Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cục Hàng hải điều tra vụ chìm ca nô tại Cần Giờ
Bảo Như - 26/08/2013 10:12
 
Điều tra của Cục Hàng hải Việt Nam về vụ chìm ca nô tại khu vực Cần Giờ (TP.HCM) gần đây làm 9 người chết cho thấy, có không ít lỗ hổng trong công tác quản lý an toàn hàng hải.

Kết luận điều tra ban đầu của Tổ điều tra của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, có 2 nguyên nhân trực tiếp khiến chiếc ca nô định mệnh mang số hiệu BP 12-04-02 bị chìm.

Phát lộ những lỗ hổng lớn về quản lý an toàn giao thông đường thủy
từ vụ chìm ca nô thảm khốc tại Cần Giờ

Theo thiết kế, ca nô này chỉ được phép chở tối đa 12 người, nhưng thực tế đã chở tới 30 người (chưa kể hành lý cá nhân kèm theo).

Đồng thời, theo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật do Đăng kiểm của Quân chủng Hải quân cấp, ca nô này chỉ được phép chạy tuần tra trên sông, vịnh, không được phép chạy trên biển.

Tuy nhiên, đơn vị mượn ca nô để chở khách là Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina vẫn cho ca nô chạy trên quãng đường dài từ Tiền Giang sang Vũng Tàu và bị chìm tại khu vực biển Cần Giờ, tức là vượt ra ngoài vùng hoạt động cho phép.

Trước đó, người điều khiển, đơn vị mượn ca nô (Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina) và chủ ca nô (Công ty Việt - Séc) đã không tuân thủ các quy định như tàu thuyền chỉ được phép vào, rời các cầu, bến cảng đã được cơ quan có thẩm quyền công bố và cảng vụ hàng hải có trách nhiệm làm thủ tục cho tàu thuyền khi vào, rời cầu, bến cảng biển.

Cụ thể, theo phân công, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu có trách nhiệm làm thủ tục cho tàu thuyền vào, rời cảng biển thuộc địa phận Vũng Tàu; Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho có trách nhiệm làm thủ tục cho tàu thuyền vào rời cảng biển thuộc địa phận Tiền Giang.

“Tuy nhiên, các ca nô này đã xuất phát từ khu vực mép bờ thuộc Công ty Việt - Séc tại Vũng Tàu, là nơi chưa được công bố cầu bến cảng; và vào, rời cảng xăng dầu Hiệp Phước tại Tiền Giang, là nơi không được công bố để đón trả khách. Người điều khiển các ca nô này cũng không thông báo cho cảng vụ hàng hải theo quy định, nên Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu và Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho không biết thông tin để hướng dẫn, xử lý kịp thời”, đại diện Tổ điều tra Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.

Liên quan đến việc 2 ca nô còn lại nhìn thấy người bị nạn mà không cứu, qua xác minh, Tổ điều tra cho thấy, thông tin ca nô H790 HQ và ca nô BP 12-04-01 có nhận thông tin và đã phát hiện ca nô BP 12-04-02 gặp nạn, nhưng không cứu người bị nạn, mà tiếp tục chạy về Vũng Tàu là đúng sự thật.

Cần phải nói thêm là, hai ca nô nói trên đang hoạt động ngoài vùng hoạt động cho phép và chở quá số người quy định, nên không bảo đảm an toàn, có nguy cơ gặp nguy hiểm cao, do đó có thể được miễn trừ việc cứu người gặp nạn, song nhất thiết phải thông báo ngay cho các cơ quan đơn vị liên quan biết để tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn kịp thời.

Kết quả điều tra ban đầu cũng cho thấy, một số tổ chức, cá nhân có dấu hiệu che giấu thông tin liên quan đến vụ tai nạn, không thông báo kịp thời cho cơ quan chuyên ngành về tìm kiếm cứu nạn, người điều khiển phương tiện vi phạm nghiêm trọng các quy định về giao thông đường thuỷ và hàng hải.

Căn cứ khoản 6, Điều 12, Thông tư số 27/2012 /TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải ngày 20/7/2012 về báo cáo điều tra tai nạn, vào ngày 22/8/2013, Tổ điều tra tai nạn đã chuyển hồ sơ liên quan đến vụ việc cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM thụ lý theo thẩm quyền.

Được biết, cùng với việc tiếp tục phối hợp với cơ quan điều tra, lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thành lập các tổ công tác liên ngành để kiểm tra đột xuất khi tàu rời hoặc cập bến và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý hoạt động của tàu cao tốc chở khách.

Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam khẩn trương phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về tàu công vụ, việc đăng ký và đăng kiểm tàu công vụ. Quy định phân biệt cụ thể, rõ ràng giữa tàu quân sự với tàu công vụ thuộc lực lượng vũ trang.

Cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải cũng được yêu cầu trước ngày 15/9/2013 phải hoàn thành các thủ tục cần thiết để đăng ký số điện thoại đặc biệt của lực lượng tìm kiếm cứu nạn và thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng cho tất cả các chủ tàu; đồng thời yêu cầu chủ tàu phải niêm yết số điện thoại đặc biệt đó trên tàu tại nơi dễ nhìn thấy và phổ biến cho hành khách khi đi tàu để có thể thông tin liên lạc nếu có sự cố xảy ra.

Kiểm tra tàu cao tốc chở khách tại cảng Cái Rồng
Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thuộc Cảng vụ Đường thủy nội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư