Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
ĐÀ NẴNG, đầu tàu du lịch miền Trung
Ngọc Sơn - 21/03/2013 09:00
 
Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn Đà Nẵng là điểm đến hàng đầu để xây dựng những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế.
TIN LIÊN QUAN

Hiếm nơi nào có sức hút đầu tư phát triển du lịch như Đà Nẵng

(baodautu.vn) Việt Nam có rất nhiều địa danh lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, nhưng trong mắt ông Peter Ryder, Tổng giám đốc Indochina Land, khó có nơi nào sánh bằng dải bờ biển kéo dài từ Đà Nẵng đến phố cổ Hội An. Lý do không chỉ bởi những bãi biển dài ngút tầm mắt, mà nơi này còn có tới 3 di sản thế giới bao quanh, đó là Huế, Hội An và Mỹ Sơn. Hơn nữa, Đà Nẵng còn có sân bay quốc tế, có thể kết nối dễ dàng bằng các chuyến bay 2 - 3 giờ đến các trung tâm du lịch của châu Á, như Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore và Hồng Kông.

Chính vì thế, Indochina Land đã quyết định chọn miền Trung là trọng điểm đầu tư, xây dựng hàng loạt dự án nghỉ dưỡng, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 300 triệu USD. Bắt đầu bằng khu phức hợp Indochina Riverside Towers tại Đà Nẵng, Indochina Land nhanh chóng mở rộng đầu tư, với việc khai trương Khu nghỉ dưỡng The Nam Hải và Sân golf Montgomerie Links tại huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và mới đây nhất là Khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency Danang Resort.

Ông Peter Ryder cho biết, khi bắt tay xây dựng những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp ở miền Trung, không ít người đã nghi ngờ khả năng thành công của những dự án này, bởi thực tế, miền Trung không phải là địa danh nổi tiếng trên bản đồ du lịch quốc tế. Nhưng với những tính toán sắc sảo và tầm nhìn của một nhà đầu tư bất động sản quốc tế, Peter Ryder rất tự tin về khả năng thành công của những dự án này.

Quả thực, những dự án của Indochina Land giờ đã cho trái ngọt. Đơn cử, kể từ lúc tung ra thị trường năm 2009, Khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency Danang đã đạt doanh thu bán bất động sản lên tới 78 triệu USD. Đặc biệt, trong năm 2012, mặc dù phân khúc bất động sản cao cấp đóng băng, dự án này vẫn bán được hơn 20 căn hộ, với doanh thu 10,3 triệu USD. Mặc dù giá bán căn hộ tối thiểu 200.000 USD/căn và biệt thự thấp nhất cũng 1,2 triệu USD, nhưng Hyatt Regency Danang vẫn là một trong số ít dự án bất động sản nghỉ dưỡng bán chạy nhất miền Trung, với hơn 90% số lượng căn hộ đã được đặt mua.

Theo ông Peter Ryder, miền Trung đã có những bước thay đổi ngoạn mục trong những năm gần đây, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng. Một loạt hệ thống đường bộ ở Đà Nẵng, đường bộ nối Đà Nẵng với Huế và Hội An, hệ thống cầu ở Đà Nẵng cũng như nhà ga Sân bay Quốc tế Đà Nẵng được nâng cấp và mở rộng, cùng với chính sách thân thiện với nhà đầu tư đã tạo động lực cho các dự án nghỉ dưỡng và du lịch phát triển. Mặc dù thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng đã ảnh hưởng đến tiến độ của không ít dự án dọc theo bờ biển miền Trung, nhưng đã có không ít nhà đầu tư vẫn đủ tiềm lực rót vốn xây dựng tiếp, với niềm lạc quan rằng, bờ biển miền Trung trong tương lai sẽ trở thành một trung tâm du lịch quốc tế giống như đảo Bali (Indonesia) hay Phuket (Thái Lan).

Đầu tư vào du lịch Đà Nẵng đã bùng nổ trong vài năm trở lại đây, với hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng mới được khai trương ở Đà Nẵng, như InterContinental, Crowne Plaza, Mercure, Fusion Maia, Hyatt Regency, với tổng nguồn cung mới từ các dự án này lên tới 2.000 phòng. Sắp tới, Đà Nẵng sẽ đón nhận thêm các khách sạn, khu nghỉ dưỡng mới, như Novotel Han Premier, Melia, Pulchra…, cung cấp thêm cho thị trường gần 1.000 phòng.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort cho rằng, bên cạnh hệ thống khách sạn theo tiêu chuẩn quốc tế, thì sự xuất hiện của 3 sân golf là Montgomerie Links, The Dunes và Laguna sẽ góp phần tăng sức cạnh tranh của du lịch nghỉ dưỡng ở miền Trung, vì khó có thể tìm được nơi nào ở Đông Nam Á hội tụ đầy đủ các yếu tố cho du lịch nghỉ dưỡng như dải bờ biển Đà Nẵng - Hội An.

Nhưng bên cạnh sự lạc quan, vẫn còn đó không ít lo lắng của các nhà đầu tư. Bởi vì, dù không ai phủ nhận tiềm năng và sức hấp dẫn của du lịc miền Trung, nhưng làm thể nào để lôi kéo lượng khách du lịch đến miền Trung đủ lớn để lấp đầy số lượng phòng khách sạn đã bùng nổ trong mấy năm qua là một bài toán hóc búa mà các nhà đầu tư mong muốn ngành du lịch cũng như chính quyền sở tại cùng góp sức giải quyết.

Ông Zulki Othman, Tổng giám đốc Hyatt Regency Danang Resort cho rằng, điểm nghẽn chính đối với phát triển du lịch nghỉ dưỡng miền Trung hiện nay là thiếu các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng cũng như việc tiếp thị đến các thị trường trọng điểm du lịch quốc tế. Nếu các nút thắt này được gỡ bỏ, ông Zulki Othman tin rằng, du lịch nghỉ dưỡng miền Trung sẽ thu hút thêm rất nhiều nhà đầu tư, cũng như các tập đoàn quản lý khách sạn danh tiếng thế giới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư