Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
“Cơn sốt” trên thị trường vốn IPO
Anh Hoa - 23/12/2018 19:05
 
Việt Nam đang thống lĩnh thị trường Đông Nam Á về huy động vốn qua các đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), song dòng vốn của các nhà đầu tư có thể chững lại vì một số dấu hiệu.

Những ngôi sao sáng 

Giải thưởng “Thương vụ IPO thành công nhất Việt Nam và khu vực châu Á” và “Đợt phát hành thành công nhất thị trường cận biên khu vực châu Á năm 2018” vừa được trao cho Vinhomes thuộc Vingroup.  Đó là thành quả của phiên giao dịch lịch sử trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với gần 268 triệu cổ phiếu VHM được giao dịch thỏa thuận tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), đạt giá trị hơn 30.700 tỷ đồng của Vinhomes hồi tháng 5/2018. 

Vinhomes đã gây ấn tượng trên thị trường vốn quốc tế . Trong ảnh: Dự án Vinhomes Riverside Long Biên (Hà Nội).
Vinhomes đã gây ấn tượng trên thị trường vốn quốc tế . Trong ảnh: Dự án Vinhomes Riverside Long Biên (Hà Nội).

Năm 2018, Vingroup còn gây ấn tượng trên thị trường vốn quốc tế với việc phát hành thành công 84 triệu cổ phần ưu đãi theo phương thức chào bán riêng lẻ cho Công ty Quản lý Quỹ Hanwha (Hàn Quốc). Tổng quy mô phát hành là hơn 9.300 tỷ đồng (khoảng 400 triệu USD). 

Ông Gregory Thiery, Giám đốc Bộ phận Ngân hàng đầu tư khu vực Đông Nam Á của Morgan Stanley cho rằng, giao dịch phát hành vốn cổ phần Vinhomes là một cột mốc ấn tượng với các thị trường cận biên và mới nổi trong năm 2018 không chỉ bởi quy mô, mà còn bởi sự tham dự của nhiều nhà đầu tư lớn và có uy tín rất cao trên toàn cầu.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ với nhiều thương vụ IPO có giá trị hàng tỷ USD. Techcombank chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu về IPO với một đợt chào bán cổ phiếu lên đến 21.000 tỷ đồng. Quỹ đầu tư GIC của Singapore là một nhà đầu tư chủ chốt trong thương vụ này. 

Thương vụ chào bán cổ phần lần đầu của nhà phát triển bất động sản Vinhomes và Ngân hàng Techcombank là hai trong số ba thương vụ chào bán có quy mô lớn nhất Đông Nam Á trong năm nay. 

Theo thống kê của Hãng kiểm toán Deloitte, thị trường IPO của Việt Nam đạt quy mô 4,5 tỷ USD trong năm 2018. Trong khi đó, cả thị trường IPO Đông Nam Á có 135 thương vụ, huy động được 8,7 tỷ USD.

Các thương vụ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã diễn ra sôi động ngay từ đầu năm nay. Trong đó, đợt IPO của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, PV Power thu về hàng ngàn tỷ đồng mỗi thương vụ.

Có còn “miếng ngon”? 

Trong các thương vụ IPO đình đám, khối doanh nghiệp tư nhân chiếm một phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp cổ phần hoá. Do vậy, để thị trường vốn Việt Nam tiếp tục bùng nổ, cần nhiều thương vụ IPO đình đám của cả hai khối này. Nếu với khối tư nhân, mọi chuyện có thể dễ đoán định, thì với khối doanh nghiệp cổ phần hoá, quá trình IPO là chuỗi ngày bí bách vì những rào cản cũ và mới phát sinh. 

Hơn nữa, nguồn hàng IPO dồi dào nhờ vào số lượng lớn các công ty nhà nước cũng đã gần cạn “miếng ngon”. Dẫu vậy, giới đầu tư vẫn ngóng các thương vụ mới. Theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 - 2020, sẽ tiến hành cổ phần hóa 127 doanh nghiệp. Theo đó, riêng trong năm 2017 và 2018, phải cổ phần hóa 108 doanh nghiệp. 

Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến ngày 18/11, mới có 12 doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa, trong khi kế hoạch năm 2018 phải cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp. Quá trình thoái vốn nhà nước cũng diễn ra tương tự, chỉ có 31 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn, trong khi kế hoạch năm 2018 có 181 doanh nghiệp.

Nhiều thương vụ cổ phần hóa gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư, như Vinalines, Petimex, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam... Quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của các doanh nghiệp cổ phần hóa cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Luật sư Sung Mee Hong, phụ trách nghiệp vụ doanh nghiệp và M&A của Công ty Luật Lee&Ko (Hàn Quốc) cho rằng, việc giới hạn thời gian hoàn thành chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trong vòng 4 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa là không tưởng (so với quy trình M&A tiêu chuẩn). Các nhà đầu tư tiềm năng không có thời gian thẩm định doanh nghiệp kỹ lưỡng.

Hay gần đây, dù Nhà nước đã công bố các thông tin của các doanh nghiệp nhà nước cần được cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 - 2020 và tỷ lệ vốn nhà nước còn lại sau khi cổ phần hóa, song nhà đầu tư nước ngoài vẫn khó tiếp cận thông tin về các doanh nghiệp này. 

Theo luật sư Sung Mee Hong, thị trường M&A quốc tế đang bị chi phối bởi các nhà đầu tư tài chính, quỹ cổ phần. Trong khi đó, Nghị định 126/2017/NĐ-CP quy định, hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư chiến lược phải có lợi nhuận trong ít nhất 2 năm, hỗ trợ doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, cung cấp nguyên liệu thô và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Điều này khiến các các nhà đầu tư tài chính, quỹ cổ phần phải xem xét lại kế hoạch rốt vốn vào các doanh nghiệp Việt Nam.

Cần nhà đầu tư chuyên nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, chuyên đề vốn - tài chính, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, điều quan trọng lúc này là cần có nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tổ chức, không cần phân biệt là tư nhân hay quỹ đầu tư lớn. Cần thiết phải có hệ thống quản trị tốt, tăng cường giám sát, đồng thời siết chặt lại thị trường theo hướng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia thị trường một cách ổn định, có tổ chức và nâng cao hoạt động của thị trường.

Vinhomes - Ngôi sao của thị trường vốn quốc tế
Với giá trị giao dịch kỷ lục lên tới 1,35 tỷ USD, Vinhomes đã được các tạp chí danh tiếng Finance Asia, The Asset và IFR Asia đồng loạt vinh danh là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư