Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Con người sẽ ở đâu trong kỷ nguyên tự động hóa?
Nhật Hằng (DNSG) - 05/02/2017 11:39
 
Hoặc nắm bắt thật nhanh các bước tiến của công nghệ, hoặc bạn sẽ thất nghiệp, hoặc kéo cả xã hội đi xuống. Nền kinh tế của tương lai sẽ đầy thách thức trong kỷ nguyên tự động hóa.
 Máy cày không người lái có thể hoạt động xuyên đêm và không cần... đèn. Ảnh: social.undernet.uy
Máy cày không người lái có thể hoạt động xuyên đêm và không cần... đèn. Ảnh: social.undernet.uy

Đầu năm 2016, kỳ họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã xếp Tự động hóa vào mục ưu tiên khi bàn về bức tranh tổng thể toàn cầu.

Trong các phần chính của cuộc họp, tương lai kinh tế Trung Quốc được xem là trọng tâm. Sau thời gian dài tăng trưởng ở mức 2 con số, kinh tế Trung Quốc “lâm bệnh” và vài năm nay chỉ còn tăng trưởng khoảng 7%.

Các chuyên gia ở Davos nhận định rằng Trung Quốc đang khó khăn trong việc trấn an các nhà đầu tư sau những đợt điều chỉnh tỷ giá và chứng khoán “sập sàn”. Trong khi đó, tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh rất lớn đối với thế giới, khi vừa đóng vai trò đối tác kinh tế lớn nhất nhì của nhiều nước vừa ôm tham vọng ở các hiệp định thương mại, các sáng kiến thành lập ngân hàng đầu tư lớn như AIIB.

Hai nền kinh tế mới nổi đáng chú ý khác như Ấn Độ và Brazil lại gặp những khó khăn riêng. Ấn Độ gặp trục trặc lớn về vấn đề môi trường và nước sạch trong tham vọng trở thành “công xưởng của thế giới”, còn Brazil sa lầy trong khủng hoảng giá dầu, bê bối chính trị, và bị các công ty dịch vụ tài chính như Standard & Poor’s và Fitch Ratings kéo tín dụng xuống mức “rác”.

Thêm vào đó, sự kiện nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đã gây hoang mang trên toàn cầu. Sẽ có nhiều thay đổi từ đây cho đến khi Quốc hội Anh chính thức thông qua việc kích hoạt “điều khoản 50” cho phép họ rời EU, và nó sẽ góp phần làm biến động kinh tế thế giới năm 2017.

Nhưng trên tất cả, quá trình áp dụng công nghệ, máy móc thế hệ mới bằng trí thông minh nhân tạo (AI) hay internet vạn vật (IoT) có những tác động then chốt nhất. Điều đó buộc những người làm luật phải sửa luật.

Hay nói cách khác, biến động từ việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, khả năng tái hồi phục của kinh tế Trung Quốc, tác động của châu Âu từ việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit)... cũng chịu sự chi phối ngược của dòng chảy công nghệ.

Thị trường nháo nhào vì công nghệ

Năm 2015, truyền thông Mỹ đã đưa tin về câu chuyện buồn của ngành taxi truyền thống. Lần đầu tiên trong lịch sử, những chiếc xe màu vàng huyền thoại của ngành taxi như “ông trùm” Gene Freidman đã chào thua số lượng đăng ký của Uber: 14.088 chiếc Uber so với 13.587 taxi “màu vàng”.

Mẩu chuyện cho thấy rằng, đại gia ngành taxi thời công nghệ như Uber đã thắng cuộc chơi khó nhọc ở New York, và đó là cảm hứng cho hàng loạt cuộc lật đổ ngoạn mục tiếp theo.

Không khó để thấy, thương mại điện tử đã và đang xô đổ các siêu thị truyền thống theo đúng cách siêu thị và chuỗi bán lẻ đã “giết chết” các tiệm tạp hóa hoặc chợ truyền thống.

Ở một nhánh khác, CEO Elon Musk của thương hiệu Tesla cho thấy ông không bao giờ muốn dừng lại. Những sản phẩm Tesla chạy điện đã khuynh đảo thị trường xe hơi trong thời gian dài và tiếp tục ôm tham vọng hiện thực hóa xe không người lái, sử dụng công nghệ cảm ứng, định vị.

Ngành vận tải đã có thêm một năm đầy ắp những sản phẩm mới, những bản concept mới cho tương lai. Elon Musk - “Steve Jobs” của ngành xe đã thổi hơi nóng vào gáy của các đại gia xe chạy năng lượng truyền thống, và nắm được xu hướng chính phủ các nước phải đảm bảo các điều khoản ký kết ở Thỏa thuận về biến đổi khí hậu. Cuộc khủng hoảng thừa từ giá dầu, nói không ngoa, cũng một phần lớn chịu sức ép từ công nghệ pin và năng lượng mới.

Và nếu chưa ai dám tin tưởng trao nhiệm vụ cho những “tài xế thời đại số”, chắc chắn họ yên tâm hơn nếu nhờ công nghệ làm... nông nghiệp. Một bài viết trên BBC cuối tháng 11 qua đã bàn khá sâu về tự động hóa trong nuôi trồng. Các ứng dụng tự lái hoàn toàn có thể áp dụng chính xác cho máy cày, các công đoạn gieo hạt và gặt lúa.

So với con người, máy móc tự động hóa dĩ nhiên có thể “cày” chính xác vào cả ban đêm. Việc tưới tiêu càng giản đơn hơn khi giờ đây được trao cho những thiết bị bay không người lái (UAV), sản phẩm vốn cũng là cái đích của các đại gia ngành thương mại như Amazon, nhằm sử dụng UAV để giao hàng và khỏi cần thuê mướn xe, tài xế, phi công lái máy bay vận tải...

Nguy cơ... thất nghiệp

Các kỹ sư tại Shropshire (Anh) đã và đang phát triển mô hình nông trại hoàn toàn không có bàn tay con người. Điều này có lợi cho nông dân, nhưng còn người làm công thì sao? Dấu hỏi này là vấn đề được bàn đến rất nhiều.

Dù tự động hóa nghĩa là robot có thể tự làm tất cả những công đoạn con người đảm nhiệm chứ không phải một nhiệm vụ hoàn chỉnh trong tổng thể, nhưng với trí thông minh nhân tạo, ai dám chắc con người không bị thay thế nếu họ không thể thông minh và chính xác hơn máy móc?

Sử dụng công nghệ tự động hóa là ưu tiên của Nhật Bản - nước đang trải qua sự thiếu hụt lao động trầm trọng và dân số sụt giảm lần đầu tiên từ những năm 1920. Sau những nỗ lực dùng robot làm người giúp việc, làm nhân viên lễ tân, tháng 11 qua chú robot Toboro cũng thử làm bài kiểm tra trong đợt sát hạch để làm… giảng viên Đại học Tokyo. (May thay) Toboro đã rớt!

Sự thay đổi trong cách thức vận hành của doanh nghiệp kéo theo cơ cấu lao động thay đổi. Xe tự hành đồng nghĩa tài xế mất việc. Giao hàng bằng xe/máy bay không người lái đồng nghĩa nhân viên giao hàng mất việc...

CNN dẫn nhận định từ Bank of England tin rằng 80 triệu việc làm ở Mỹ và 15 triệu ở Anh sẽ thuộc về robot trong 10 đến 20 năm nữa, tương đương việc robot sẽ chiếm 50% việc làm của con người. Sẽ còn nhiều tranh cãi về mối quan hệ giữa robot/công nghệ và việc làm.

Một số ý kiến cho rằng robot không lấy việc làm của con người, mà tạo ra những việc làm khác. Điều này xét trên nhiều khía cạnh cũng có thể cho là đúng. Một cuộc cách mạng nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... đẩy xã hội vào một cơ cấu phân công lao động mới. Thế nên, ở kỷ nguyên tự động hóa, những người lao động chân tay cũng có lý do để tự cải thiện bản thân nhằm thích ứng với những yêu cầu chất xám cao hơn trong công việc mới, nhiệm vụ mới họ phải gánh ở thời điểm trí thông minh nhân tạo chưa đảm đương nổi.

Danh mục 91 sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được ưu tiên đầu tư, mua sắm
Danh mục 91 sản phẩm, dịch vụ thuộc 18 nhóm sản phẩm, dịch vụ CNTT sản xuất trong nước được ưu tiên khi đầu tư, mua sắm trong các cơ quan, tổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư