Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 29 tháng 12 năm 2024,
Cú hích trong thu hút đầu tư vào R&D
Nguyên Đức - 12/04/2024 09:46
 
Các chính sách hỗ trợ đầu tư có thể sẽ là cú hích quan trọng để Việt Nam thu hút nhiều hơn vốn đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là của các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Bosch…
Samsung sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư, tuyển dụng nhân lực cho các hoạt động R&D tại Việt Nam. Trong ảnh: Kỹ sư làm việc tại SRV

Cú hích Samsung

Hơn 1 năm sau khi đưa Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới (SRV) tại Khu đô thị Tây Hồ Tây Hà Nội, quy mô đầu tư 220 triệu USD, đi vào hoạt động, Samsung đã chính thức có những thông tin đầu tiên liên quan đến hoạt động của trung tâm này.

“Số lượng kỹ sư của Trung tâm vào thời điểm khánh thành là 2.000 người, nhưng hiện tăng lên 2.400 người”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam nói. Ông Choi Joo Ho tự hào cho biết, mới đây, các kỹ sư của SRV đã trực tiếp nghiên cứu, phát triển và tích hợp tính năng AI trên sản phẩm Galaxy S24 vừa ra mắt. Tiếng Việt là một trong 13 ngôn ngữ được hỗ trợ bởi Galaxy AI.

Tuy nhiên, Galaxy AI không phải là dự án toàn cầu duy nhất mà các kỹ sư Việt Nam của SRV thực hiện. Theo ông Đỗ Đức Dũng, Giám đốc Bộ phận Phát triển phần mềm SRV, trước đó, các kỹ sư Việt Nam đã tham gia các dự án toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển điện thoại di động Samsung Việt Nam (SVMC), tiền thân của SRV hiện nay. SVMC được thành lập vào năm 2012, với trụ sở được đặt tại Tòa nhà PVI (Phạm Văn Bạch, Hà Nội).

“Theo như tên gọi này, lúc đó, chúng tôi chỉ tập trung phát triển các giải pháp phần mềm công nghệ cho điện thoại di động, nhưng với SRV, lĩnh vực hoạt động của chúng tôi đã mở rộng ra, không chỉ cho thiết bị di động, mà còn với Note PC và thiết bị viễn thông. Điều này cho thấy sự tăng trưởng không ngừng của SRV Việt Nam”, ông Đỗ Đức Dũng nói.

Có vẻ như, cam kết của Samsung - đưa SRV trở thành trung tâm R&D số 1 toàn cầu, tập trung nghiên cứu chuyên sâu những công nghệ cốt lõi - đang dần trở thành hiện thực, bởi giờ đây, SRV đang được giao đảm nhận nhiều dự án quan trọng của Tập đoàn.

Lần đầu tiên, SRV nhận nhiệm vụ phát triển toàn diện cho sản phẩm Note PC cấp cơ sở, từ cơ khí, phần cứng và phần mềm. Đây là nền tảng để phát triển nhiều mẫu Note PC về sau. Ngoài ra, SRV cũng đã bắt đầu nhận các dự án phát triển cho các sản phẩm mạng viễn thông Network và tiếp nhận chuyển giao 2 mảng hoạt động chiến lược từ Hàn Quốc, bao gồm tính năng đa phương tiện và tính năng bảo mật trên điện thoại Samsung.

Bên cạnh đó, theo ông Đỗ Đức Dũng, hàng năm, SRV đều nhận chuyển giao công nghệ từ các trung tâm R&D khác của Samsung trên toàn cầu, cũng như từ Hàn Quốc. “Bằng việc chuyển giao AI - là công nghệ tiên tiến nhất và quan trọng nhất của Tập đoàn cho Việt Nam vào cuối năm ngoái, Samsung đã giữ đúng lời hứa với Chính phủ Việt Nam về việc quyết tâm đưa Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất để trở thành cứ điểm chiến lược về R&D của Samsung trên toàn cầu”, ông Đỗ Đức Dũng nói.

Sự phát triển của SRV chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó, bởi ông Choi Joo Ho cho biết, thời gian tới, Samsung sẽ tiếp tục gia tăng các hoạt động đầu tư, tuyển dụng nhân lực cho các hoạt động R&D tại Việt Nam.

Tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam hiện lên hơn 22,4 tỷ USD, giữ vững vị trí là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. “Năm 2023, Samsung đã tăng đầu tư vào dây chuyền sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn khoảng 500 triệu USD, nâng tổng quy mô đầu tư bổ sung trong năm lên 1,2 tỷ USD. Trong năm nay, chúng tôi có kế hoạch đầu tư bổ sung khoảng 500 triệu - 1 tỷ USD vào Việt Nam”, ông Choi Joo Ho thông tin.

“Nhấn ga” hút đầu tư vào R&D

Samsung không phải là nhà đầu tư nước ngoài duy nhất có các hoạt động đầu tư vào R&D tại Việt Nam. LG, Bosch… đều có các hoạt động tương tự. Tuy nhiên, một báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ ra rằng, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài đầu tư cho R&D còn hạn chế, mặc dù có hơn 100 tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam, nhưng chỉ có 2 tập đoàn là Samsung và LG đầu tư trung tâm R&D quy mô lớn tại Hà Nội.

Tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài đầu tư cho R&D còn hạn chế. Mặc dù có hơn 100 tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam, nhưng chỉ có 2 tập đoàn là Samsung và LG đầu tư trung tâm R&D quy mô lớn tại Hà Nội.

Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ

Thậm chí, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên và duy nhất đầu tư xây dựng riêng một tòa nhà bề thế dành riêng cho các hoạt động R&D. Cũng chỉ tại Việt Nam, Samsung mới xây dựng một tòa nhà riêng cho Trung tâm R&D như vậy. Giống như một “cú hích”, việc Samsung đầu tư mạnh cho các hoạt động R&D tại Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng thu hút nhiều hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài tăng tốc đầu tư vào R&D tại Việt Nam.

Hơn nữa, Việt Nam đang xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm “nhấn ga” hút đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể, theo Dự thảo Nghị định thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư, đầu tư vào R&D là một trong 5 lĩnh vực dự kiến nhận hỗ trợ từ Quỹ. Tất nhiên, kèm theo đó là điều kiện, ví như trung tâm R&D phải có quy mô vốn 3.000 tỷ đồng. Nếu đạt tiêu chí, mức hỗ trợ bằng tiền mặt cho các hoạt động R&D, theo như dự thảo ban đầu, có thể lên tới 30-50%, tùy thuộc vào quy mô chi phí nghiên cứu và phát triển mà doanh nghiệp đã chi trong năm tài chính với mức 120 tỷ đồng, 240 tỷ đồng, hay trên 240 tỷ đồng.

Mới chỉ là dự thảo, với các mức hỗ trợ cụ thể đang tiếp tục được thảo luận, song thông tin này đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều ý kiến góp ý đã được đưa ra. Bà Virginia B. Foote, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) khi góp ý Dự thảo Nghị định thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư đã cho rằng, cần làm rõ quy định về tiêu chí “doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm R&D”, bởi có doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động R&D, nhưng không xây dựng một trung tâm R&D riêng.

“Trong trường hợp này, nhà đầu tư được hỗ trợ hay không và sẽ hỗ trợ như thế nào?”, bà Virginia B. Foote băn khoăn.

Trong khi đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mức hỗ trợ tối đa lên đến 50% chi phí R&D của doanh nghiệp nên được nâng cao hơn (ví dụ khoảng 75%, trong trường hợp nhà đầu tư thuê một đơn vị của Việt Nam để thực hiện hoạt động R&D).

“Cơ chế này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cộng tác chặt chẽ hơn với các cơ sở nghiên cứu trong nước, từ đó giúp nâng cao năng lực cho các đơn vị này, lan toả đến sự phát triển khoa học - công nghệ của Việt Nam”, VCCI nêu quan điểm. Theo VCCI, cũng nên cân nhắc bổ sung tiêu chí về quốc tịch của lao động trực tiếp thực hiện R&D nhằm khuyến khích việc tuyển dụng nghiên cứu viên, nhà khoa học Việt Nam thực hiện hoạt động R&D tại các doanh nghiệp này.

Thực tế, tại SRV, trong tổng số 2.400 kỹ sư đang làm việc, chỉ có 10 kỹ sư Hàn Quốc - đóng vai trò cầu nối. Số còn lại, 2.300 người là kỹ sư Việt Nam, đảm nhiệm mọi khâu trong các hoạt động R&D của Samsung tại Việt Nam.

Samsung đồng hành với Việt Nam phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao
Samsung đang thực hiện nhiều hoạt động để có thể trở thành “doanh nghiệp nỗ lực nhiều nhất cho đào tạo nhân tài công nghệ tại Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư