Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Cư dân mạng Trung Quốc tẩy chay H&M, dọa "xử" các thương hiệu ngoại khác
Lê Quân - 26/03/2021 08:31
 
Hàng loạt thương hiệu đồ xa xỉ nước ngoài hôm 25/3 hứng chỉ trích từ cư dân mạng Trung Quốc giữa làn sóng tẩy chay thương hiệu thời trang H&M.
Cửa hàng H&M tại một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 4/2020. Ảnh: AFP
Cửa hàng H&M tại một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 4/2020. Ảnh: AFP

Đầu tuần này, Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc về các quan chức nước này lạm dụng nhân quyền tại khu tự trị Tân Cương sau khi Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Vương quốc Anh, và Canada áp lệnh trừng phạt đối với các quan chức này. Bắc Kinh sau đó cũng đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt đối với các nhà làm luật, học giả, và các tổ chức của châu Âu.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhằm vào H&M với một tuyên bố được truyền thông dẫn lời năm ngoái rằng thương hiệu bán lẻ hàng hiệu Thụy Điển này quan ngại sâu sắc về những cáo buộc về sử dụng lao động cưỡng bức tại khu tự trị Tân Cương, đồng thời hãng này cũng khẳng định không gia công sản phẩm đến từ khu tự trị này.

Theo Reuters, hiện chưa rõ tại sao tuyên bố của H&M được khơi lại, nhưng cư dân mạng Trung Quốc được phen dậy sóng sau khi truyền thông nước này kêu gọi ngăn chặn các thương hiệu ngoại bôi nhọ danh tiếng Trung Quốc.

Nike hiện như ngồi trên đống lửa do hãng thời trang thể thao trước đó cũng đã đưa ra một tuyên bố không rõ thời điểm rằng hãng này lo ngại về các báo cáo về việc sử dụng lao động cưỡng bức, còn hãng thời trang thể thao Đức Adidas cũng trong tình trạng tương tự.

Nhiều cư dân mạng tại Trung Quốc cho biết họ sẽ ngừng mua sản phẩm của Nike và ủng hộ các thương hiệu nội địa như Li Ning và Anta. Thậm chí, nhiều người còn thẳng thắn chỉ trích Adidas phải cuốn gói khỏi Trung Quốc.

Cổ phiếu của Anta niêm yết tại Hong Kong bật tăng hơn 6% trong ngày giao dịch 25/3 sau khi công ty này tuyên bố sẽ tiếp tục sử dụng nguyên liệu cotton từ Tân Cương. Trong khi đó, cổ phiếu của Li Ning cũng vọt tăng hơn 7%.

Cư dân mạng Trung Quốc cũng nhắm vào một tổ chức toàn cầu với tên gọi "Sáng kiến chất liệu cotton tốt hơn" (BCI) - một tổ chức kêu gọi sản xuất cotton bền vững, bởi tổ chức này từng tuyên bố hồi tháng 10/2020 rằng họ sẽ hoãn phê chuẩn sử dụng cotton có nguồn gốc từ Tân Cương trong mùa vụ 2020 - 2021 do lo ngại vấn đề nhân quyền.

"Nếu bạn tẩy chay nguyên liệu cotton từ Tân Cương, chúng tôi sẽ tẩy chay bạn. Adidas hoặc rời tổ chức BCI hoặc rời Trung Quốc", một cư dân mạng viết.

Tổ chức BCI bao gồm các thành viên như Nike, Adidas, và Fast Retailing. Hiện Nike, Adidas, và BCI chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

Tuy nhiên, phản ứng trước cơn thịnh nộ của người tiêu dùng Trung Quốc, H&M hôm 24/3 khẳng định công ty này tôn trọng người dùng Trung Quốc và cam kết đầu tư và phát triển lâu dài tại nước này.

Đến sáng nay 25/3, cái tên H&M không còn hiện trên một số bản đồ cửa hàng mua sắm tại Trung Quốc. Việc tìm kiếm những cửa hàng H&M trên bản đồ của "gã khổng lồ" internet Trung Quốc Baidu cũng không cho kết quả. Ngoài ra, truy cập mua sắm trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử Tmall của Alibaba cũng thất bại.

Một cửa hàng tại Urumqi, thủ phủ của Tân Cương khẳng định website của đơn vị này đã đóng chuyên mục sả phẩm H&M, đồng thời yêu cầu hãng thời trang Thụy Điển phải lên tiếng xin lỗi vì "phát tán tin đồn gây ảnh hưởng đến lợi ích của khu vực Tân Cương và Trung Quốc".

Đêm qua, Nhân dân Nhật báo (People’s Daily) của Trung Quốc đã phát động một chiến dịch mạng xã hội nhằm kêu gọi sử dụng chất liệu cotton có nguồn gốc từ Tân Cương. Đồ họa mang dòng chữ "Tôi ủng hộ cotton Tân Cương" được Nhân dân Nhật báo đăng trên mạng xã hội Weibo đã thu hút 2,2 triệu lượt like.

“Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn xoay chuyển cục diện
Các thương hiệu xa xỉ rời trung tâm thương mại để mở cửa hàng flagship và sự thay đổi hành vi mua sắm của khách hàng buộc “vua phân phối hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư