Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đà Nẵng tìm lời giải bài toán du lịch mùa vụ
Ngọc Tân - 08/09/2017 16:29
 
Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là cơ hội tuyệt vời để Đà Nẵng tạo dựng hình ảnh của một điểm đến lý tưởng và hiện đại, đồng thời khẳng định sự đúng đắn trong việc phát triển loại hình du lịch hội nghị - hội thảo (M.I.C.E).

Đi tìm lời giải từ M.I.C.E

Hoạt động du lịch tại hầu hết các địa phương miền Trung hiện nay được chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa cao điểm và thấp điểm. Trong đó, mùa du lịch cao điểm thường tập trung vào mùa khô (từ tháng 4 đến tháng 10). Về mùa mưa, thời tiết không thuận lợi cho các loại hình tham quan, nghỉ dưỡng, nên đây được xem là mùa thấp điểm của du lịch miền Trung.

Để du lịch phát triển bền vững, các địa phương tại miền Trung đang nỗ lực tìm hướng đi mới cho các hoạt động du lịch trong thời kỳ thấp điểm. Quảng Bình theo đuổi việc quảng bá phát triển các sản phẩm du lịch hang động, trong đó có chiến lược biến Phong Nha - Kẻ Bàng thành phim trường Holywood; Quảng Trị xây dựng sản phẩm “du lịch hoài niệm” xưa dựa trên sự phong phú đa dạng các di tích lịch sử chiến tranh; Huế tích cực với sản phẩm “mưa Huế”. Trong khi đó, mặc dù không có quá nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh, nhưng với lợi thế riêng của mình, Đà Nẵng nỗ lực xây dựng thành điểm đến của du lịch M.I.C.E. Việc đăng cai Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã khẳng định sự đúng đắn của hướng đi mới này.

.
.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh các địa phương trên cả nước đang quyết liệt đầu tư phát triển du lịch và các điểm đến khác trong khu vực như Genting (Malaysia), Bali (Indonesia), Cebu (Philippines), Phuket (Thái Lan)… không ngừng làm mới các sản phẩm du lịch dịch vụ của mình, Đà Nẵng cần xác định hướng đi, tạo ra sự khác biệt để tăng cường khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Với lợi thế về các yếu tố địa lý, vai trò là động lực phát triển kinh tế của miền Trung - Tây Nguyên, với kinh nghiệm tổ chức thành công các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch…, Đà Nẵng hoàn toàn có thể phát triển loại hình du lịch M.I.C.E.

Ông Mary McKeon, Trưởng nhóm Tư vấn (Dự án EU-ESRT) cho rằng, Đà Nẵng có thể phát triển du lịch M.I.C.E do đây là thành phố biển rất độc đáo, với các địa điểm hội họp, cơ sở lưu trú đẳng cấp, các khu nghỉ dưỡng và ẩm thực cao cấp, đạt tiêu chuẩn quốc tế…

Khẳng định hướng đi mới

Chỉ còn 2 tháng nữa là sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sẽ chính thức diễn ra. Đà Nẵng đã và đang dần hoàn tất các hạng mục còn lại để phục vụ sự kiện trọng đại được xem là lớn nhất năm của Việt Nam mà Đà Nẵng đứng ra tổ chức.

Ông Trần Anh Quốc Cường, Phó thư ký Hội Môi giới Bất động sản Đà Nẵng đánh giá: “APEC 2017 là một cơ hội không thể tốt hơn để Đà Nẵng tạo dựng hình ảnh là một điểm đến lý tưởng và là một thành phố hiện đại của châu Á. Sự kiện này sẽ là một trong những điểm nhấn định hướng cho sự phát triển du lịch M.I.C.E của Đà Nẵng”.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 dự kiến đón 20.000 đại biểu, bao gồm lãnh đạo các nền kinh tế thành viên, các CEO của các tập đoàn lớn trên thế giới… Để phục vụ sự kiện này, Đà Nẵng đã lựa chọn những khách sạn, khu nghỉ dưỡng hàng đầu mang tầm châu lục của mình.

Về tiến độ các hạng mục công trình phục vụ APEC 2017, tại Khách sạn Intercontinental, đơn vị thi công đã hoàn thiện phần nền thoát nước, lát gạch, trồng cây, tạo cảnh quan; đồng thời, mở rộng đường giao thông từ bãi đỗ xe APEC đến khu hội nghị, đường giao thông bảo đảm hai làn xe ra, vào riêng rẽ.

Trong khi đó, nhà ga quốc tế Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã đi vào vận hành và khai thác các chuyến bay quốc tế.

Một hạng mục quan trọng là trung tâm hội nghị. Đại diện Furama Resort Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã nâng cấp toàn diện Cung Hội nghị quốc tế (ICP), song song với việc khẩn trương hoàn thiện Trung tâm Hội nghị Ariyana (ACC) để phục vụ sự kiện APEC 2017.

Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Đà Nẵng, công trình nâng cấp Cung Hội nghị quốc tế đã bắt đầu từ tháng 7, với gần 10 hạng mục thi công. Sau khi hoàn thành, ICP sẽ có diện mạo mới với toàn bộ nội thất được phủ màu sơn tươi sáng hơn. Một số cải tạo đáng chú ý tại ICP như thay thế hệ thống loa hội nghị công suất lớn, lắp đặt hệ thống cách âm trần; nâng cấp hệ thống theo dõi an ninh; khu bếp được xây dựng lại, đảm bảo đủ sức tổ chức các sự kiện, tiệc ăn uống và dịch vụ 5 sao cho 1.000 người cùng lúc...

Cùng với ICP, Trung tâm Hội nghị Ariyana (ACC, nằm trong quần thể du lịch Ariyana Đà Nẵng) cũng đã được đầu tư để phục vụ sự kiện APEC, với tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng. ACC có diện tích xây dựng 5.500 m2, tổng diện tích sàn xây dựng 12.000 m2, phòng hội nghị chính đáp ứng cho 2.500 người.

Cả 2 dự án trên được trực tiếp quản lý bởi Furama Resort Đà Nẵng. Điều này khẳng định thế mạnh du lịch M.I.C.E hàng đầu của khu nghỉ mát này tại miền Trung.

“Hai công trình ICP và ACC khi hoàn thành sẽ tạo nên một khu liên hợp hội nghị - hội thảo mang tầm vóc quốc tế lớn nhất khu vực miền Trung, nơi được lựa chọn để tổ chức đến 80% các sự kiện quan trọng của APEC 2017 ”, ông Quỳnh cho biết.

[Infographic] Nhiều công trình phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đã về đích
Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 11-11-2017 tại thành phố Đà Nẵng. Đến thời điểm này, nhiều công trình, dự án trọng điểm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư