Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tham vọng mới của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam
Anh Minh - 24/04/2022 13:27
 
Thị trường vận tải biển thế giới phục hồi không chỉ giúp hải trình xóa lỗ của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam bớt nhọc nhằn, mà còn giúp doanh nghiệp hàng hải lớn nhất nước tự tin hơn.

Nới quy mô vốn điều lệ

Trong số các nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2022 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) vừa được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên giữa tuần này, đáng chú nhất là kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 13.005 tỷ đồng.

Cụ thể, các cổ đông của VIMC (trong đó, cổ đông Nhà nước nắm hơn 99% vốn điều lệ) đã nhất trí để Hội đồng Quản trị VIMC kích hoạt kế hoạch phát hành 100 triệu cổ phiếu có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Theo đó, VIMC sẽ thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho tối đa 100 tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đáp ứng điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán lô cổ phiếu này được ủy quyền cho Hội đồng Quản trị VIMC quyết định, nhưng không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán hoặc giá trị được ghi trong sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất.

Nếu đợt phát hành cổ phiếu này được thực hiện thành công, VIMC sẽ có vốn điều lệ mới là 13.005,88 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ hiện nay.

Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIMC cho biết, doanh nghiệp cần tăng vốn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển ở cả 3 trụ cột kinh doanh chính là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải với tổng mức đầu tư đến năm 2030 là 25.000 tỷ đồng.

Mặt khác, trong phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 751/QĐ-TTg ngày 20/6/2018, vốn điều lệ của VIMC được chốt là 14.046 tỷ đồng, trong đó, tỷ lệ sở hữu nhà nước là 65% vốn điều lệ. Tuy nhiên, do việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược không thực hiện được và tỷ lệ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng thấp, nên vốn điều lệ hiện tại của VIMC là 12.005,88 tỷ đồng, trong đó, cổ đông Nhà nước nắm tới 99,469% vốn điều lệ.

Về nguyên tắc, VIMC được lựa chọn một trong 3 hình thức chào bán cổ phần, gồm chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, chào bán cổ phần ra công chúng và chào bán cổ phần riêng lẻ.

Đối với hình thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, do tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VIMC đang vượt quá tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước theo quy định tại Quyết định số 751/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nên không được xem xét.

Đối với hình thức phát hành cổ phiếu ra công chúng, theo quy định, đơn vị phát hành phải đáp ứng được điều kiện: hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán. Do đến ngày 31/12/2021, VIMC vẫn lỗ lũy kế là 886 tỷ đồng, nên VIMC không đáp ứng được điều kiện để thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng trong năm 2022.

“Như vậy, trong 3 hình thức phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ, VIMC chỉ đủ điều kiện để thực hiện hình thức phát hành cổ phần riêng lẻ”, lãnh đạo VIMC nói.

Tâm thế mới

Khác với đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng năm 2008, với tuyệt đại bộ phận cổ phiếu chào bán phải “mang đến rồi mang về”, đợt phát hành 100 triệu cổ phiếu tới đây của VIMC có tính khả thi cao nhờ điểm tựa kết quả kinh doanh rất tích cực trong năm 2021.

Nắm bắt kịp thời đà đi lên của thị trường vận tải biển quốc tế trong giai đoạn 2020 - 2021, thực hiện các biện pháp điều hành linh hoạt, sát với diễn biến thị trường, nên trong năm 2021, Công ty mẹ VIMC đạt doanh thu 1.825 tỷ đồng, vượt 33% so với kế hoạch được giao; lợi nhuận trước thuế đạt 230 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch được giao; doanh thu hợp nhất đạt 14.300 tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 3.640 tỷ đồng.

Kết quả này đã giúp VIMC giảm lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2021 còn 886 tỷ đồng, giúp lộ trình xóa sạch lỗ lũy kế hàng ngàn tỷ đồng tích tụ từ nhiều năm trước trở nên ngắn hơn.

Cần phải nói thêm rằng, trong năm 2022, VIMC đã đặt ra một kế hoạch kinh doanh khá thận trọng, trong đó doanh thu, lợi nhuận hợp nhất trước thuế lần lượt bằng 87,5% và 69% con số thực hiện năm 2021, do phải chịu tác động tiêu cực từ cuộc xung đột tại Ukraine, giá nhiên liệu tăng và sự trỗi dậy ngày một mạnh mẽ của các đối thủ cạnh tranh trong nước tại 2 lĩnh vực vốn đang mang lại doanh thu chủ lực là cảng biển và dịch vụ hàng hải.

Tuy nhiên, Công ty mẹ VIMC vẫn đặt mục tiêu đạt doanh thu 240 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 4,3% so với năm 2021 nhằm sớm trả cổ tức cho các cổ đông thay vì phải dành để bù lỗ như những năm vừa qua.

Một điểm nhấn rất quan trọng nữa trong kế hoạch kinh doanh năm 2022 của VIMC là việc thành lập Công ty cổ phần Vận tải container VIMC. Dự kiến, doanh nghiệp vận tải container đường biển đầu tiên tại Việt Nam sẽ có vốn điều lệ 2.041 tỷ đồng, trong đó VIMC góp 51% vốn điều lệ; phần còn lại sẽ huy động từ các cổ đông bên ngoài.

“Việc hình thành thương hiệu vận tải container đầu tiên của Việt Nam không chỉ để bắt kịp xu hướng kinh doanh của vận tải biển thế giới, mà còn mang lại những lợi ích to lớn cho các chủ hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam vốn đang bị các chủ tàu ngoại chèn ép”, một chuyên gia nhận định.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam: Bứt phá, trở lại vị thế số một ngành hàng hải
Thắng lớn trong cả 3 lĩnh vực kinh doanh chủ chốt là vận tải biển, khai thác cảng, dịch vụ logistics, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) có cơ sở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư