Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 14 tháng 09 năm 2024,
Đà Nẵng: Nhiều dự án ngàn tỷ bất động chờ cơ chế
Hoàng Anh - 25/05/2023 09:25
 
TP. Đà Nẵng đã chi hàng ngàn tỷ đồng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm, nhưng khi xây xong, những công trình này vẫn chưa thể vận hành.
Nhà máy Nước Hoà Liên đã hoàn thành nhưng vẫn chưa thể đưa vào vận hành, khai thác
Nhà máy Nước Hoà Liên đã hoàn thành nhưng vẫn chưa thể đưa vào vận hành, khai thác

Hoàn thành, nhưng chưa vận hành

Cuối tháng 3/2023, TP. Đà Nẵng khánh thành Nhà máy Nước Hòa Liên (giai đoạn I) sau gần 3 năm đầu tư xây dựng, với tổng vốn đầu tư từ ngân sách 1.170 tỷ đồng, công suất 120.000 m3/ngày đêm. Thành phố xác định, đây là dự án trọng điểm, mang tính cấp bách để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô hạn, nên cần phải đầu tư bằng ngân sách.

Hoàn thành xây dựng vào tháng 3/2022, nhưng nhà máy nước ngàn tỷ nêu trên không biết bàn giao cho đơn vị nào quản lý. Lý do là Ban Quản lý dự án đã hoàn thành nhiệm vụ, còn Công ty Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) là đơn vị cổ phần hóa, không thể quản lý, vận hành tài sản công này.

Để tháo gỡ vướng mắc, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã bổ sung nhiệm vụ để Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị (thuộc Sở Xây dựng) có chức năng cấp nước sạch, từ đó có thể quản lý, vận hành Nhà máy Nước Hòa Liên. Tuy nhiên, vướng mắc tiếp tục phát sinh liên quan đến đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm vận hành, đơn giá, công suất khai thác của Nhà máy.

Trong năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông của TP. Đà Nẵng ước đạt 34.293 tỷ đồng, kinh tế số đóng góp 17% GRDP và Khu công viên phần mềm số 1 của Đà Nẵng duy trì tỷ lệ lấp đầy 100%. Vì vậy, Dự án Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn I) có tính chất rất cấp thiết.

Thực tế, hệ thống đường ống phân phối nước sinh hoạt từ các nhà máy nước tới người sử dụng là tài sản do Dawaco vận hành, khai thác. Dawaco cũng đã đầu tư các nhà máy nước, nâng công suất nhà máy hiện có, đảm bảo cung ứng đủ nước sinh hoạt cho khách hàng. Do vậy, công suất khai thác của Nhà máy Nước Hòa Liên khi hòa vào hệ thống phân phối của Dawaco cũng phải hài hòa.

Hiện công suất khai thác của Nhà máy Nước Hòa Liên chưa thống nhất được, do đơn vị vận hành Nhà máy đưa ra phương án khai thác với công suất 60.000 m3/ngày đêm, trong khi phương án của Dawaco là 30.000 m3/ngày đêm.

Bên cạnh đó, vướng mắc về đơn giá cũng là nguyên nhân khiến Nhà máy chậm vận hành, khai thác. Để Nhà máy có thể vận hành, đơn giá nước sẽ được tạm tính theo đơn giá của Nhà máy Nước Cầu Đỏ (Dawaco). Tuy nhiên, chi phí vận hành của các nhà máy nước là khác nhau, do đó khi Nhà máy Nước Hòa Liên vận hành với công suất thấp, nguồn thu không đủ bù chi, thì ngân sách TP. Đà Nẵng sẽ phải cấp bù.

Chờ cơ chế

Ngoài Nhà máy Nước Hòa Liên, nhiều dự án bức thiết khác trên địa bàn TP. Đà Nẵng cũng rơi vào tình cảnh đã hoàn thành mà chưa thể vận hành.

Chẳng hạn, Dự án Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn I) được đầu tư để đáp ứng hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin - lĩnh vực mũi nhọn tăng trưởng của Đà Nẵng. Tháng 10/2020, Dự án được khởi công xây dựng gồm khối nhà văn phòng ICT 20 tầng; 2 khối nhà 8 tầng tổng diện tích sàn hơn 67.000 m2 cùng hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng khoảng 6.000 vị trí làm việc trực tiếp về công nghệ thông tin, công nghệ số. Công trình sau đó được Đà Nẵng điều chỉnh chủ trương đầu tư, tăng vốn từ hơn 703 tỷ đồng lên hơn 986 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi khối lượng thi công các gói thầu đạt 96%, thì Dự án phải dừng thi công từ tháng 6/2022 do vướng mắc theo Báo cáo kết quả kiểm toán nhà nước. Kế hoạch vốn bố trí cho Dự án năm 2023 là 130 tỷ đồng, nhưng đến tháng 4/2023 vẫn chưa giải ngân được đồng nào. Trước đó, tháng 9/2022, TP. Đà Nẵng đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, thống nhất được tiếp tục đầu tư dự án từ nguồn ngân sách thành phố để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Đến tháng 1/2023, Đà Nẵng có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phép cho Thành phố phối hợp các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung một số điều trong nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý với Đà Nẵng. Mục đích là tháo gỡ vướng mắc, sớm đưa Dự án Công viên phần mềm số 2 vào sử dụng, tránh kéo dài gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Ngoài dự án trên, từ năm 2018, TP. Đà Nẵng cũng triển khai chủ trương đầu tư Cụm công nghiệp Cẩm Lệ (giai đoạn I), với diện tích 29 ha, tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng. Dự án được các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố mong chờ, hiện có 899 cơ sở muốn di dời vào Cụm công nghiệp, với nhu cầu sử dụng diện tích hơn 198 ha.

Trái với mong chờ, Cụm công nghiệp Cẩm Lệ thi công kéo rê đến giữa năm 2022 mới hoàn thành xây dựng và hiện vẫn chưa thể đưa vào khai thác và chưa doanh nghiệp nào tiếp cận được mặt bằng sản xuất. Vướng mắc lớn nhất là cơ chế quản lý, vận hành, đơn giá cho thuê do Dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách. Vừa qua, HĐND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu UBND Thành phố khẩn trương hoàn thành phương án quản lý, vận hành và khai thác hạ tầng Cụm công nghiệp.

Tương tự, Dự án đầu tư Trạm trung chuyển rác thải đường Lê Thanh Nghị có tổng vốn 171 tỷ đồng bằng ngân sách đã hoàn thành xây dựng một năm trước, song vẫn chưa được đưa vào vận hành, khai thác chính thức. Trước đó, HĐND TP. Đà Nẵng có nghị quyết chỉ đạo khẩn trương hoàn thành các hạng mục liên quan đến cấp phép, xây dựng đơn giá, tổ chức vận hành thử nghiệm trong tháng 9/2022. Theo lý giải của chủ đầu tư, đây là dự án mới, lần đầu triển khai tại Đà Nẵng, nên cơ chế vận hành, khai thác thử nghiệm tốn nhiều thời gian.

Nhiều dự án xây xong chưa thể vận hành là một nghịch lý khó hiểu khiến nguồn lực đầu tư công không phát huy được hiệu quả và gây lãng phí. TP. Đà Nẵng cần phải có những giải pháp quyết liệt để tháo bỏ nghịch lý, sớm đưa các dự án đi vào vận hành.

Đà Nẵng: Mở thầu lại dự án nhà máy nước Hòa Liên
Sau khi hủy kết quả đấu thầu lần trước về hai gói thầu quan trọng liên quan đến dự án nhà máy nước Hòa Liên (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng),...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư