Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển: Thiếu doanh nghiệp dẫn dắt
Thế Hải - 23/12/2018 16:37
 
Sau nhiều năm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng đến nay, lĩnh vực này vẫn yếu, khiến các ngành hàng xuất khẩu dễ bị tổn thương. Một trong những nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là thiếu doanh nghiệp dẫn dắt.

Dễ tổn thương vì phụ thuộc nhập khẩu

Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp tục nghe những câu chuyện dài, nhưng không mới của nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế. Chung quy là do đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ chưa tới nơi, tới chốn, dẫn đến hệ quả là không ít ngành hàng phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, bị động trong sản xuất, giá trị gia tăng thấp…

.
Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chậm phát triển do thiếu doanh nghiệp dẫn dắt

Là ngành đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai, tốc độ tăng trưởng những năm gần đây đều đạt 2 con số, dệt may dù đã thu hút một lượng lớn vốn đầu tư mở rộng quy mô ngành, nhưng vẫn đang ở trong tình trạng thiếu vải.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), ngành dệt may xuất khẩu lớn, nhưng chưa mạnh và bền vững. “Năm nay, xuất khẩu 35 tỷ USD hàng dệt may, quy mô ngành lớn, nhưng không mạnh và dễ bị tổn thương, sản xuất còn bị ‘thắt cổ chai’ bởi phần lớn lượng vải phục vụ làm hàng xuất khẩu và sản xuất nội địa phụ thuộc vào nhập khẩu, nên giá trị gia tăng không lớn”, ông Tuấn nói.

Ngành sợi đã phát triển tốt, nhưng khâu sản xuất vải không phát triển được vì thiếu nhuộm, nên sợi bị tắc nghẽn. Kết quả là, 2/3 lượng sợi sản xuất ra phải xuất khẩu.

Theo tính toán của ngành dệt may, ngành này đang thiếu vải trầm trọng, hàng năm phải nhập khẩu vải hơn chục tỷ USD. Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 11 tỷ USD vải phục vụ ngành may mặc.

Từ nay đến năm 2020, cần thêm 1,7 tỷ mét vải phục vụ sản xuất, nếu không nhập khẩu, thì phải có 1,7 tỷ USD để đầu tư sản xuất vải. Đến năm 2025, cần 10 tỷ mét vải, tức là cần 10 tỷ USD vốn đầu tư. Thực tế, khoản vốn lớn như vậy không dễ huy động.

“Bởi vậy, ngành dệt may cần có một chiến lược đầu tư sản xuất vải. Để làm điều đó, phải có các khu công nghiệp để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào hoạt động nhuộm, từ đó mới có vải. Chiến lược phát triển ngành dệt may trong thời gian tới chắc chắn phải lấy trọng tâm là sản xuất vải”, ông Tuấn đề nghị.

Trong khi đó, đóng góp 20 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2018, ngành da giày - túi xách cũng mất nhiều năm loay hoay với bài toán tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Chủ tịch Tập đoàn TBS, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam (Lefaso), ông Nguyễn Đức Thuấn đã không ngại ngần chỉ ra điểm yếu nhất của ngành.

“Cơ khí chế tạo và máy móc, thiết bị ngành da giày đang phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, trong đó, với sản xuất máy móc, ta chưa làm chủ được, ngoài những loại máy móc thô sơ, đơn giản”, ông Thuấn nói.

Gần 30 năm lăn lộn trong ngành da giày, ông Thuấn cho biết, “trái tim” của ngành là trung tâm thiết kế, nghiên cứu và phát triển, với các nhóm vật tư, thiết bị, nhân lực, thì đến nay, ngành da giày vẫn chưa có.

Trong bối cảnh công nghệ sản xuất nguyên phụ liệu trên thế giới đã ở mức rất cao và mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng thay đổi nhanh theo xu hướng thời trang, thì những hạn chế về công nghệ và nhân lực của công nghiệp hỗ trợ ngành da giày trong nước càng trở nên rõ ràng hơn.

Vai trò của doanh nghiệp dẫn dắt

Trong khi các ý kiến nói quá nhiều về những điểm yếu trong đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, thì ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Thaco đã đưa những thông tin lạc quan hiếm hoi tại Hội nghị.

Việt Nam hiện có 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Số doanh nghiệp đang hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

“Thaco đã đạt tỷ lệ nội địa hóa với xe tải là 35 - 40%, xe khách 55 - 60% và xe con trên 25%. Tổng giá trị linh kiện, phụ tùng xuất khẩu trong năm 2018 đạt 8 triệu USD, dự kiến tăng lên 17 triệu USD trong năm 2019”, ông Dương tiết lộ.

Từ nhiều năm trước, Thaco đã đầu tư xây dựng cụm nhà máy công nghiệp hỗ trợ tại Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai - Trường Hải. Các nhà máy này có nhiệm vụ chính là sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất ô tô để cung cấp cho đối tác và xuất khẩu.

Hiện khu phức hợp này có nhà máy lắp ráp ô tô, 15 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô, linh kiện cơ khí, máy nông nghiệp…, với dây chuyền thiết bị hiện đại, được chuyển giao từ các đối tác châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Từ thực tiễn doanh nghiệp sản xuất và chi đầu tư lớn để rút ngắn tỷ lệ nội địa hóa, ông Dương cho rằng, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, thực chất vẫn là câu chuyện thị trường và thiếu doanh nghiệp dẫn dắt.

Ông Dương ví von, xây một ngôi nhà mà các nguyên liệu như đá, cát, sỏi, xi măng, sắt thép đều phải nhập khẩu, thì lấy đâu ra hiệu quả. Bởi vậy, con đường duy nhất là gia tăng tỷ lệ nội địa hóa mới đảm bảo cho doanh nghiệp làm chủ sản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong rất nhiều lưu ý tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo ngành công nghiệp dệt may phải chú trọng đầu tư ngành nhuộm, nhằm tháo điểm nghẽn thiếu hụt vải trong ngành xuất khẩu chủ lực này. “Ngành dệt may phải có các khu công nghiệp đồng bộ để thu hút nhà đầu tư”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cơ hội doanh nghiệp chen chân vào chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ toàn cầu
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong nước chật vật tự tìm đất sản xuất, khó tiếp cận cơ chế hỗ trợ đã tự tìm đến các sân chơi thương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư