Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 11 năm 2024,
Công ty chứng khoán nhỏ và vừa: Mục tiêu hấp dẫn trong M&A
Duy Bắc - 19/11/2024 08:30
 
Nhiều tổ chức, cá nhân đang tích cực tìm kiếm các công ty chứng khoán gặp khó khăn để mua bán - sáp nhập (M&A), đồng thời đổi tên, thay lãnh đạo, với mục tiêu mở rộng hệ sinh thái.

Đổi chủ khi kinh doanh khó khăn

Việc Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) ngừng cấp phép mở mới công ty chứng khoán trong 5 năm qua, khiến các công ty chứng khoán hiện hữu, dù hoạt động kém, cũng trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các tập đoàn/cá nhân M&A để tham gia thị trường.

Trong năm 2024, thị trường tiếp tục chứng kiến hàng loạt công ty chứng khoán quy mô vừa và nhỏ đổi chủ, thay đổi nhận diện thương hiệu khi có nhóm cổ đông mới. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Chứng khoán quốc tế Hoàng Gia đổi tên thành Công ty cổ phần Chứng khoán UP, đồng thời thay đổi nhận diện thương hiệu mới, chuyển đổi nền tảng giao dịch trực tuyến.

Thực tế, trước khi có sự thay đổi tên và nhận diện thương hiệu, đơn vị này đã có biến động cổ đông lớn, khi miễn nhiệm hàng loạt thành viên HĐQT gồm ông Lê Thanh (Chủ tịch HĐQT), ông Hồ Ngọc Toàn, bà Trần Thị Thu Hương và ông Lê Thanh Hà. Ngược lại, bổ nhiệm ông Cao Tấn Thành làm Chủ tịch HĐQT; ông Vũ Việt Bảo, ông Lê Tuấn và bà Vũ Thị Hồng Giang làm thành viên HĐQT.

Được biết, trước thời điểm nhóm cổ đông mới thực hiện tái cơ cấu, tại thời điểm ngày 30/6/2024, Chứng khoán UP sở hữu vốn điều lệ 300 tỷ đồng, tổng tài sản 324,9 tỷ đồng, thuộc nhóm có vốn điều lệ thấp.

DIỄN ĐÀN M&A VIỆT NAM LẦN THỨ 16 NĂM 2024

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 16 năm 2024 - sự kiện thường niên uy tín về mua bán - sáp nhập doanh nghiệp và kết nối đầu tư do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ được tổ chức tại Khách sạn JW Marriott Saigon (TP.HCM) vào thứ Tư, ngày 27/11/2024.

Với chủ đề “Nhộn nhịp thương vụ/A Blossoming Market”, Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2024 sẽ thảo luận chuyên sâu về các cơ hội M&A đang trỗi dậy vào các lĩnh vực tiềm năng như bất động sản, bán lẻ, công nghệ, năng lượng tái tạo, dịch vụ tài chính và logistics.

Sự kiện sẽ có các hoạt động chính sau:
- Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế.
- Vinh danh các thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu giai đoạn 2023 - 2024.
- Phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2024 (song ngữ Việt - Anh).

Tương tự, gần đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya cũng có sự biến động khi nhóm cổ đông sáng lập Inter-Pacific Securities thoái vốn. Bà Nguyễn Thị Hương Giang, Chủ tịch HĐQT, mua thêm 4 triệu cổ phiếu.

Cơ cấu thành viên HĐQT cũng biến động khi Saigonbank Berjaya miễn nhiệm ông Phạm Hoài Nam, ông Kuok Wee Kiat và bầu bổ sung ông Cao Minh Vinh, bà Nguyễn Thu Phương. Việc biến động cổ đông trùng với giai đoạn Công ty tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng, lên 350 tỷ đồng.

Saigonbank Berjaya là một đơn vị hoạt động kém hiệu quả, tại thời điểm 30/9/2024, Công ty có lỗ luỹ kế 260,87 tỷ đồng, bằng 74,5% tổng vốn điều lệ.

Một thương vụ tương tự diễn ra tại CTCP Chứng khoán Hải Phòng (Haseco, mã HAC), khi 2 cổ đông mới là ông Trần Anh Đức và ông Vũ Hoàng Việt đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nắm giữ lần lượt 19,94% và 24,87% vốn điều lệ. Trước khi có nhóm cổ đông mới tham gia, tại thời điểm 30/9/2024, Haseco lỗ luỹ kế 32,3 tỷ đồng, bằng 11,07% vốn điều lệ.

Với Công ty cổ phần Chứng khoán Việt Tín (VTSS), sau khi TIN Global Pte. Ltd thâu tóm sở hữu 49% vốn điều lệ, đơn vị này cũng đổi tên thành Công ty cổ phần Chứng khoán VTG và chuyển trụ sở từ Hà Nội vào TP.HCM.

Trước khi có nhóm cổ đông mới, tại thời điểm 30/9/2024, Chứng khoán VTG có vốn điều lệ 138 tỷ đồng, tổng tài sản 112,9 tỷ đồng và đang có lỗ luỹ kế 25,3 tỷ đồng, bằng 18,3% vốn điều lệ.

Như vậy, có thể thấy, điểm chung của nhóm công ty chứng khoán biến động nhân sự, tái cơ cấu gần đây đều có quy mô vốn điều lệ nhỏ, kinh doanh thua lỗ.

Nâng tầm hoạt động

Trong quá khứ không thiếu công ty chứng khoán nhỏ đổi chủ, sau đó nhóm cổ đông lớn góp thêm vốn, giúp các công ty này nâng tầm.

Đơn cử, tại Công ty cổ phần Chứng khoán DSC (mã DSC), năm 2020, Công ty cổ phần Việt Nam Equity chuyển nhượng giảm sở hữu từ 60%, về 0% vốn điều lệ. Ngược lại, Chứng khoán DSC xuất hiện các cổ đông cá nhân khác, gồm ông Tạ Văn Mạnh (sở hữu gần 1,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 25% vốn điều lệ) và ông Nguyễn Đức Anh (sở hữu 25% vốn điều lệ).

Sau nhiều đợt biến động, tới cuối năm 2023, Chứng khoán DSC còn 2 cổ đông lớn là ông Nguyễn Đức Anh (sở hữu 35,6% vốn điều lệ) và Công ty cổ phần Đầu tư NTP (sở hữu 34,2% vốn điều lệ). Còn lại 30,2% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông nhỏ.

Sau khi nhóm cổ đông mới tham gia Chứng khoán DSC, đơn vị này chuyển trụ sở từ Đà Nẵng ra Hà Nội. Tập đoàn Thành Công (TC Group) cho biết, Chứng khoán DSC tham gia hệ sinh thái của Tập đoàn từ cuối năm 2021.

Dưới sự hậu thuẫn của cổ đông mới, Chứng khoán DSC tăng vốn từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, tiếp tục tăng vốn trong năm 2023 lên 2.048 tỷ đồng và được thêm Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (thành viên của TC Group) cấp thêm khoản vay.

Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital nhận định, việc các tổ chức/cá nhân đẩy mạnh M&A những công ty chứng khoán quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả, có thể đến từ nhiều mục đích. Trong đó, việc mua lại các công ty nhỏ sẽ dễ hơn khi cổ đông hiện hữu không còn mong muốn phát triển công ty, ngược lại, bên mua có thể chính thức sở hữu công ty chứng khoán trong bối cảnh việc thành lập mới không được cấp phép và có thể hỗ trợ hệ sinh thái hiện hữu trong việc huy động vốn trong tương lai.

Công ty chứng khoán nào "kiếm bộn" nhất từ tự doanh, margin?
Thống kê 15 công ty chứng khoán có doanh thu hoạt động lớn nhất trong 9 tháng từ đầu năm cho thấy, tự doanh vẫn là mảng đóng góp lớn nhất tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư