Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
Công ty chứng khoán "sống thử" tiền hôn nhân
Tìm được đối tác để M&A với các CTCK nhỏ là không đơn giản, vậy sẽ phải sống ra sao khi cạnh tranh cung cấp dịch vụ chứng khoán ngày càng khốc liệt như hiện nay?.
Việc “sống thử” giúp các CTCK đánh giá được mức độ phù hợp trong chiến lược dài hạn, đồng thời tận dụng được nguồn lực của mỗi bên để tăng khả năng cạnh tranh
Việc “sống thử” giúp các CTCK đánh giá được mức độ phù hợp trong chiến lược dài hạn, đồng thời tận dụng được nguồn lực của mỗi bên để tăng khả năng cạnh tranh

Ghi nhận của ĐTCK cho thấy một diễn biến mới: một số CTCK cỡ vừa và nhỏ đang tìm cách “sống thử” với nhau để tạo lợi thế cạnh tranh dựa trên thế mạnh mỗi bên.

Điểm mấu chốt cho sự hợp tác này đến từ câu chuyện “về với nhau” của nhiều CTCK, dù mang lại rất nhiều lợi ích nhưng lại không thuận như mong đợi. Xu hướng này được dự báo sẽ ngày một mạnh mẽ hơn khi diễn biễn thị trường đang ủng hộ những thương vụ liên kết giữa các CTCK.

Tính đến nay, sau hơn 3 năm triển khai hoạt động tái cấu trúc khối CTCK, ngoại trừ các trường hợp bắt buộc phải giải thể và ngừng hoạt động, mới chỉ có 4 “mối lương duyên” được “tác thành”,  đó là MBS + VIT = MBS; VIS + OSC = VIS; CTCK Hải Phòng + CTCK Á Âu = CTCK Hải Phòng; CTCK Phú Hưng + Sen Vàng = CTCK Phú Hưng.

Điểm thú vị là sau M&A, các CTCK mới đều hoạt động khá “xuôi chèo, mát mái” trở lại, đặc biệt là MBS. Gần 2 năm sau sáp nhập, công ty này liên tục nằm trong TOP 5 CTCK dẫn đầu về thị phần môi giới, đồng thời kết quả kinh doanh cũng đi lên với 2 năm gần đây liên tục báo lãi.

Điều này cũng diễn ra tương tự với CTCK Quốc tế (VIS), dù sau hợp nhất vốn điều lệ của doanh nghiệp này giảm tới gần 70%. Còn đối với 2 thương vụ mới nhất là CTCK Hải Phòng và CTCK Phú Hưng, kết quả bước đầu cũng ghi nhận sự tích cực, ít nhất là ở việc công ty mới hình thành có một bảng cân đối “sạch”, xóa hết nợ nần.

Tuy vậy, hy vọng về sự tiếp bước các thương vụ M&A này lại không nhiều, dù diễn biến thị trường và xu hướng hội nhập dường như đang ngày càng kém sự ủng hộ cho những CTCK nhỏ. Câu chuyện điển hình là cuộc “hôn nhân” nhận được nhiều kỳ vọng giữa CTCK châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và  CTCK Sen Vàng (GLS) từ hồi đầu năm 2015. Với thương vụ này, Chủ tịch HĐQT APEC Đỗ Văn Lăng hy vọng sẽ tạo bước ngoặt cho APEC trong chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng đầu tư, một lĩnh vực mà APEC muốn theo đuổi trong tương lai.

Hy vọng là vậy, thế nhưng đến thời điểm này, cuộc “hôn nhân” vẫn chỉ là hy vọng, bởi một lý do “vướng… vì quy định chưa có”. Việc bất cập trong việc cùng là M&A nhưng thủ tục pháp lý hợp nhất và sáp nhập khác hẳn nhau, khiến cho hai công ty vẫn phải loay hoay trong vấn đề… thủ tục. Việc APEC chủ trương “kết hôn” theo hình thức phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi với cổ đông GLS, sau đó GLS sẽ hủy niêm yết và chấm dứt hoạt động, còn APEC vẫn sẽ được ở lại sàn niêm yết, là chưa có trong tiền lệ tại Việt Nam. 

Sau M&A, các CTCK mới đều hoạt động khá “xuôi chèo, mát mái” trở lại,.
Trường hợp APEC không chỉ là cá biệt, mà thực tế đang diễn ra với nhiều CTCK. Dù rất muốn “về chung một nhà”, nhưng không thể thực hiện được. Điều này đặt ra một bài toán với ban lãnh đạo của nhiều CTCK trước kỳ đại hội đồng cổ đông chuẩn bị diễn ra là sẽ phải làm gì để tồn tại và sống tiếp, nếu không thể sáp nhập và hợp nhất?

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, giám đốc một CTCK quy mô nhỏ cho biết, chủ trương M&A công ty rất muốn làm, tuy nhiên, cái khó là tìm được đối tác nào phù hợp với mình. Để không chậm trễ, công ty này đang tiến hành đàm phán hợp tác “sống thử” với một số công ty có thể M&A, trước khi chính thức đề xuất phương án cụ thể.

Vị CEO này chia sẻ, cách thức hợp tác trên mang lại hai ý nghĩa. Thứ nhất, để đánh giá dần mức độ phù hợp của những đối tác này trong chiến lược phát triển dài hạn. Thứ hai, tận dụng được lợi thế về nguồn khách hàng giữa hai bên, giúp tăng khả năng tham gia vào các thương vụ lớn về tư vấn cổ phần hóa hoặc thu xếp vốn, trong bối cảnh khó có thể cạnh tranh về mảng môi giới với các CTCK ở TOP trên. Với mức phí dao động từ 1-3% trên các thương vụ từ vài chục tỷ đến vài trăm tỷ đồng, đây có thể là giải pháp cứu cánh tạm thời cho các CTCK nhỏ, vào thời điểm khó nhằn của thị trường.

Về phía nhà quản lý, UBCK luôn khuyến khích các CTCK chủ động trong việc tái cấu trúc, có thể thông qua hình thức sáp nhập và hợp nhất. Tuy nhiên, khi chưa thể tìm được tiếng nói chung thì tìm cách giải pháp thay thế để từng bước khắc phục, tránh bị rơi vào tình trạng bắt buộc phải dừng hoạt động theo yêu cầu.

Diễn biến TTCK năm 2016 được nhận định ưu thế sẽ chủ yếu thuộc về các CTCK quy mô lớn và hoạt động lành mạnh, có sức khỏe tài chính cũng như năng lực quản trị tốt. Đặc biệt, các quy định sắp được đưa vào thực thi của cơ quan quản lý đều cho thấy rất rõ sự không ủng hộ với những công ty thuộc TOP dưới. Câu chuyện sắp tới của thị trường có lẽ sẽ có thêm nhiều thương vụ “ngồi lại” với nhau, “sống thử” để tìm cơ hội “kết duyên” giữa nhiều CTCK.

Mở màn “đại phẫu” công ty chứng khoán
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa trao giấy phép thành lập Công ty Chứng khoán Phú Hưng hợp nhất. Đây không chỉ là câu chuyện riêng của doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư