Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Công ty Appolo Việt Nam tố Công ty Sunfeel Việt Nam gây ô nhiễm: Cả hai cùng sai phạm
Nhiệt Băng - 24/02/2022 08:50
 
Công ty TNHH Sunfeel Việt Nam bị người “hàng xóm” là Công ty Appolo Việt Nam “tố” về việc gây ô nhiễm môi trường. Cơ quan thanh tra kết luận, cả hai công ty cùng có vi phạm.
Nhà máy của Công ty TNHH Sunfeel Việt Nam	ảnh: d.n
Nhà máy của Công ty TNHH Sunfeel Việt Nam. (Ảnh: D.N)

Nhiều vi phạm trong quá trình đầu tư

Theo Kết luận số 21, ngày 19/1/2022 của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, Công ty TNHH Appolo Việt Nam (tại KCN Phú Hội, gọi tắt là Công ty Appolo) chưa thực hiện đầu tư sản xuất van cao áp, ống nước FRP, chế biến nông sản sấy khô. Thời gian chậm tiến độ được xác định là hơn 9 năm.

Công ty còn chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích 2.605 m2. Nội dung này đã được Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Lộc Sơn - Phú Hội lập thủ tục thu hồi, ký lại phụ lục hợp đồng thuê lại đất theo quy định. Tuy nhiên, diện tích này chưa được Công ty Appolo lập thủ tục điều chỉnh giảm tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.

Đặc biệt, Công ty Appolo không thực hiện báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ hàng tháng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi theo quy định; chưa kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp từ khi đi vào hoạt động đến nay.

Dù Công ty Appolo đã bố trí 1 thùng chứa chất thải nguy hại bằng nhựa có nắp đậy có dán biển cảnh báo, nhưng theo Thanh tra tỉnh, ký hiệu cảnh báo chưa đúng quy định.

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng còn chỉ ra, trong các lần thay đổi quy mô hoạt động và ngành nghề kinh doanh, Công ty Appolo không thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; chưa thực hiện dứt điểm các yêu cầu của UBND tỉnh tại Văn bản 5860/UBND-MT (ngày 17/8/2021).

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty Appolo lập thủ tục điều chỉnh giảm 2.605 m2 đất tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp ngày 21/3/2013; báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ hằng năm theo quy định hiện hành; bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại; lưu trữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chưa theo quy định tại Phụ lục 2 (A) Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT (ngày 30/6/2015) của Bộ Tài nguyên và Môi trường; nghiêm túc thực hiện Văn bản số 5860/UBND-MT  của UBND tỉnh Lâm Đồng; liên hệ với UBND huyện Đức Trọng để được hướng dẫn lập, điều chỉnh hoặc bổ sung hoàn thiện hồ sơ môi trường của dự án theo quy định.

“Người hàng xóm” của  Công ty Appolo là Công ty TNHH Sunfeel Việt Nam (gọi tắt là Công ty Sunfeel) cũng vướng nhiều vi phạm trong quá trình đầu tư Nhà máy Sản xuất tơ và dệt lụa tơ tằm Việt Nam, theo Kết luận thanh tra số 20 (ngày 19/1/2022) của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng.

Cụ thể, tiến độ thực hiện dự án của Công ty Sunfeel chậm so với mốc thời gian ghi trên  Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án chưa xây dựng nhà xưởng sản xuất dệt lụa tại lô C6-KCN và C8-KCN, chậm tiến độ 33 tháng và tại lô C5-KCN còn khoảng 11.980 m2 đất chưa được đưa vào sử dụng, chậm tiến độ 13 tháng.

Bên cạnh đó, việc Ban Quản lý các KCN tỉnh cấp Giấy chứng nhận số 102 (ngày 30/6/2017) và Giấy phép xây dựng điều chỉnh số 117 (ngày 30/10/2018) cho phép xây dựng các công trình tại lô C6-KCN và C8-KCN khi hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công của Công ty Sunfeel chưa được cơ quan nhà nước thẩm định là chưa đảm bảo thành phần hồ sơ cấp giấy phép xây dựng theo quy định.

Tại Giấy phép xây dựng của Công ty Sunfeel thể hiện, hạng mục bể xử lý nước thải ký hiệu số 14 có vị trí cách hàng rào 8 m, cách văn phòng của Công ty Appolo 12 m là không đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Bể xây dựng nước thải có công suất ban đầu là 376,95 m3/ngày đêm (sau khi điều chỉnh là 650 m3/ngày đêm), thì khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường tối thiểu theo quy định là 15 m.

Kiểm tra thực tế cho thấy, tại Dự án có 1 công trình xây dựng không phép, 1 công trình xây dựng sai diện tích theo Giấy phép xây dựng. Việc quan trắc khí thải, nước thải định kỳ được Công ty Sunfeel thực hiện chưa đảm bảo tần suất và vị trí theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã đăng ký. Công ty này chưa kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp từ khi đi vào hoạt động đến nay theo quy định. Dự án hiện vẫn còn một số khu vực phát sinh mùi khó chịu, gồm khu vực sản phẩm phụ và 3 vị trí cách hàng rào 9 m, cách văn phòng của Công ty Appolo 13 m.

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng nêu rõ, Công ty Sunfeel chưa thực hiện dứt điểm các yêu cầu của UBND tỉnh tại Văn bản số 5860/UBND-MT, ngày 17/8/2021. Dự án vẫn phát sinh mùi hôi khó chịu; chưa triển khai, thực hiện đầy đủ các nội dung đã đăng ký đầu tư theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp; chưa liên hệ UBND huyện Đức Trọng để được hướng dẫn lập, điều chỉnh hoặc bổ sung hoàn thiện hồ sơ môi trường của dự án theo quy định.

 

“Cần tiếp tục được kiểm tra, đánh giá”

Trước khi Thanh tra tỉnh Lâm đồng ban hành Kết luận số 20 và Kết luận số 21, phía Công ty Appolo đã “tố” Công ty Sunfeel về việc gây ô nhiễm môi trường

Cụ thể, bà Trần Thị Hải Huyền (trợ lý Tổng giám đốc Công ty Appolo) phản ánh qua đường dây nóng của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 28/7/2021 với nội dung: “Trong quá trình sản xuất của Công ty TNHH Sunfeel Việt Nam gây ra mùi hôi thối không chịu được. Công ty cũng xả thải nước từ bể chưa được xử lý, gây mùi hôi thối (do xử lý kén tằm), ảnh hưởng đến sức khỏe của các doanh nghiệp trong KCN”.

Tại Văn bản số 2334 (ngày 3/8/2021), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho rằng, mùi hôi đặc trưng từ hoạt động sản xuất của Công ty Sunfeel trong thời gian qua đã được các cơ quan chức năng xác nhận là có. Tuy nhiên, nội dung phản ánh: “Công ty cũng xả thải nước từ bể chưa được xử lý, gây mùi hôi thối (do xử lý kén tằm), ảnh hưởng đến sức khỏe của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp” là chưa đúng sự thật và có thể mang tính chất bịa đặt.

Được biết, ngày 9/9/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 2855 gửi Công ty Sunfeel khẳng định, chưa có cơ sở để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cho phép Nhà máy Sản xuất tơ và dệt lụa tơ tằm Việt Nam của công ty này được hoạt động 100% công suất.

Lý do là, báo cáo của Công ty Sunfeel chưa thực hiện đúng với nội dung yêu cầu của UBND tỉnh Lâm Đồng tại Văn bản số 5860 về việc khiếu nại về ô nhiễm môi trường giữa Công ty Appolo và Công ty Sunfeel tại KCN Phú Hội. 

Cụ thể, kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục chưa cụ thể và chưa đánh giá được nguyên nhân đối với việc vẫn còn phát sinh mùi tại các cụm xử lý của hệ thống xử lý nước thải, đặc biệt là tại cụm bể lọc tinh để áp dụng các biện pháp khắc phục...

Kết quả phân tích chất lượng nước sau xử lý chưa đảm bảo theo quy định do hàm lượng vi sinh vật gây bệnh rất cao; trường hợp nước thải được tái sử dụng cho sản xuất có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động khi tiếp xúc trực tiếp hoặc làm ô nhiễm môi trường đất và nguồn nước ngầm khi tái sử dụng tưới cây, vệ sinh sân bãi; nội dung đề xuất chất lượng nước thải sau xử lý đạt mức tối thiểu theo cột B - QCVN 40/2011/BTNMT không xả ra môi trường được tái sử dụng chưa phù hợp so với phương án khắc phục đề xuất…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, nội dung báo cáo của Công ty Sunfeel về việc không còn phát sinh mùi hôi từ hoạt động sản xuất và tại khu vực cụm bể lọc tinh cần tiếp tục được kiểm tra, đánh giá. Bởi vì, từ ngày 21/5/2021 đến thời điểm Sở ra văn bản (số 2855 - PV), Công ty Appolo đã có 3 văn bản và nhiều cuộc điện thoại đến đường dây nóng của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng để phản ánh về mùi hôi từ hoạt động sản xuất của Công ty Sunfeel.

Ngoài ra, báo cáo của Công ty Sunfeel chưa đính kèm các tài liệu liên quan đến công tác khắc phục cụ thể, như các kết quả quan trắc giám sát, các bản vẽ, thuyết minh hồ sơ công nghệ liên quan đến công trình xử lý chất thải, xử lý mùi…

Vì thế, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công ty Sunfeel khẩn trương hoàn thiện báo cáo theo các nội dung đã nêu ở trên gửi về cơ quan này để tiếp tục được xem xét, giải quyết.

Nhà máy Sản xuất sô đa Chu Lai: Từ kỳ vọng đến... gây ô nhiễm, ngập trong nợ nần
Được đầu tư 2.300 tỷ đồng với kỳ vọng sẽ đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Quảng Nam, nhưng Nhà máy Sản xuất sô đa Chu Lai phải dừng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư