Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 04 tháng 11 năm 2024,
CPTPP: Kỳ vọng và nỗi lo
Mạnh Bôn - 14/11/2018 08:20
 
Kỳ vọng lẫn lo lắng có lẽ là tâm trạng chung của không chỉ giới doanh nhân sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định cùng các văn kiện liên quan, đưa Việt Nam chính thức trở thành thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào chiều ngày 12/11/2018.
TIN LIÊN QUAN

Kỳ vọng lớn, bởi CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thứ 11 mà Việt Nam đã tham gia (5 hiệp định khác đang trong quá trình đàm phán), nhưng là FTA thế hệ mới đầu tiên với Việt Nam. CPTPP mới còn vì đó là hiệp định không chỉ quy định về thương mại, mà còn quy định rất sâu đến nhiều nội dung phi thương mại như đầu tư, sở hữu trí tuệ, lao động, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhà nước. 

.
.

CPTPP là hiệp định tiến bộ bởi nó quan tâm đến tất cả các thành phần kinh tế trong xã hội, bảo vệ người lao động, bảo vệ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Chính vì vậy, CPTPP nhận được sự quan tâm cả kỳ vọng lẫn lo lắng hơn nhiều những FTA mà Việt Nam đã tham gia, ký kết trước đây.

Kỳ vọng lớn, bởi tham gia CPTPP đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể mở cửa sâu rộng thị trường 10 quốc gia với hơn 502 triệu dân có thu nhập bình quân 30.000 USD/năm và có tổng kim ngạch thương mại lên đến 10.000 tỷ USD. Điều này góp phần giúp Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức 2 con số trong thời gian tới. 

Kỳ vọng lớn, bởi tham gia CPTPP không chỉ giúp 97% hàng hóa Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% “ngay và luôn” với 7 thị trường đã ký kết FTA, mà còn giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào 3 thị trường chưa ký kết FTA là Canada, Mexico và Pê ru với khoảng 200 triệu dân, có thu nhập bình quân đầu người cao gấp nhiều lần nước ta.

Với những con số xuất - nhập khẩu ấn tượng trong 10 năm qua, nên hội nhập “toàn diện và tiến bộ” với 10 nền kinh tế chắc chắn sẽ mở thêm cánh cửa cho hoạt động ngoại thương, nhờ đó tạo thêm động lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, giải quyết an sinh xã hội và đóng góp vào ngân sách nhà nước, tăng trưởng kinh tế.

Không phải là không có cơ sở khi kỳ vọng vào CPTPP, nhưng nhìn lại 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cùng 10 hiệp định FTA cả song phương lẫn đa phương mà Việt Nam đang thực thi thì không phải là không có nỗi lo.

Đó là, dù Việt Nam đã tham gia 10 FTA, nhưng hiện vẫn còn 20% doanh nghiệp nội địa không biết hoặc hiểu lờ mờ về FTA. Đó là một số ít doanh nghiệp quan tâm đến FTA, nhưng không biết khai thác thông tin ở đâu và cũng chưa từng được đào tạo, nâng cao kiến thức về hoạt động xuất - nhập khẩu cũng như đáp ứng yêu cầu sản xuất để xuất khẩu được sản phẩm. Thậm chí, ngay cả AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN) - một FTA thiết thực nhất, cho dù đã có hiệu lực từ đầu năm 2016, nhưng đến nay vẫn có tới 60% doanh nghiệp Việt Nam không biết gì về AEC. 

Tham gia sân chơi chung mà không hiểu về luật chơi, không biết về đối tác, thì phần thắng của doanh nghiệp nội địa sẽ không nhiều. 

Thực tế cũng cho thấy, Việt Nam mới tận dụng được 40% ưu đãi về thuế quan trong các FTA, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện. Tất nhiên, tham gia FTA không thể tận dụng ngay tất cả cơ hội, mà phải có lộ trình từng bước gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với lộ trình sửa đổi, bổ sung hệ thống quy phạm pháp luật. Với CPTPP cũng không kỳ vọng doanh nghiệp nội địa tận dụng được toàn bộ cơ hội, nhưng chúng ta cũng không thể chấp nhận chậm chân so với các đối tác khác.

Để tối đa hóa lợi ích mà các FTA cũng như CPTPP đem lại, Việt Nam không chỉ thực thi hiệp định một cách nghiêm túc, mà còn phải biết thực thi một cách khôn ngoan; không chỉ tuân thủ, mà còn phải biết chủ động vận dụng theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư