Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Da giày, túi xách tìm cơ hội tăng xuất khẩu
Thế Hoàng - 21/05/2020 09:46
 
Các doanh nghiệp da giày, túi xách đang khởi động những chương trình xúc tiến thương mại, tìm khách hàng mới để tăng doanh thu xuất khẩu.
.
Năm 2020, ngành da giày, túi xách đặt mục tiêu xuất khẩu 24 tỷ USD, trong đó 20 tỷ USD giày dép và 4 tỷ USD túi xách.

Doanh nghiệp Mỹ quan tâm hàng Việt Nam

Lần đầu tiên, 60 nhà nhập khẩu giày dép Mỹ sẽ tham gia hội nghị trực tuyến trong lĩnh vực giày dép, túi xách của Việt Nam, nhằm tìm kiếm các nhà cung ứng mới. Sự kiện này sẽ diễn ra trong 3 ngày cuối tháng 5/2020 (từ 28-30/5), thông qua phối hợp tổ chức của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ với Hiệp hội Các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ (FDRA).

Diễn ra trong bối cảnh thương mại toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, sự tham gia của 60 doanh nghiệp Mỹ trong sự kiện xúc tiến thương mại này phần nào cho thấy, ngành da giày Việt Nam vẫn được các nhà nhập khẩu đánh giá cao về khả năng cung ứng.

Là đơn vị tổ chức sự kiện kết nối giao thương lần này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được cập nhật tình hình thị trường giày dép của Mỹ, xu hướng thị trường, tác động của Covid-19, dự báo thị trường tiêu dùng hậu Covid-19, cách tiếp cận thị trường, chiến lược mới cho các doanh nghiệp giày dép Việt Nam để phục vụ tốt hơn mong đợi của khách hàng Mỹ.

Phương thức tiếp thị thời kỳ số hóa đã thay đổi, doanh nghiệp không nhất thiết phải sang Mỹ mới tìm được khách hàng mới. Nếu biết tận dụng mọi kênh để kết nối với các nhà nhập khẩu, vẫn có cơ hội có thêm đơn hàng, tăng doanh số xuất khẩu.

Theo bà Thủy, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn, khi họ đồng ý giao thương với nhà cung cấp thì phía doanh nghiệp Việt Nam phải tận dụng cơ hội này để quảng bá, mục tiêu tối thượng là có được niềm tin để chốt hợp đồng cho tương lai. Thực tế, không dễ dàng để nhận được sự “gật đầu” của 60 nhà mua hàng Mỹ.

Thông tin từ Ban tổ chức, đã có 15 doanh nghiệp lớn tại TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Cần Thơ và Đồng Nai tham dự sự kiện giao thương. Các doanh nghiệp này đã chuẩn bị đầy đủ dữ liệu, từ video clip, hàng mẫu để giới thiệu…

Số liệu công bố bởi FDRA cho thấy, nhà nhập khẩu Mỹ vẫn “kết” đặt hàng từ Việt Nam, bằng chứng là giá trị nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm qua.

Năm 2019, các doanh nghiệp Mỹ nhập từ Việt Nam lượng giày dép, túi xách trị giá 8,2 tỷ USD, tăng thêm khoảng 1 tỷ USD so với năm 2018 (trong đó, 6,65 tỷ USD giày dép và gần 1,6 tỷ USD túi xách).

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), Chủ tịch BTS Group cho biết, trước thời điểm dịch bệnh xảy ra, các hãng giày lớn như Nike, Adidas, New Balance, Lululemon… đều tăng đặt hàng tại Việt Nam. Vì dịch bệnh, việc hủy hoãn đơn hàng là điều không thể tránh khỏi, nhưng vượt qua được giai đoạn này, ngành da giày, túi xách sẽ tiếp tục ghi điểm với các nhà nhập khẩu không chỉ tại Mỹ, mà tại nhiều thị trường lớn khác.

Đồng Nai, địa phương có nhiều doanh nghiệp da giày hoạt động công bố tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng giày dép tăng 7% so với cùng kỳ 2019, với trị giá 1,4 tỷ USD.

Sẵn sàng cho thời kỳ hậu Covid-19

Nếu ngành dệt may sụt giảm gần 7% kim ngạch xuất khẩu sau 4 tháng đầu năm 2020, thì da giày, túi xách, ngành hàng đóng góp 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong năm 2019 vẫn đang duy trì tăng trưởng dương.

4 tháng đầu năm, giày dép, túi xách đạt giá trị xuất khẩu 6,6 tỷ USD, trong đó, giày dép đạt 5,5 tỷ USD, tăng 1,3%; túi xách, va li, ô dù đạt 1,1 tỷ USD.

Tính đến hết quý I/2020, ngành da giày, túi xách Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm tới hơn 100 nước, trong đó có 70 nước đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD.

Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên cho biết, năm 2020, Công ty đặt mục tiêu gia công khoảng 2,3 triệu đôi giày thể thao, doanh thu xuất khẩu là 60 triệu USD, doanh thu gia công 350 tỷ đồng, nhưng dịch bệnh ập đến làm mục tiêu này bị lung lay, khi xuất khẩu quý I/2020 giảm khoảng 15%.

“Nhưng khó là khó chung và không chỉ riêng doanh nghiệp Việt Nam, nên dù khó mấy, Công ty vẫn phải có chính sách giữ chân người lao động, chờ kết quả dập dịch của thế giới để bắt tay vào làm hàng xuất khẩu ngay khi khách hàng trở lại”, ông Lê Thanh Thủy, Giám đốc Công ty Giày Vĩnh Yên nói.

Hiện, năng lực sản xuất, từ nhân công đến nhà xưởng, thiết bị sản xuất đều được Công ty Giày Vĩnh Yên chuẩn bị sẵn sàng. Trước đó, Công ty đã đầu tư trên 60 tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp nhà xưởng, mua sắm các trang thiết bị hiện đại, chuẩn hóa hoạt động sản xuất để đáp ứng yêu cầu từ các nhà nhập khẩu EU, Mỹ…

Ông Nguyễn Đức Thuấn khẳng định, xuất khẩu giày dép sang thị trường Mỹ, Nhật Bản… được dự báo có cơ hội tăng trưởng sau thời kỳ dịch bệnh, doanh nghiệp cần nắm bắt các cơ hội để có thêm khách hàng, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu ngay khi Covid-19 được khống chế.

Năm 2020, ngành da giày, túi xách đặt mục tiêu xuất khẩu 24 tỷ USD, trong đó 20 tỷ USD giày dép và 4 tỷ USD túi xách.

Mục tiêu thu 18 tỷ USD từ xuất khẩu da giày, túi xách: Đường đi còn khúc khuỷu
Tăng trưởng xuất khẩu ở mức một chữ số của ngành da giày trong năm 2016 tiếp tục là phép thử để hoàn thành chỉ tiêu 18 tỷ USD cho xuất khẩu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư