Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Công tác cán bộ nhìn từ lộ trình tiến thân của Dương Chí Dũng
Hữu Tuấn - 09/05/2014 07:41
 
Vụ án Dương Chí Dũng đã khép lại với bản án phúc thẩm nghiêm khắc dành cho các bị cáo, song từ đây, có thể thấy rõ, công tác tổ chức, quản lý, giám sát cán bộ tồn tại không ít vấn đề, khiến những “sâu mọt” trong thể chế có cơ hội thực hiện hành vi tham nhũng, đục khoét tài sản nhà nước.
TIN LIÊN QUAN

Tham nhũng và suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ là hai vế của một vấn đề. Chính vì vậy, tại Hội nghị Toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 6/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến nạn tham nhũng vẫn đang là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Đó là “một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống”.

  vụ dương chí dũng, công tác cán bộ,  
  Dương Chí Dũng (áo trắng) tại phiên tòa xét xử vừa qua  

Lật lại quá trình thăng tiến của Dương Chí Dũng, có thể thấy, việc Dương Chí Dũng thực hiện hành vi phạm tội của mình là kết quả tất yếu của một thời gian dài tha hóa, biến chất.

Xuất thân từ một công nhân xuất khẩu lao động tại CHDC Đức, trải qua lớp đào tạo tại chức tại Đại học Hàng Hải và chỉ sau một thời gian ngắn, Dương Chí Dũng đã leo lên chức Chủ tịch HĐQT Vinalines.

Song hành với quá trình tiến thân “thần tốc” là sự gia tăng những tài sản chìm nổi nhiều tới nỗi, Dũng có thể mua biệt thự cho bồ nhí. Không cần lực lượng chuyên môn phải cất công điều tra, chỉ quan sát thông thường đã có thể thấy, làm sao có được khối tài sản khổng lồ như vậy, nếu không bòn rút từ công quỹ, từ nguồn vốn Nhà nước giao cho doanh nghiệp? Điều hiển nhiên mà ai ai cũng biết đó vẫn khó phanh phui nếu như vụ Vinalines không bị vỡ lở!

Xét quá trình công tác của nguyên cán bộ Dương Chí Dũng, sự việc còn banh bét hơn. Bởi, khi còn giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), thì doanh nghiệp này làm ăn bê bết, thua lỗ triền miên, tập thể mất đoàn kết, nhưng không vì thế mà con đường quan lộ của vị cựu quan chức này bị ảnh hưởng.

Ông ta vẫn tiếp tục được bổ nhiệm ở những vị trí cao hơn, Tổng giám đốc rồi thăng lên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinalines, sau đó chuyển sang làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là, vì sao suốt chừng đó năm, Dương Chí Dũng đã rất nhiều lần bị cán bộ, nhân viên tố cáo, khiếu kiện và rất nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán diễn ra, nhưng vẫn “lọt lưới”?

Dư luận về một bộ mặt thật của Dương Chí Dũng đã có từ rất lâu, nhưng những dư luận đó đều là “chuyện ngoài lề, không chính thức” đối với công tác đề bạt, bổ nhiệm Dương Chí Dũng. Mãi tới khi vụ việc vỡ lở, ai đó mới cho rằng, nếu các cơ quan, tổ chức Đảng lắng nghe, chắt lọc rồi thẩm tra kỹ lưỡng những thông tin từ kênh quần chúng; giá mà công khai những vấn đề của cán bộ có chức vụ, tạo môi trường để người dân giám sát, công khai tài sản, công khai đánh giá về đạo đức tư cách, minh bạch quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ… và có thêm nhiều giá mà nữa, thì chắc chắn Dương Chí Dũng đã không lún sâu vào vũng bùn như hôm nay.

Trong các nguyên nhân dẫn đến nạn tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng; chưa phát huy được hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức còn yếu. Một số cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị vẫn chưa quan tâm thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng hoặc có triển khai nhưng còn hình thức”.

Báo cáo thẩm tra mới đây của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 cho thấy, việc củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, nhất là về mặt tổ chức nhân sự.

Trong vụ án Dương Chí Dũng, hay các đại án khác, đều có những đồng phạm đắc lực giúp sức để thực hiện hành vi phạm tội. Có những người vì vụ lợi cá nhân, vì nể nang, nhưng cũng có nhiều cán bộ dù biết sai phạm của Dương Chí Dũng, nhưng không dám nói thẳng, không dám đấu tranh chống tiêu cực. Thậm chí, việc Dương Chí Dũng qua được rất nhiều cửa ải soi xét, leo lên được những chức vụ cao hơn trong khi “mình đầy tội lỗi” có sự bao che, giúp đỡ của cấp trên.

Từ vụ án này, cần phải rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng và tổ chức cán bộ trong thời gian tới. Không chỉ những người có chức vụ, quyền hạn, hay những cán bộ làm công tác tổ chức, mà tất cả cán bộ, đảng viên phải nhận thức được tầm quan trọng và tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái trong tư tưởng, chính trị, đạo đức và phòng chống tham nhũng.

Đối với mỗi tổ chức Đảng, phải nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đồng thời phải thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước.

TIN LIÊN QUAN
Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc bị tuyên y án tử hình
Sắp xử phúc thẩm ông Dương Tự Trọng
Trung tướng Hoàng Kông Tư trả lời về bài báo “Dương Chí Dũng và những triệu đô la”
Những văn bản tuyệt mật, tối mật của Ban Nội chính Trung ương
Nhận 10 tỷ đồng hối lộ, Dương Chí Dũng chỉ nói "cám ơn em"

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư