Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Công an tìm người bị hại còn dư nợ trái phiếu liên quan đến giai đoạn 2 của vụ án Vạn Thịnh Phát
Việt Dũng - 15/05/2024 07:17
 
Bộ Công an đang điều tra giai đoạn 2 của vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức có liên quan.

Để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án, đảm bảo quyền lợi của người bị hại theo quy định của pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục tìm người bị hại còn dư nợ trái phiếu của 25 gói trái phiếu liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2).

Kết quả điều tra xác định, từ năm 2018 đến năm 2020, các đối tượng có liên quan tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty CP Đầu tư Quang Thuận, Công ty CP Dịch vụ Thương mại TP.HCM, Công ty CP Đầu tư và phát triển Sunny World và các tổ chức khác đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật tạo lập 25 gói trái phiếu mã: ADC-2018.09, ADC- 2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 với tổng giá trị 30.081 tỷ đồng để bán cho người mua là các trái chủ nhằm huy động tiền và chiếm đoạt.

Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định những trái chủ sở hữu 25 mã trái phiếu do 4 Công ty phát hành nêu trên tại thời điểm khởi tố vụ án hình sự là bị hại của vụ án và đã ủy thác cho Phòng Cảnh sát kinh tế Công an các tỉnh, thành phố theo địa chỉ của trái chủ trên hợp đồng mua bán,chuyển nhượng trái phiếu tiếp nhận thông tin, lấy lời khai bị hại để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã nhận được phần lớn kết quả ủy thác của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an các tỉnh, thành phố, đã xác định rõ thông tin từng cá nhân và thu thập đầy đủ ý kiến của người bị hại. Tuy nhiên, còn nhiều người không hợp tác hoặc đã chuyển nơi cư trú, không đến trình báo.

Nhiều người là bị hại trong vụ án này tập trung tới tòa
Nhiều trái chủ đã bỏ dở công việc để đến toà từ sáng sớm để nghe ngóng thông tin trong giai đoạn 1 của vụ án.

Để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án, đảm bảo quyền lợi của người bị hại theo quy định của pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị người bị hại còn dư nợ trái phiếu của 25 gói trái phiếu mã: ADC- 2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 do 4 Công ty nêu trên phát hành, khẩn trương đến Phòng Cảnh sát kinh tế Công an các tỉnh, thành phố, nơi người bị hại cư trú hoặc nơi phát sinh hợp đồng mua bán trái phiếu để phối hợp làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu, hợp đồng liên quan đến việc mua bán trái phiếu hoặc chuyển đơn đề nghị theo mẫu do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành để được xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.

Nếu người bị hại không đến làm việc, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu trước thời điểm kết thúc điều tra vụ án thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an không có căn cứ để xem xét, giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án.

Trước đó, ngày 11/4, TAND TPHCM tuyên bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Đưa hối lộ và Tham ô tài sản.

Những bị cáo còn lại trong vụ án bị tòa phạt mức án từ 3 năm tù treo tới tù chung thân về một trong các tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng…

Căn cứ vào hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra tại tòa, HĐXX cho rằng đủ cơ sở xác định bà Trương Mỹ Lan là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và nhiều công ty khác trong "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát.

Mặc dù bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận hành vi phạm tội, HĐXX có đủ cơ sở xác định bà Lan đã nắm giữ cổ phần hơn 91,5% của Ngân hàng SCB, nắm quyền chi phối gần như tuyệt đối tại SCB. HĐXX nhận định lời khai của bị cáo Lan và luật sư bào chữa cho rằng bà Lan chỉ nắm 15%, còn lại là của cổ đông nước ngoài và nhờ bạn bè đứng tên là không có căn cứ, không có cơ sở chấp nhận.

Theo HĐXX, các bị cáo bất chấp quy định của pháp luật, thậm chí giải ngân trước, hợp thức hóa hồ sơ sau. Bị cáo Trương Mỹ Lan trở thành người có quyền quyết định cao nhất tại SCB, đủ dấu hiệu về mặt chủ thể có chức vụ, quyền hạn của tội Tham ô tài sản.

HĐXX khẳng định lời bào chữa cho rằng bị cáo Lan không có vai trò gì tại SCB là không có căn cứ, không được tòa chấp nhận. HĐXX nhận định có đủ cơ sở xác định các bị cáo phạm vào các tội danh như cáo trạng truy tố.

Bà Trương Mỹ Lan
Bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Đưa hối lộ và Tham ô tài sản.

Hậu quả do bị cáo Lan và đồng phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn với SCB, đẩy nhà băng vào tình trạng mất thanh khoản, gây hoang mang cho khách hàng, người dân. Hành vi của 86 bị cáo mang tính có tổ chức, trong đó Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo hành vi phạm tội.

Ngoài mức án trên, tòa buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17/10/2022 (khởi tố vụ án) tương đương số tiền là 673.849 tỷ đồng.

Tòa quyết định tiếp tục kê biên, tạm giữ đối với các bất động sản, cổ phần, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, các tài sản khác của công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đứng tên sở hữu hoặc giao cho các cá nhân đứng tên hộ, của các bị cáo, những người liên quan khác để đảm bảo thi hành án nghĩa vụ tương ứng.

Bên cạnh đó, tòa tuyên tiếp tục kê biên hàng loạt các tài sản có liên quan tới vụ án cũng như kiến nghị làm rõ nhiều nội dung khác.

Ngày 26/4, từ trại tạm giam, bà Trương Mỹ Lan đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ông Dương Công Minh khẳng định không liên quan gì tới bà Trương Mỹ Lan
Chủ tịch HĐQT Sacombank khẳng định trước ĐHĐCĐ không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan. Đây là tin đồn ông Thắng Đặng viết trên facebook.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư