Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam: Bứt phá, trở lại vị thế số một ngành hàng hải
Anh Minh - 06/02/2022 17:04
 
Thắng lớn trong cả 3 lĩnh vực kinh doanh chủ chốt là vận tải biển, khai thác cảng, dịch vụ logistics, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) có cơ sở để rút ngắn lộ trình trở lại vị thế số một.
Năm 2022, VIMC thực hiện mục tiêu bứt phá mạnh mẽ với hàng loạt Dự án đầu tư hạ tầng cảng biển và đổi mới đội tàu
Năm 2022, VIMC thực hiện mục tiêu bứt phá mạnh mẽ với hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng cảng biển và đổi mới đội tàu.

“Trái ngọt” bất ngờ

“Việc tận dụng thành công những cơ hội có được từ nhu cầu vận tải biển trong năm 2021 là cơ hội để VIMC tiếp tục hoàn thiện quá trình tái cơ cấu và định hướng mảng đầu tư hiệu quả trong tương lai, từ đó, có thể mở rộng thị trường, kết nối thêm nhiều đối tác và nguồn hàng”, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá.

Có thể nói, 2021 là năm thành công ngoài mong đợi của VIMC, khi doanh thu toàn Tổng công ty ước đạt 19.604 tỷ đồng, bằng 124% năm 2020 và bằng 129% kế hoạch năm; lợi nhuận ước đạt 3.750 tỷ đồng, bằng 554% kế hoạch năm. Đây là những con số thực sự ấn tượng khi năm 2020, VIMC vẫn lỗ tới 145,3 tỷ đồng.

Nếu như những năm trước, lĩnh vực dịch vụ hàng hải là “mỏ vàng” lợi nhuận của VIMC, thì năm 2021, khối vận tải biển đã có sự bứt phá rất lớn khi ghi nhận lợi nhuận 1.078 tỷ đồng sau nhiều năm thua lỗ kéo dài.

Một số đơn vị vận tải đã thoát khỏi điệp khúc “lỗ và lỗ” dai dẳng suốt hơn 10 năm và đạt kết quả nổi trội. VIMC Shipping đạt lợi nhuận khoảng 496,8 tỷ đồng; Vosco đạt lợi nhuận khoảng 185,5 tỷ đồng; Vinaship đạt lợi nhuận khoảng 164,8 tỷ đồng; Vận tải Biển Đông đạt lợi nhuận khoảng 37 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC nhấn mạnh, kết quả tích cực này xuất phát từ việc Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã theo sát diễn biến thị trường, nắm bắt cơ hội và linh hoạt trong điều chỉnh phương án khai thác cũng như trong đàm phán hợp đồng để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.

Khối các doanh nghiệp cảng biển của VIMC cũng có sự bứt phá lớn, vươn lên vị trí số 1 về doanh thu và lợi nhuận năm 2021. Mặc dù chưa chốt số liệu cuối cùng, nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2021 khối cảng biển của VIMC ước đạt 2.234,9 tỷ đồng (chiếm 78% tổng lợi nhuận hợp nhất toàn VIMC), trong đó, nổi bật là cảng Sài Gòn, cảng Quy Nhơn.

Một tín hiệu tích cực khác là nhóm cảng liên doanh của VIMC sau nhiều năm thua lỗ cũng đã đạt được một số kết quả nổi bật. Cảng SSIT ước tính lãi 139,7 tỷ đồng; CMIT đạt lợi nhuận khoảng 89,14 tỷ đồng.

Tương tự, khối dịch vụ hàng hải cũng vượt kế hoạch được giao về doanh thu (đạt 2.370 tỷ đồng, tăng 42% so với kế hoạch). Một số đơn vị trong khối này vượt kế hoạch được giao cả về doanh thu và lợi nhuận.

Mục tiêu số một

“Kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2021 sẽ giúp lộ trình trở lại vị trí số một ngành hàng hải Việt Nam và ghi dấu ấn trên bản đồ hàng hải quốc tế vào năm 2030 của VIMC được rút ngắn đáng kể”, một chuyên gia hàng hải đánh giá.

Tính đến ngày 31/12/2021, VIMC đang khai thác 15 cảng biển, 1 cảng sông với 75 cầu cảng có tổng chiều dài 13.571 m, chiếm hơn 26% tổng số cầu cảng và gần 17% tổng số chiều dài cầu cảng cả nước. Đội tàu biển của VIMC gồm 64 chiếc, tổng trọng tải 1,45 triệu DWT, chiếm khoảng 20% đội tàu biển quốc gia. VIMC và các đơn vị thành viên đang sở hữu hệ thống hạ tầng logistics gồm kho, bãi, đội xe vận tải bộ, sà lan với tổng diện tích kho bãi lên tới 0,5 triệu m2.

Năm 2022, VIMC thực hiện mục tiêu bứt phá mạnh mẽ với hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng cảng biển và đổi mới đội tàu.

Trước đó, cuối năm 2021, Tổng công ty đã ký kết với MSC - hãng tàu container lớn nhất thế giới để hợp tác nghiên cứu phát triển các dự án hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics tại Việt Nam, đặc biệt là các cảng nước sâu, cảng trung chuyển nhằm thu hút nguồn hàng trong khu vực, kết nối Việt Nam với các cảng biển trên thế giới.

VIMC cũng đã hợp tác cùng hãng tàu ZIM mở tuyến vận tải container kết nối trực tiếp Việt Nam - Malaysia - Ấn Độ. Tuyến dịch vụ kết nối trực tiếp 2 cảng biển lớn nhất Việt Nam tại TP.HCM và Hải Phòng tới các cửa ngõ lớn nhất của Ấn Độ với thời gian vận chuyển cạnh tranh, rút ngắn hơn 10 ngày so với trước đây. Đồng thời, với việc mở vận tải container bằng đường biển tuyến xa của ngành hàng hải, Việt Nam sẽ chủ động trong vận tải hàng hóa, tránh bị chèn ép tăng giá cước của các hãng tàu ngoại.

“Ưu tiên của VIMC trong năm 2022 là khởi công và triển khai xây dựng Dự án Bến số 3, số 4 cảng container quốc tế Lạch Huyện; tiếp tục phát triển các dự án cảng biển tại Cần Giờ - TP.HCM, cảng Liên Chiểu - Đà Nẵng”, ông Tĩnh thông tin.        

Vận tốt trở lại với “ông lớn” ngành hàng hải VIMC
Thắng lớn trong cả 3 lĩnh vực kinh doanh chủ chốt là vận tải biển - khai thác cảng - dịch vụ logistics sẽ giúp Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư