Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
SCIC: Hành trình 17 năm phát triển
“Cú hích” cho khu vực kinh tế trọng điểm
Phong Lan - 21/10/2022 11:05
 
Sự trưởng thành và những kinh nghiệm tích lũy được qua hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có thể là những tham khảo hữu ích trong tiến trình đổi mới và nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của khu vực kinh tế nhà nước.
​​Vinatex là một đơn vị được SCIC tiếp nhận và triển khai tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động 	Ảnh: Đức Thanh
​​Vinatex là một đơn vị được SCIC tiếp nhận và triển khai tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động      Ảnh: Đức Thanh

Bước ngoặt quản lý vốn nhà nước

Năm 2005, SCIC ra đời trong bối cảnh Đảng và Chính phủ chủ trương đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước; tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển đổi phương thức quản lý vốn nhà nước từ mệnh lệnh hành chính sang đầu tư kinh doanh vốn. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò là cổ đông - nhà đầu tư, hoạt động theo Luật doanh nghiệp và bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Kể từ khi thành lập đến nay, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.079 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước hơn 30.800 tỷ đồng.  Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, triển khai cơ cấu lại SCIC theo Quyết định số 1001/2017/QĐ-TTg ngày 10/7/2017, SCIC đã tiếp nhận doanh nghiệp đạt kết quả vượt trội, với giá trị hơn 21.094 tỷ đồng, chiếm tới 68,5% giá trị tiếp nhận của SCIC từ khi thành lập.

Trong đó, SCIC tiếp nhận và triển khai tái cơ cấu, xử lý các khó khăn, vướng mắc và tồn tại của một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi), Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)…

SCIC đã chủ động xây dựng và báo cáo cơ quan có thẩm quyền phương án cơ cấu xử lý 2 dự án trong 12 đại dự án thuộc ngành công thương: CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco), dự án Tisco 2 và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM). Những khó khăn của Vietnam Airlines trước cú sốc Covid-19 cũng đã phần nào được tháo gỡ bằng nỗ lực của SCIC khi triển khai giải ngân 6.895 tỷ đồng đầu tư theo chỉ định của Chính phủ.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, thông qua thực hiện vai trò cổ đông nhà nước, mô hình SCIC đã thể hiện những ưu thế so với cơ chế chủ quản hành chính.

Trên thực tế, SCIC rất chủ động trong việc xây dựng và thực hiện phương án cơ cấu doanh nghiệp; nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh hiệu quả, tạo giá trị gia tăng cho vốn nhà nước; tập trung xử lý tồn tại của các doanh nghiệp quản lý...

Kết quả là, đa số doanh nghiệp do SCIC tiếp nhận bàn giao có kết quả sản xuất, kinh doanh tốt. Tổng nguồn thu cổ tức cho Nhà nước giai đoạn 2017 - 2021 của các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC đạt 31.801 tỷ đồng.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của SCIC đạt chỉ số ROE vượt trội trong năm 2021 như: CTCP Traphaco (26,1%), CTCP FPT (29,6%), CTCP Viễn thông FPT (38,1%), CTCP Sữa Việt Nam (36,0%), Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (48,4%), CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (63,2%)

Việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn được SCIC thực hiện hiệu quả thông qua hoạt động thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ. Từ khi thành lập đến nay, SCIC đã tổ chức bán vốn tại 1.040 doanh nghiệp, bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp với tổng giá vốn 12.410 tỷ đồng, thu về 51.062 tỷ đồng, kết quả thu được gấp 4,1 lần giá vốn.

Riêng giai đoạn 2017-2021, tổng giá trị bán vốn thu về 23.994 tỷ đồng, chiếm 47% giá trị thu bán vốn của SCIC từ khi thành lập. Trong đó, có những thương vụ bán vốn tại một số doanh nghiệp quy mô lớn, mang lại hiệu quả cao như: CTCP Sữa Việt Nam (thu về 20.276 tỷ đồng), CTCP Nhựa Bình Minh (thu về 2.330 tỷ đồng), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (thu về 7.366 tỷ đồng). Tổng giá trị nộp NSNN là 48.319 tỷ đồng, chiếm gần 60% giá trị nộp NSNN của SCIC từ khi thành lập đến nay.

Với vai trò là nhà đầu tư chính phủ, SCIC đã tham gia vào thị trường tài chính, cơ sở hạ tầng, năng lượng và các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế với số tiền giải ngân đầu tư hơn 37.651 tỷ đồng.

Trải qua 17 năm hoạt động, SCIC đã bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, đạt kết quả khả quan, các chỉ tiêu tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước.

Kỳ vọng đột phá chặng đường mới

Triển khai chủ trương của Đảng, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án: “Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác”. Trong dự thảo Đề án này, SCIC đã được lựa chọn với định hướng chuyển đổi hoạt động theo mô hình Quỹ Đầu tư chính phủ, là một trong 8 tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn có vai trò dẫn dắt.

Làm thế nào để phát huy được vai trò mở đường, dẫn dắt là điều ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch HĐTV và Ban lãnh đạo của SCIC đặc biệt trăn trở. Tại Hội nghị Doanh nghiệp nhà nước và Thủ tướng Chính phủ năm 2022, ông Thành từng đề xuất, cần có một hệ thống cơ chế chính sách đặc thù mang tính đột phá và đầu tư bổ sung cho một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước quy mô lớn có vai trò dẫn dắt, tập trung vào các “sếu đầu đàn” của nền kinh tế.

“Theo Luật Quản lý sử dụng vốn, Luật Ngân sách nhà nước hiện nay, nhiều lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước không thuộc đối tượng được Nhà nước tiếp tục đầu tư thêm vốn. Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương đang được kết chuyển về ngân sách nhà nước theo Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, thực tế phát sinh nhiều trường hợp doanh nghiệp nhà nước cần bổ sung vốn để mở rộng quy mô hoặc ứng phó với tình hình khẩn cấp ngoài kế hoạch (như dịch Covid-19 vừa qua) thì sẽ không có nguồn vốn để đầu tư. Trong bối cảnh đó, Chính phủ cần có một công cụ, một kênh đầu tư để thực hiện hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả cho các doanh nghiệp”.

“SCIC với vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ, có thể huy động và đầu tư bổ sung nguồn lực tài chính nhằm củng cố, phát triển các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn và tham gia đầu tư các dự án quy mô lớn, các dự án trọng điểm quốc gia”, ông Thành nói.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia, với nguồn lực và kinh nghiệm SCIC đã tích lũy sau 17 năm hoạt động, việc SCIC thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt để tạo động lực, nhân tố mới, lan tỏa cho tăng trưởng của nền kinh tế là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của SCIC.

Nguồn lực đó, không hẳn chỉ đến từ sức mạnh vốn và tài chính của SCIC như đã đề cập, mà còn đến từ con người, chìa khóa của mọi thành công. Cụ thể, qua nhiều năm thực hiện công tác tiếp nhận, quản trị và thoái vốn tại hơn 1.000 doanh nghiệp, SCIC đã xây dựng đội ngũ trên 200 cán bộ được đào tạo bài bản, chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm trong quản trị và đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước.

Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã xác định một trong những nguồn lực để thực hiện chương trình là: “Năng lực đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước”. Khi tham gia đầu tư, SCIC đóng vai trò là người cung cấp “vốn mồi” để thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài, tận dụng những lợi thế sẵn có của SCIC như: uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; có năng lực tài chính vượt trội; lợi thế về nguồn vốn, quỹ đất, kinh nghiệm triển khai dự án và kinh nghiệm hoạt động trong nhiều lĩnh vực của các đơn vị thành viên trong danh mục đầu tư của SCIC.

Về lĩnh vực và dự án đầu tư, SCIC hợp tác đầu tư với một số tập đoàn, tổng công ty trong hệ sinh thái của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tiếp cận, nghiên cứu khả năng đầu tư vào một số dự  án trọng điểm của nhà nước có nhu cầu huy động vốn; đầu tư tăng vốn tại một số ngân hàng thương mại; đầu tư bổ sung vốn vào một số doanh nghiệp lớn, đang hoạt động hiệu quả và có tiềm năng trong danh mục của SCIC; góp vốn thành lập quỹ đầu tư với nước ngoài tại Việt Nam; đầu tư trên thị trường tài chính.

“Hạ tầng thiếu và yếu cũng đang là nút thắt cổ chai của nền kinh tế Việt Nam”, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh. Chuyên gia này cũng nhiều lần cho rằng, cần thúc đẩy đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn có tác động lan tỏa để nền kinh tế có thêm cú hích, không bị mất đà trong bối cảnh môi trường kinh doanh trong và ngoài nước đang bất định như hiện nay.

Sứ mệnh “sếu đầu đàn” được kỳ vọng ở các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có SCIC, sẽ thực hiện được nếu doanh nghiệp được có con đường mới cho hành trình mới. Điều này hoàn toàn có cơ sở như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nói với cộng đồng doanh nghiệp nhà nước: “Doanh nghiệp nhà nước phải nói rõ được điểm nghẽn nào cần tháo gỡ, tạo điều kiện gì để huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Vì sao SCIC định giá cao cho lô cổ phần tại Viwaseen?
Lô cổ phần chiếm 98% vốn Tổng công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam - CTCP (Viwaseen) được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư