Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đà Nẵng khẩn trương đối phó với bão số 4
Ngọc Tân - 12/09/2016 17:33
 
Áp thấp nhiệt đới đang có diễn biến mạnh lên thành bão số 4 và được dự báo sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng trong 24h tới. Tại Đà Nẵng, công tác phòng chống bão hiện nay đang diễn ra tương đối khẩn trương và chủ động.

Trước tình hình áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão số 4, có thể di chuyển, ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Bộ, trưa 12/9, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ thành phố Đà Nẵng vừa ra Công điện số 16 gửi Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.

Dự báo đường đi của bão số 4 - Ảnh: Nguồn Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương
Dự báo đường đi của bão số 4 - Ảnh: Nguồn Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương

Theo đó, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ thành phố Đà Nẵng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài thông tin Duyên hải Đà Nẵng thống báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh; thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, tìm nơi trú ẩn an toàn; yêu cầu phải liên lạc được với tất cả các tàu, thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các phương tiện đang hoạt động trong khu vực Bắc Hoàng Sa, Tây Hoàng Sa, vùng biển Quảng Trị đến Đà Nẵng, ven bờ Đà Nẵng và Bình Định.

Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; thường xuyên cung cấp tình hình tàu thuyền cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra và báo cáo tình hình về Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố

Cùng với sự chủ động của các cơ quan chức năng, các công trình dân dụng, dự án xây dựng cũng đang được các đơn vị hết sức khẩn trương đối phó với các biện pháp phòng chống bão đổ bộ,

Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng cho biết công tác phòng chống bão số 4 của đơn vị đang được thực hiện rất tích cực và chủ động:“ Furama Resort đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống bão. Hiện đơn vị đã có một đội phụ trách công tác phòng chống bão với đầy đủ các thiết bị … Trong tình huống không tốt, đơn vị sẽ triển khai các biện pháp chống bão. Với du khách, Furama Resort có những phòng nghỉ kiến trúc hết sức kiên cố, ngoài ra còn có cả hệ thống tầng hầm và bác sĩ nội trú sẽ sẵn sàng cho mọi tình huống”.

TP Đà Nẵng đang mưa rất to do chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới- Ảnh: Anh Trung
TP Đà Nẵng đang mưa rất to do chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới- Ảnh: Anh Trung

Đối với một công trình trọng điểm khác của thành phố là Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, ông Lê Khắc Hồng, TGĐ Công ty CP Đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) cho biết:“ Công trình hiện giờ đang thi công ở giai đoạn phần thô. Để đối phó với bão số 4, hiện các cần cẩu để thi công chiều cao đã được hạ xuống thấp để đảm bảo an toàn”.

Với Dự án Blooming Tower Đà Nẵng, công trình hiện nay đã hoàn thành giai đoạn phần thô toàn bộ 37 tầng và tiếp tục tiến hành thi công hoàn thiện, trước tình hình áp thấp có khả năng mạnh lên thành bão, chủ đầu tư (Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hàn Quốc) và các nhà thầu xây dựng hiện đã tiến hành gia cố giàn giáo, thu gom các dụng cụ máy móc vào vị trí an toàn cũng như cho công nhân tạm nghỉ, cần cẩu cũng đang chuẩn bị được hạ thấp nhằm đối phó với bão.

Về phía dự án "tỷ đô" FPT City Đà Nẵng, theo ông Trần Anh Quốc Cường, Giám đốc Kinh doanh FPT City Đà Nẵng cho hay, trong chiều 12/9, công ty đã tiến hành họp gấp bàn các phương án chống bão. Theo đó, công ty đã tiến hành thực hiện chèn chống các hạng mục công trình, tiến hành kè gia cố các điểm xung yếu, thông báo cho nhân viên nghỉ thông qua hệ thống email và tin nhắn nếu có chỉ đạo của UBND. Ngoài ra, đối với nhân viên ở xa, công ty sẽ bố trí phòng nghỉ lại an toàn và bảo đảm điện nước, lương thực thực phẩm.

Cũng trong chiều 12/9, Công ty Kingsmen Vietnam, đơn vị thi công tại các cụm sân thi đấu của Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á (ABG 5 - 2016) đã tiến hành tháo dở và xếp lại tất cả các lều bạt và hạ thấp độ cao các giàn khung, việc thi công lắp đặt linh vật với chiều cao 7 mét ở 8 địa điểm cũng đang được dừng lại.

Cảnh báo mưa lũ trên diện rộng

Theo Trung tâm khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hồi 14 giờ ngày 12/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam-Bình Định khoảng 210km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9. Dự báo trong 6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và khả năng cao mạnh lên thành bão. Đến 19 giờ ngày 12/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam-Bình Định khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.

Thông báo nghỉ học đối với học sinh các trường trên địa bàn thành phố của Sở GDĐT Đà Nẵng vào ngày mai (13/9)
Thông báo nghỉ học đối với học sinh các trường trên địa bàn thành phố của Sở GDĐT Đà Nẵng vào ngày mai (13/9)

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-10; biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Trong 6 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 13 giờ ngày 13/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định tiếp tục có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-10; biển động mạnh.  Từ đêm nay, vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình - Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 7-8, giật cấp 9-10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.  Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Ngoài ra, từ hôm nay (12/9) đến khoảng ngày 14/9, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau liên tục có mưa dông và gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao từ 2-3m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Dòng người vội vã trở về nhà để chuẩn bị cho công tác phòng chống bão số 4 có khả năng đổ bộ vào Đà Nẵng.
Dòng người vội vã trở về nhà để chuẩn bị cho công tác phòng chống bão số 4 có khả năng đổ bộ vào Đà Nẵng.

Cũng theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên từ hôm nay (12/9) đến ngày 14/9 có mưa vừa, mưa to đến rất to (phổ biến 100-150mm). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa, khu vực Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to (50-100mm) kèm gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1. 

Dự án Da Nang IT Park: Trung Nam Land muốn ẵm trước mặt bằng
Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP. Đà Nẵng vừa kiến nghị UBND Thành phố về việc sớm chỉ đạo chuyển nhượng Dự án Khu Công nghệ thông tin...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư