Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 24 tháng 12 năm 2024,
Covid-19 tác động đến HTX ra sao?
Mạnh Bôn - 24/03/2021 19:00
 
UNDP cho biết, số HTX chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhiều nhất là khu vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (50%); tiếp theo là vận tải (45,5%); thương mại, bán lẻ (33,3%); nông nghiệp (16%).
Lần đầu tiên tác động của khu vực kinh tế hợp tác trước đại dịch Covid-19 được công bố
Lần đầu tiên tác động của khu vực kinh tế hợp tác trước đại dịch Covid-19 được công bố

Trong khi có hàng loạt cơ quan, tổ chức thực hiện khảo sát mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp thì đến nay gần như không biết đến tác động của nCoV-2 tới hoạt động của khu vực HTX ra sao vì… chưa có khảo sát đầy đủ.

Kinh tế hợp tác bị tác động tiêu cực thế nào?

Trước khi UNDP (Chương trình Phát triển Liên hợp quốc) công bố Tác động và ứng phó với đại dịch Covid-19, thực trạng tiếp cận chính sách của khu vực HTX Việt Nam  vào sáng nay, thông tin về khu vực kinh tế hợp tác bị tác động bởi đại dịch ra sao gần như… không có vì trước đó chưa có một cơ quan, tổ chức nào thực hiện khảo sát.

Ngay cả ông Đỗ Huy Chiến, Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội cũng không biết khu vực kinh tế hợp tác bị tác động thế nào do Covid-19 và càng không thể biết so với các thành phần kinh tế khác (cá thể, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) thì kinh tế tập thể bị tác động rao sao.

“Nhưng đánh giá bằng cảm tính, tôi thấy khu vực HTX bị ảnh hưởng không nhiều lắm, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Bằng chứng là sự phát triển của khu vực nông nghiệp trong năm 2020 đã góp phần giúp Hà Nội tăng trưởng kinh tế”, ông Chiến cũng phát biểu khá cảm tính.

Khu vực nông nghiệp chiếm tới 61% trong tổng số 26.040 HTX đang hoạt động, nhưng Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Lê Đức Thịnh cũng không dự báo được sự tàn phá của Coronavirus đến hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác.

“Sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều rủi ro, nhưng các rủi ro khác đều có thể dự báo như rủi ro về thị trường, khủng hoảng giá, tài chính, đầu vào… Ví dụ như mấy năm trước hồ tiêu bị “thất sủng”, bà con đốn bỏ hàng loạt khiến cung bị thiếu thì bây giờ giá hồ tiêu tăng mạnh là điều hoàn toàn có thể dự báo được. Hay như nhiều nước trên thế giới bắt đầu sản xuất, nuôi trồng sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt là thế mạnh của Việt Nam trong khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới tăng chậm thì dự báo được giá cả nông thủy sản sẽ xuống. Nhưng không thể dự báo được sự biến đổi bất thường của thời tiết, thiên tai, hạn hán, bão lũ, đặc biệt là dịch bệnh. Những rủi ro này với nông nghiệp được gọi là rủi ro phi truyền thống”, ông Chiến phát biểu.

Trong rủi ro phi truyền thống, theo ông Chiến, với sự phát triển của khoa học ngày nay, cộng với truyền thống hàng ngàn năm sản xuất nông nghiệp, người ta cũng dự báo được ít nhiều rủi ro do hạn hán, lũ lụt, sự đổi bất thường của thời tiết. “Còn với dịch bệnh thì rất khó. Và thực tế đến tận bây giờ cũng chưa tổ chức nào dự báo được khi nào sẽ đẩy lùi được đại dịch Covid-19 cho dù đã có hàng loạt loại vaccine được đưa ra thị trường”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Trên 82% số HTX bị giảm doanh thu do Covid-19

Theo khảo sát (174 HTX và 34 liên minh HTX tại một số địa phương) vừa được UNDP công bố thì Covid-19 tác động tiêu cực đến 100% HTX hoạt động trong lĩnh vực du lịch; 95,5% trong lĩnh vực vận tải; 77,7% trong lĩnh vực thương mại và bán lẻ; 70% trong lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; 60,6% trong lĩnh vực nông nghiệp; 72,7% trong lĩnh vực khác (ngân hàng, xử lý rác thải, y tế, môi trường…).

Khảo sát của UNDP cũng cho biết trên 82% số HTX bị giảm doanh thu so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có tới 42,5% bị giảm hơn một nửa.

Doanh thu sụt giảm khiến người lao động trong khu vực kinh tế này bị đẩy ra đường theo đúng nghĩa đen. Khảo sát của UNDP cho thấy có trên 43% số HTX cắt giảm quy mô lao động; 28,7% dừng hoạt động khiến một lượng lớn lao động, trong đó có các thành viên của chính HTX bị mất việc làm. Số HTX thu hẹp quy mô sản xuất chiếm tỷ lệ 25,8% cũng đồng nghĩa với một lực lớn lao động buộc phải làm việc luân phiên, giãn việc, nghỉ việc không lương chờ HXT hoạt động bình thường trở lại.

“Đại dịch Covid-19 đã làm cho HTX phải giảm quy mô lao động và phải sử dụng các quỹ dự phòng để trả lương và hỗ trợ tài chính cho người lao động buộc phải nghỉ việc, giảm thời gian làm việc, giãn thời gian làm việc của người lao động khiến HXT vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn”, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định.

Trước khi UNDP công bố tác động của Covid-19 đến hoạt động của kinh tế hợp tác đã có rất nhiều tổ chức thực hiện khảo sát tương tự (nhiều lần) đối với khu vực doanh nghiệp như Đại học Kinh tế quốc dân, Tổng cục Thống kê, VCCI… Kết quả khảo sát có thể khác nhau nhưng đều giống nhau ở kết luận: Trước đại dịch, cơ sở sản xuất nào càng ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin; năng lực quản lý, chất lượng lao động càng cao; doanh thu càng cao thì bị nCoV-2 tấn công ít hơn, thậm chí rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh còn “làm nên ăn ra” trong thời đại dịch.

Trong khi đó, theo khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam về năng lực chuyển đổi số của khu vực kinh tế hợp tác thì mới chỉ có 45% số HTX sử dụng máy tính và ứng dụng phần mềm vào sản xuất (chủ yếu là phần mềm kế toán và phần mềm có sẵn mẫu mã sản phẩm mây tre đan, đồ gỗ…) và trong số này chỉ có 40% được kết nối với mạng Internet. Và hiện có khoảng 20% số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo nhưng cũng chủ yếu là ở trình độ trung cấp và sơ cấp. Với những số liệu này chắc chắn hiện tại khu vực kinh tế hợp tác khó khăn hơn khu vực doanh nghiệp.

Trong khó khăn này, bà Caitlin Wiesen cho biết, để thích nghi với tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 rất nhiều HTX đã tự tìm những giải pháp nâng cao năng lực chống dịch và giảm thiểu thiệt hại. “Khảo sát cho thấy đã có 47,4% số HTX thay đổi phương thức kinh doanh như chuyển đổi hình thức bán hàng truyền thống sang bán hàng online kết hợp với giao hàng tận nhà; 18% số HTX tích cực ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh hay áp dụng các phương án tái thiết tổ chức bộ máy để nâng cao hiệu quả”, bà Caitlin Wiesen cho biết.

50% - 83% HTX phi nông nghiệp làm ăn hiệu quả, lãi bình quân gần nửa tỷ mỗi năm
Năm 2018, bình quân 1 hợp tác xã (HTX) phi nông nghiệp có doanh thu 8,5 tỷ đồng và lãi 0,48 tỷ đồng, tăng gấp từ 2-5 lần so với năm 2003. Đây là thông tin...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư