Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Đà phục hồi của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang bị đe dọa
Anh Minh - 25/04/2023 08:36
 
Nhu cầu vận tải biển suy giảm mạnh, sự cạnh tranh gay gắt trong khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải đang đe dọa đà phục hồi của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

“Biển động”

Cảnh báo về những dấu hiệu bất lợi của thị trường hàng hải toàn cầu liên tục được lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

“Các cổ đông luôn muốn các chỉ tiêu kinh doanh của doanh nghiệp năm sau phải tốt hơn năm trước. Tuy nhiên, bối cảnh kinh doanh năm 2023 của ngành hàng hải trong nước và thế giới đang diễn biến theo chiều hướng xấu, buộc Hội đồng Quản trị phải lựa chọn một kịch bản thận trọng hơn so với năm 2022 và năm 2021”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC lý giải.

Thực tế, thị trường hàng hải thế giới đã xuất hiện dấu hiệu “biển động” ngay từ cuối quý II/2022. Suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế lớn khiến sản lượng hàng hoá lưu thông trên các tuyến Á - Âu và Á - Mỹ giảm mạnh, tâm lý tích trữ hàng hóa giảm khi đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.

Sau khi chạm mức 3.353 điểm vào ngày 20/5/2022, Chỉ số Thuê tàu hàng khô Baltic (BDI) đã lao dốc mạnh. Dự báo, năm 2023, BDI dao động trong khoảng 1.300 - 1.400 điểm, thậm chí có thể giảm dưới 500 điểm như thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát.

Đối với thị trường vận tải container, hiện giá cước trên các tuyến từ châu Á đi xuyên Thái Bình Dương đều giảm rất mạnh. Khai thác cảng biển - lĩnh vực mang lại doanh thu lớn và ổn định cho VIMC - cũng sẽ gặp nhiều bất lợi. Thị trường sắt thép, dăm gỗ, viên gỗ nén, thức ăn gia súc dự báo gặp nhiều khó khăn sau 2 năm bùng nổ do nhiều yếu tố (dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, chính sách…).

Lĩnh vực dịch vụ hàng hải từng là thế mạnh của VICM sẽ tiếp tục đối diện với cạnh tranh khốc liệt do nhiều trung tâm logistics, ICD mới tại các địa phương tiếp tục được đầu tư, đi vào hoạt động.

Do đó, Hội đồng Quản trị VIMC chỉ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 thông qua các chỉ tiêu kinh doanh “khiêm tốn”: doanh thu hợp nhất đạt 13.354 tỷ đồng (bằng 87% năm 2022); doanh thu công ty mẹ đạt 2.024 tỷ đồng (bằng 84%  năm 2022); lợi nhuận hợp nhất 2.330 tỷ đồng (bằng 76% năm 2022); lợi nhuận Công ty mẹ đạt 310 tỷ đồng (bằng 47% năm 2022).

Đây là tín hiệu cho thấy, thời kỳ hoàng kim của “ông lớn” hàng hải Việt Nam sẽ không kéo dài.

Điểm tựa cho tái cơ cấu

Hàng hải là lĩnh vực hiếm hoi bật tăng trong giai đoạn Covid-19. Chỉ trong 3 năm (2021-2023), VIMC đã đạt lợi nhuận trước thuế hơn 8.000 tỷ đồng, bình quân lãi hơn 2.700 tỷ đồng/ năm, qua đó góp phần cải thiện căn bản bức tranh tài chính của doanh nghiệp.

Đặc biệt, 2022 là năm VIMC đạt kết quả kinh doanh tốt nhất  trong 10 năm trở lại đây. Sản lượng vận tải biển toàn Tổng công ty đạt 21,8 triệu tấn; doanh thu hợp nhất đạt 15.300 tỷ đồng (122% kế hoạch); doanh thu công ty mẹ đạt 2.417,4 tỷ đồng (143% kế hoạch); lợi nhuận hợp nhất đạt 3.055 tỷ đồng (121% kế hoạch); lợi nhuận Công ty mẹ đạt 653 tỷ đồng (272% kế hoạch)...

Đối với Công ty mẹ VIMC, các chỉ số tài chính về khả năng thanh toán tại thời điểm 31/12/2022 cho thấy, tình hình tài chính cũng như dòng tiền rất tốt, đảm bảo khả năng thanh toán kịp thời và an toàn.

Cơ cấu tài sản nguồn vốn của Công ty mẹ cũng đã cân đối, hợp lý hơn. Kể từ năm 2021, khi có kết quả kinh doanh thuận lợi, VIMC đã tập trung trả những khoản nợ có lãi suất cao tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), nên đến cuối năm 2022, các chỉ số nợ đã giảm nhiều so với số đầu năm.

Sau khi các cổ đông của VIMC nhất trí không thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2022, Công ty mẹ VIMC sẽ xóa toàn bộ các khoản lỗ lũy kế đến thời điểm 31/12/2022, đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 10 năm, Công ty mẹ VIMC thực sự lành mạnh về tài chính.

“Đến thời điểm này, VIMC đã thực hiện IPO, chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần được tròn 5 năm. Trong 5 năm qua, tình hình sản xuất, kinh doanh của chúng tôi đã tốt hơn rất nhiều giai đoạn trước cổ phần hóa. Đây là nền tảng để VIMC sẽ vượt qua những khó khăn, hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2023”, ông Tĩnh nhấn mạnh.

Trong giai đoạn “chờ thời” này, VIMC sẽ tập trung hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên; tập trung hoàn thành đúng kế hoạch các dự án đầu tư trọng điểm, trong đó có bến số 3, 4 cảng Lạch Huyện (Hải Phòng); mở rộng doanh thu, lợi nhuận tại các lĩnh vực nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác tốt; triển khai có hiệu quả Đề án Cơ cấu lại VIMC sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cán mốc lợi nhuận 3.129 tỷ đồng trong năm 2022
Cả hai chỉ tiêu kinh doanh quan trọng nhất của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP (VIMC) là doanh thu, lợi nhuận năm 2022 đều vượt xa kế hoạch đề...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư