Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vì sao SCIC định giá cao cho lô cổ phần tại Viwaseen?
Kỳ Thành - 13/09/2022 08:26
 
Lô cổ phần chiếm 98% vốn Tổng công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam - CTCP (Viwaseen) được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chào bán với giá cao gấp 1,5 lần so với thị giá trên sàn.

SCIC sẽ tiến hành đấu giá trọn lô gần 56,95 triệu cổ phần đang sở hữu tại Viwaseen (mã VIW - UPCoM), tương đương 98% vốn điều lệ của Viwaseen.

Với giá khởi điểm gần 1.349 tỷ đồng (tương đương 23.683 đồng/cổ phần), mức giá mà SCIC chào bán cao gấp 1,5 lần thị giá, tính theo giá đóng cửa phiên 7/9 - phiên gần nhất mà cổ phiếu VIW có giao dịch. Nếu đủ điều kiện tiến hành, phiên đấu giá sẽ diễn ra ngày 23/9/2022 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

doanh nghiệp có bề dày truyền thống, nhưng tình hình kinh doanh của Viwaseen trong giai đoạn 2018-2021 cho thấy sự sụt giảm về doanh thu và trồi sụt về lợi nhuận. Lũy kế 2 quý đầu năm 2022, doanh thu thuần của Viwaseen đạt hơn 424 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021; lãi sau thuế 1,09 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 10,3 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 30/6/2022, tổng tài sản của Viwaseen đạt 2.263 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với đầu năm. Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của Tổng công ty tính đến cuối tháng 6/2022 là 1.539 tỷ đồng, cao gấp 2 lần vốn chủ sở hữu. Viwaseen cũng đang ghi nhận lỗ lũy kế tính đến hết quý II là gần 21 tỷ đồng.

Năm 2022, Viwaseen đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 1.445 tỷ đồng, lãi trước thuế 30,43 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh sau 2 quý, Tổng công ty sẽ phải rất nỗ lực trong nửa cuối năm để có thể “về đích”.

Trong bản công bố thông tin của đợt đấu giá, bên cạnh các căn cứ pháp lý là các nghị định của Chính phủ, SCIC nêu thêm một căn cứ để định giá cao cho lô cổ phần nói trên là chứng thư thẩm định giá tại thời điểm 30/6/2021 do Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC phát hành ngày 25/5/2022.

Mặc dù không được xem là một căn cứ để định giá, nhưng phía Viwaseen và đơn vị tư vấn cho đợt chào bán cổ phần là Công ty cổ phần Chứng khoán MB cho rằng, các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Tổng công ty có tiềm năng và cơ hội phát triển tốt trong tương lai. Cụ thể, nhu cầu sử dụng nước không ngừng tăng lên, các dự án bất động sản đô thị, nghỉ dưỡng xuất hiện ngày càng nhiều dẫn tới nhu cầu đầu tư hệ thống cấp thoát nước kèm theo. Bên cạnh đó, giá bán trung bình nước sạch sẽ tăng 3 - 5% tùy thuộc mỗi địa phương.

Giới đầu tư trên thị trường nhận định, một yếu tố đáng chú ý của đợt thoái vốn lần này là đất, bởi Viwaseen đang nắm giữ quyền sử dụng những mảnh đất có diện tích lớn ngay trung tâm TP. Hà Nội. Đơn cử, khu đất 52 - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) có diện tích 1.282 m2 đang làm trụ sở, văn phòng của Tổng công ty, nhưng đã có dự án xây dựng tòa nhà văn phòng mới, đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục để điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Một yếu tố nữa cũng đáng chú ý là, nếu năm 2014 - thời điểm Viwaseen chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng để tăng vốn lên 800 tỷ đồng, số cổ phần được chào bán là 22,5 triệu (tương ứng 28,1% vốn), giá khởi điểm dù chỉ là 10.200 đồng/cổ phần nhưng không thực sự thành công, bởi nếu mua hết lượng chào bán thì chưa đủ tỷ lệ chi phối. Tuy nhiên, tại đợt thoái vốn lần này của SCIC, nhà đầu tư nào mua được lô cổ phần sẽ có quyền tuyệt đối tại Viwaseen.

SCIC chào bán lô cổ phần Viresco: Càng ế, càng... tăng giá
Sau nhiều lần chào bán đấu giá lô cổ phần tại Công ty cổ phần Địa ốc Vĩnh Long (Viresco) và đều thất bại, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư