường tiêu thụ.

Thứ hai, khi dịch bệnh xuất hiện, châu Âu, Mỹ thiếu cả những vật tư, thiết bị y tế thông thường như khẩu trang, bảo hộ, máy thở… Các nước đang nhìn nhận lại vai trò của công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo và sẽ quan tâm phát triển một số ngành công nghiệp. Ở dài hạn, xu hướng toàn cầu hóa sẽ chậm lại, xu hướng bảo hộ sản xuất theo quốc gia, theo khu vực có thể gia tăng.

Đây là thời điểm vai trò của Nhà nước tăng lên.

Tại sao lại như vậy, thưa ông?

Trong kinh tế thị trường, bàn tay thị trường phân bố nguồn lực, phân bố sản xuất. Dưới góc độ toàn cầu hóa, ở đâu hiệu quả tài chính tốt hơn, chi phí đầu tư rẻ hơn thì ở đó thu hút vốn đầu tư. Các dòng đầu tư trong chế biến, chế tạo chuyển khỏi Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… và Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới vì lý do này.

Nhưng khi xu hướng gia tăng độc lập, tự chủ của nền kinh tế quốc gia lên cao, các quốc gia sẽ quan tâm phát triển công nghiệp để giảm lệ thuộc quá mức vào nguồn cung từ bên ngoài.

Tôi cũng muốn nhắc tới tâm lý đối nghịch, chia rẽ, nghi kỵ giữa nhiều quốc gia với Trung Quốc gia tăng. Khả năng phân lại quyền lực, địa chính trị giữa các quốc gia trên thế giới sẽ diễn ra, từ đó sẽ phân bố lại sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi giá trị toàn cầu...

Lúc này, vai trò của nhà nước gia tăng để không chỉ có chân trong chuỗi giá trị mới, mà còn đảm bảo sự tự chủ khi kinh tế thế giới bước sang trạng thái mới. Hơn 1 tháng trước, Hàn Quốc đã công bố chiến lược kéo sản xuất, đầu tư về nước, với các cam kết hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp mới, sáng tạo…

Lúc này, Việt Nam phải nhanh chóng đánh giá và hoàn thiện các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế phù hợp với yêu cầu và điều kiện mới sau đại dịch.

Riêng về công nghiệp, phải xem xét lại chương trình công nghiệp hóa, cần có chương trình, kế hoạch cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, trong đó phải xây dựng các giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kịch bản hội nhập kinh tế quốc tế thời kỳ 2021-2030 cũng phải thích ứng với những thay đổi của thế giới sau đại dịch, sẽ phải thay đổi chính sách tương ứng của Việt Nam, chú ý đến duy trì vai trò trung tâm của ASEAN và định hình lại quan hệ với các đối tác lớn, chiến lược của nước ta…

Đó là những bước đi dài hạn của nền kinh tế, cần phải hành động ngay để không bỏ lỡ cơ hội mới từ các chuyển dịch của kinh tế thế giới sau đại dịch.

Nhưng lúc này, điều tôi muốn nói đến chưa phải là khả năng phục hồi mạnh của nền kinh tế, mà là thời gian củng cố sức lực cho doanh nghiệp, để chuẩn bị cho cơ hội bật dậy của nền kinh tế sau khi dịch bệnh được khống chế trên toàn cầu.

Củng cố sức lực để bật lên

Dù các biện pháp phòng chống dịch đã mang đến kết quả tích cực, nhưng hàng ngàn doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh và người dân đang vô cùng khó khăn, thậm chí tình trạng ngủ đông đang lan rộng…

Tôi muốn nói đến 2 từ miễn, giảm trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đây phải là 2 từ cần dùng nhiều hơn vào lúc này.

Vừa rồi, chúng ta mới áp dụng các chính sách giãn, hoãn để doanh nghiệp có dòng tiền duy trì, nhưng doanh nghiệp cần được củng cố sức lực vì sức khỏe bị bào mòn quá nhiều. Cụ thể, các giải pháp giãn, hoãn cần tiếp tục, nhưng kéo dài thời gian hơn ít nhất thêm 6 tháng, bổ sung các giải pháp miễn, giảm thuế, các khoản phải nộp của doanh nghiệp… Thời gian có thể kéo dài đến năm 2021, đủ dài để tăng tích lũy cho doanh nghiệp.

Tôi muốn nhấn mạnh ở đây vai trò của Nhà nước. Khi kinh tế thế giới chưa phục hồi, cầu trong nước còn yếu, nhất là cầu từ khu vực doanh nghiệp, chúng ta cần áp dụng tình huống đặc biệt hay cấp bách thực hiện chương trình đầu tư công với quy mô hợp lý, Mục tiêu là tăng cầu nội địa, tạo sức lực cho doanh nghiệp. Nhưng phải áp dụng tình huống đặc biệt, sẽ phải thay đổi một số chỉ tiêu, yêu cầu để đảm bảo tính thực thi của giải pháp.

Cụ thể, sẽ phải thay đổi những gì, thưa ông?

Thứ nhất, phải thay đổi chỉ tiêu về thâm hụt ngân sách, trần nợ công và đặc biệt quan trọng là thay đổi về cách thức quản lý đầu tư công.

Phải thẳng thắn, với quy trình quản lý đầu tư công hiện nay, điểm nghẽn của dự án nằm chính ở quá trình ra quyết định. Tôi không hiểu vì sao có những dự án không ai phải tranh cãi về nhu cầu, tính cấp bách… như các dự án chống ngập mặn, chống sạt lở, các dự án hạ tầng giao thông, hạ tấng số… lại mất nhiều thời gian để quyết định đến vậy. Thực tế này không thể kéo dài trong bối cảnh bình thường, càng không thể áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh.

Tất nhiên, tăng đầu tư công, sẽ tăng chi ngân sách, trần nợ công, sẽ phải tăng giám sát qua cơ chế công khai, minh bạch thông tin, để các bên đều có quyền giám sát, nhất là báo chí, người dân. Ví dụ, khi triển khai một dự án đầu tư công, có thể công khai danh sách những người quản lý, người có trách nhiệm trong thực hiện dự án, cùng với thông tin, tiến độ công việc… Cách này tạo áp lực phải làm đúng cho những người có trách nhiệm, các cơ quan quản lý liên quan…

Thứ hai, thay đổi doanh nghiệp nhà nước, phi hành chính hóa doanh nghiệp nhà nước, trả doanh nghiệp nhà nước về với thị trường. Với tiềm lực lớn, doanh nghiệp nhà nước sẽ là một động lực để thúc đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế.

Tôi còn nhớ, những doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn mạnh bây giờ là những doanh nghiệp đã xin cơ chế, xin cổ phần hóa nhiều năm trước, khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa.

Lúc này, doanh nghiệp nhà nước cũng phải làm vậy, đừng xin hỗ trợ vì chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp là chính sách chung, hãy xin cơ chế để sử dụng tối đa hiệu quả khối tài sản khổng lồ mà khu vực này đang nắm giữ, từ đó tạo ra sinh khí mới, năng lượng mới cho doanh nghiệp nhà nước.

Thứ ba, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phải được thực hiện với thủ tục, quy trình mới. Sự thay đổi này không chỉ dừng lại ở giai đoạn dịch bệnh, mà phải được nghiên cứu, rút kinh nghiệm cho các kế hoạch cải cách hành chính tới đây. Cũng tương tự như vậy với thủ tục trong đầu tư công.

Nếu các gói hỗ trợ, các giải pháp bị chậm bởi thủ tục, không chỉ làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các gói hỗ trợ, làm sụt giảm sức khỏe của doanh nghiệp, mà quan trọng là giảm niềm tin, giảm động lực của doanh nghiệp… Đây là điểm cần phải lưu ý.

Tôi đã từng tự hỏi, tại sao Covid-19 tác động mạnh thế, nhưng người dân và doanh nghiệp không hoảng loạn như thời khủng hoảng kinh tế 2008-2009, dù sức khỏe bị bào mòn không ít.

Nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, tích lũy của nền kinh tế và doanh nghiệp đều tăng, từ đó tăng sức chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp. Khu vực tài chính - ngân hàng, điểm yếu của cuộc khủng hoảng trước, đã được củng cố, trở thành giải pháp hỗ trợ hữu hiệu cho doanh nghiệp.

Rõ ràng, người dân, doanh nghiệp an lòng, tin tưởng, nên thời gian phục hồi sẽ ngắn hơn cuộc khủng hoảng trước.

Lần này, tôi tin là Việt Nam sẽ có thể phục hồi theo hình chữ V, nhưng với phần chéo thoải hơn. Tất nhiên, độ thoải sẽ phụ thuộc vào các đối sách mà Việt Nam chọn và thực thi.

(Còn tiếp)

Con đường tái thiết nền kinh tế sau đại dịch - Bài 2: Giai điệu tình yêu của chính sách tài khoá, tiền tệ
LTS: Đại dịch Covid-19 như cơn “sóng thần” ập đến, tàn phá hầu hết các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Di chứng của đại dịch là nặng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư