Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cuộc đua đầu tư giáo dục tư nhân: Món hời không dành cho “tay mơ siêu lướt”
Vũ Anh - 06/07/2021 09:06
 
Cuộc đua đầu tư vào giáo dục tư nhân tại Việt Nam ngày càng nóng, khi các nhà đầu tư tinh tường nhìn thấy những món hời. Nhưng lĩnh vực đặc thù này không dành cho “tay mơ siêu lướt”.
Với 41% dân số thuộc “thế hệ vàng” (dưới 24 tuổi), số lượng gia đình trung lưu ngày một tăng mạnh, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng cho đầu tư giáo dục
Với 41% dân số thuộc “thế hệ vàng” (dưới 24 tuổi), số lượng gia đình trung lưu ngày một tăng mạnh, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng cho đầu tư giáo dục

Cầu cao, cung chọn lối nào?

Ông David Armstrong từng là Chủ tịch Trường đại học Broward College, một đại học lớn với 65.000 sinh viên tại bang Floria (Mỹ). Sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại đây, ông đến Việt Nam làm việc và hiện là Phó chủ tịch phụ trách chiến lược quốc tế của Tập đoàn Giáo dục EQuest, đồng thời vừa được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Trường St. Nicholas (Đà Nẵng) - một thành viên của EQuest.

Thông tin này được tung ra sau khi EQuest nhận khoản vốn 100 triệu USD từ Quỹ KKR (Mỹ). EQuest và KKR bày tỏ kỳ vọng, khoản đầu tư này sẽ giúp EQuest mở rộng hoạt động và tiếp tục mang đến cho học sinh, sinh viên Việt Nam cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng đẳng cấp thế giới với chi phí phù hợp.

Việt Nam hiện có 5 cơ sở giáo dục đại học và gần 100 cơ sở giáo dục ở các bậc học mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 450 chương trình đào tạo quốc tế được giảng dạy tại 70 cơ sở giáo dục đại học.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/9/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt 78,89 triệu USD, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm trước.

Những năm gần đây, trước tiềm năng bùng nổ của giáo dục quốc tế tại Việt Nam, luồng vốn đầu tư lớn ồ ạt đổ vào các trường tư nhân.

Có thể kể đến Quỹ giáo dục Cognita mua Trường quốc tế TP.HCM (International School of HCMC) và Trường tiểu học Saigon Pearl; Quỹ North Anglia mua Trường quốc tế Anh quốc (British International School); EQT đầu tư vào ILA, một chuỗi trung tâm tiếng Anh lớn tại Việt Nam.

Cùng với đó, IFC đầu tư vào chuỗi trung tâm tiếng Anh có tên Vietnam - USA Society; Mekong Capital đầu tư vào trung tâm tiếng Anh YOLA; IAE đầu tư vào Đại học Western University; start-up Astrid (Thụy Điển) cũng đã kêu gọi đầu tư 5,3 triệu USD cho mảng học trực tuyến và nhảy vào thị trường Việt Nam.

Gần đây, các công ty con của Apax Holdings cũng nhanh tay và liên tục triển khai các kế hoạch lớn với nguồn vốn trong nước. Trong năm nay, nhiệm vụ chính của Apax Holdings là huy động vốn để đầu tư cho hoạt động của các công ty con, công ty thành viên, đặc biệt là đầu tư mua đất xây trường, trung tâm. 

Không khó hiểu khi các nhà đầu tư dồn dập rót vốn vào lĩnh vực giáo dục quốc tế tại Việt Nam. Với 41% dân số thuộc “thế hệ vàng” (dưới 24 tuổi), số lượng người giàu và gia đình trung lưu ngày một tăng mạnh, người Việt Nam sẽ sớm có khả năng chi trả nhiều hơn cho việc học tập của con cái theo tiêu chuẩn giáo dục cao hơn.

Ken Research và Ambient dự báo, thị trường edtech (công nghệ giáo dục) của Việt Nam sẽ đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019 - 2023.

Còn theo Edtech Agency, thời điểm hiện tại, Việt Nam nằm top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng edtech lớn nhất thế giới. Tổng vốn đầu tư vào các start-up trong lĩnh vực này tại Việt Nam hiện khoảng 20,2 triệu USD, đạt mức tăng trưởng khoảng 44,3% trong 2 năm vừa qua.

Nguồn cầu giáo dục bậc cao tại Việt Nam sẽ ngày càng tăng. Vậy, nguồn cung sẽ đáp ứng theo mô hình và quy mô nào?

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital cho biết, thị trường giáo dục được Quỹ này chia thành 3 nhóm: nhóm K-12 (từ mẫu giáo đến lớp 12), nhóm Anh văn và nhóm chuyên môn kỹ thuật/kỹ năng/dạy online. Trong đó, mảnh đất màu mỡ nhất thuộc về nhóm K-12. Đây cũng là mảng được nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đầu tư mạnh mẽ, như Thành Thành Công Edu, FLC, Vingroup, EQuest, TH, Apax, Tuệ Đức, Nguyễn Hoàng…

Tuy nhiên, một số quan điểm lại cho rằng, đầu tư kinh doanh hệ cao đẳng, đại học, sau đại học có lợi nhuận tốt hơn. Bởi, đối tượng của hệ này là sinh viên, phần lớn có nhu cầu học nghề, kiến thức, cách tư duy…, mức thu học phí cao, nhưng không mất nhiều thời gian, chi phí, nhân sự chăm sóc, uốn nắn như đối với hệ K-12.

Liên quan vấn đề hiệu quả kinh doanh, người sáng lập EQuest từng đưa ra bài toán: để xây dựng một trường học có diện tích 1 - 2 ha, chi phí trung bình là 150 - 300 tỷ đồng, chưa kể hơn 100 tỷ đồng chi phí đất đai. Giả sử mức đầu tư ban đầu khoảng 300 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt 30 tỷ đồng/năm, thì cần 12 năm từ lúc đạt mức lợi nhuận đó, trường mới hoàn vốn. Để đạt lợi nhuận 30 tỷ đồng/năm, thì doanh thu của trường phải đạt ít nhất là 200 tỷ đồng/năm (với giả định biên lợi nhuận là 15% - mức cực tốt). Với mức doanh thu này, trường cần có 1.000 - 1.200 học sinh với mức học phí là 200 triệu đồng/năm (bao gồm cả chi phí ăn học, xe đưa đón…). Đây là bài toán không đơn giản. 

Nhận diện nhà đầu tư

Trước khi kết luận mô hình nào sẽ sinh lời nhiều hơn, nhanh hay chậm, cần nhận diện phong cách của các nhà đầu tư trong làn sóng rót vốn này.

Theo ông Robert Trần, Giám đốc điều hành Tập đoàn Tư vấn chiến lược RBNC, phụ trách thị trường Bắc Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ chuỗi các trung tâm tiếng Anh, trong phân khúc K-12 và cao đẳng, đại học, sau đại học, có một số nhóm nhà đầu tư chủ yếu.

Nhóm thứ nhất là các nhà phát triển bất động sản, chẳng hạn Vingroup. Tập đoàn này đầu tư vào giáo dục để tạo giá trị gia tăng cho các dự án bất động sản nhằm thu hút khách hàng. 

Nhóm thứ hai là các quỹ đầu tư. Có thể thấy, các quỹ ngoại đầu tư vào mảng giáo dục tại Việt Nam hiện nay hầu hết đều ở trạng thái “lướt sóng”. Trong khi đó, đầu tư giáo dục là cuộc chơi dài hạn, cần ít nhất 5 - 7 năm.

Trên thị trường hiện cũng không hiếm những nhà đầu tư chọn đầu tư vào giáo dục theo kiểu “trang sức” để đánh bóng hình ảnh cá nhân - đây là nhóm thứ ba, song bên cạnh đó, cũng có nhiều công ty trong và ngoài nước chuyên đầu tư vào giáo dục một cách chuyên nghiệp và xác định đi đường dài - nhóm thứ tư.

Ông Robert Trần nhấn mạnh: “Kinh doanh giáo dục không chỉ có yếu tố kinh doanh, mà còn vì phát triển con người về thể chất, văn hoá, đạo đức…. Vì vậy, mô hình song ngữ sẽ là xu hướng chủ đạo trong lĩnh vực này”.

Tuy nhiên, nếu trường quốc tế chỉ tập trung vào tiếng Anh, thì sẽ dẫn đến rất nhiều bạn trẻ người Việt Nam không nói chuẩn tiếng Việt hoặc rất khó khăn khi muốn thể hiện bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, mặc dù sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng, điều đó sẽ giúp các bạn trẻ nhanh chóng trở thành công dân toàn cầu, song theo giới chuyên môn, điều đó là ngộ nhận. Ngôn ngữ chỉ là bước đầu, muốn hòa nhập tốt vào môi trường toàn cầu, trước tiên, mỗi cá nhân phải giữ vững cái “gốc”. Các trường song ngữ cần đặt mục tiêu giúp học sinh vừa đạt được tiêu chí tiếng Anh, vừa hiểu biết về văn hóa, dân tộc, ngôn ngữ Việt Nam.

Riêng trong phân khúc chuỗi trung tâm tiếng Anh, tên tuổi đang “phủ sóng” thị trường là Apax Holdings, với 4 phân khúc, gồm: chuỗi tiếng Anh cao cấp Apax Leaders; hệ thống Anh ngữ Englishnow (nhắm vào thị phần tiếng anh trẻ em ứng dụng công nghệ); chuỗi trường mầm non song ngữ STEAMe Garten và hệ thống trường liên cấp tiêu chuẩn Australia - Firbank Australia đang được đầu tư.

Apax Holdings gia tăng độ  phủ thông qua việc bắt tay nhà đầu tư nước ngoài như SK Telecom, Chungdahm, Visang,  Mega Study, MegaNext (Hàn Quốc), Skillsoft (Mỹ)...

Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây, Apax Holdings công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với doanh số hơn 1.950 tỷ đồng, đạt 87% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 75 tỷ đồng.

Năm 2021, Apax Holdings đặt mục tiêu doanh thu 2.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2021, Apax Holdings ghi nhận doanh thu gần 467 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2020. Sau khi trừ chi phí, Công ty thu về vỏn vẹn 2,4 tỷ đồng lãi ròng, nhưng vẫn khả quan hơn số lỗ hơn 170 tỷ đồng trong quý I/2020 do ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19.

Mặc dù có lãi, song để duy trì tăng trưởng, Apax Holdings tiếp tục gia tăng lượng tiền đi vay. Thời điểm ngày 31/3/2021, nợ vay tài chính của Công ty đã tăng gần 32% so với đầu năm, lên mức 1.427 tỷ đồng, chủ yếu là vay trái phiếu.

Trong khi đó, Equest lại được bơm thêm vốn từ quỹ đầu tư cũng đang trong lộ trình trở thành một trong những tập đoàn giáo dục tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Người sáng lập EQuest từng cho rằng, trong đầu tư kinh doanh giáo dục, rất khó tăng quy mô, tức là không xây quy mô lớn được, cả về đào tạo giáo viên lẫn xây dựng cơ sở vật chất. Nhưng trên thực tế, EQuest đang vận hành một hệ sinh thái giáo dục đa dạng, tập trung vào 4 lĩnh vực: hệ thống trường phổ thông song ngữ từ lớp 1 tới lớp 12, hệ thống trường đại học - cao đẳng dạy nghề, trung tâm đào tạo tiếng Anh và các giải pháp công nghệ giáo dục. Hiện EQuest có hơn 110.000 học sinh, sinh viên theo học mỗi năm trên toàn hệ thống.

Đầu tư vào giáo dục rất tiềm năng và còn nhiều dư địa, nhưng sẽ ngày càng khó. Các thủ tục và yêu cầu pháp lý đối với đầu tư giáo dục vẫn đang khiến các nhà đầu tư “đau đầu”, nhất là các nhà đầu tư ngoại, mới gia nhập thị trường. Đầu tư trong lĩnh vực đặc thù này, có vốn lớn chưa hẳn có thể thành công, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược phát triển con người về thể chất, văn hóa, đạo đức…

Apax Holdings dự tính doanh thu tăng mạnh, đầu tư mua đất xây trường
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Apax Holdings thông qua kế hoạch kinh doanh năm với doanh thu tăng gần 49%, còn lãi sau thuế dự kiến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư